Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

10 căn cho thuê ế 7, chủ căn hộ dịch vụ loay hoay tìm cách tồn tại

Chủ nhà đưa ra nhiều phương án như giảm giá nhà, chuyển đổi công năng nhưng khách thuê vẫn nhỏ giọt.

3 căn hộ dịch vụ 50 m2 ở Ba Đình, Hà Nội đang được chủ nhà đăng tin cho thuê với giá 13 triệu đồng/căn/tháng nhưng 3 tháng nay vẫn chưa tìm được khách. Chủ nhà cho biết trước dịch, giá cho thuê các căn này thường không dưới 20 triệu đồng/tháng. Người này có 2 tòa nhà với 10 căn hộ, trong đó 4 căn ở đường Hoàng Hoa Thám và 6 căn ở khu Tây Hồ. Hiện tại 6 căn ở khu Tây Hồ đã đóng cửa do  doanh thu không đủ bù các loại phí, tiền thuê người quản lý. Còn 4 căn ở đường Hoàng Hoa Thám, 2 vợ chồng vẫn cố gắng đăng tin tìm khách vì có thể tự trông nom. 

Chủ nhà cũng cho biết bà tham gia vào một hội nhóm những người cho thuê căn hộ dịch vụ. Trước khi có dịch, các thành viên trong nhóm thường giới thiệu khách cho nhau khi không đủ phòng cho thuê. Tuy nhiên đến nay, hầu hết các tòa nhà chỉ đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 10-20%, số này chủ yếu là khách thuê từ trước đó, các chuyên gia nước ngoài đang làm việc ở các khu công nghiệp hoặc công ty vùng ven Hà Nội, một số ít là khách trong nước. 

“Khách bây giờ rất ít, người cho thuê lại quá nhiều. Mọi người cũng giảm giá rất sâu nên khó cạnh tranh. Nhiều người quen của tôi đã đóng cửa, dừng cho thuê gần một năm nay rồi”, chủ nhà ở đường Hoàng Hoa Thám kể.

Chủ nhà tính toán trong hơn một năm qua, từ ngày dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nội, doanh thu từ hoạt động cho thuê nhà của bà giảm khoảng 80%. Sau khi trừ đi các loại chi phí, bà cho biết "thu chỉ đủ chi, hoàn toàn không có lãi".

Tại khu phố cổ Hà Nội, anh Hoài vừa đóng cửa tòa nhà với 8 căn hộ hồi tháng 5. Trước dịch, căn hộ luôn trong trạng thái “cháy phòng".

Anh Hoài kể tòa nhà của anh được xây theo mô hình căn hộ dịch vụ từ năm 2015, kinh phí đầu tư, sửa sang vào khoảng 7 tỷ đồng không bao gồm tiền đất. Hàng tháng, anh phải thuê 4 người, trong đó một người làm quản lý chung, một người phụ trách mảng quảng cáo, kết nối khách và 2 nhân viên vệ sinh, dọn dẹp. Tiền lương cho 4 nhân viên mất khoảng 50 triệu đồng cùng các chi phí phát sinh khoảng 30 triệu đồng nữa, tức chi phí cố định mỗi tháng rơi vào khoảng 80 triệu đồng. Giai đoạn 2016-2019, tòa nhà hoạt động tốt, doanh thu đã bù được 70% vốn bỏ ra ban đầu. Nhưng ngay sau đó, dịch bệnh bùng phát, lượng khách lúc trồi lúc sụt, có giai đoạn doanh thu không đủ bù 1/5 chi phí thuê người quản lý, dọn dẹp.

Đến tháng 7/2020, anh chuyển mô hình căn hộ dịch vụ sang homestay, cho thuê ngắn ngày để giảm bớt chi phí nhưng tình hình vẫn không khả quan hơn. Cho đến khi dịch bệnh trở nên phức tạp từ đầu tháng 5 đến nay, anh Hoài quyết định đóng cửa và chờ đợi, dù không biết chờ đến khi nào.

Anh Hoài và cặp vợ chồng ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội đều không biết bao giờ mới có khách thuê nhà trở lại. Điều họ e ngại nhất là tính cạnh tranh trên thị trường đang ngày một khốc liệt, khách sạn và căn hộ chung cư đều liên tục giảm giá cho thuê. Khách hàng vốn đã ít nay lại có quá nhiều lựa chọn. Trường hợp xấu nhất, những người này tính đến phương án ngừng kinh doanh căn hộ dịch vụ. 

Trong báo cáo mới đây của Colliers Việt Nam, đơn vị này nêu ví dụ không ít người từng mua căn hộ officetel và chuyển đổi công năng thành căn hộ dịch vụ cho thuê, mô hình này cho hiệu quả rất tốt trong giai đoạn 2017-2019. Song đến nay, nhiều người đã phải rao bán do áp lực tài chính và lãi suất ngân hàng.

chdv-4420-1627025956.png
Ít khách thuê, căn hộ dịch vụ tiếp tục đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng cao trên thị trường. Ảnh: H.N

Báo cáo cho hay thị trường căn hộ dịch vụ ghi nhận ít khách thuê. Các mô hình cho thuê ngắn ngày không gắn thương hiệu như 2 trường hợp ở Hà Nội nói trên trên đã giảm giá mạnh trong 16 tháng qua. Mức giá thuê phòng giảm 40-70% so với năm 2019. Điểm qua các nền tảng trực tuyến kinh doanh mô hình này, số lượng căn hộ dịch vụ cho thuê ngắn ngày giảm một nửa so với khi bùng nổ du lịch trước dịch.

Tình trạng này cũng không tích cực hơn ở các phân khúc trung và cao cấp khi tỷ lệ trống ngày càng cao, theo Colliers. Hiện tại, các căn hộ chủ yếu phục vụ khách thuê dài hạn, một số ít khách ngắn hạn do lệnh hạn chế đi lại. Ở một số khu vực, giá cho thuê căn hộ dịch vụ liên tục giảm, mặc dù năm 2020 đã giảm tới 30%,  không ít chủ nhà đã chủ động hỗ trợ khách thuê bằng cách cắt giảm tiền thuê nhà, hóa đơn điện, nước và các dịch vụ đi kèm để tăng công suất thuê qua đại dịch.

Với thực tế hiện nay, Savills dự báo trong ngắn hạn, thị trường căn hộ dịch vụ sẽ tiếp tục bấp bênh do các chuyến bay thương mại vẫn còn hạn chế đồng thời lượng chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam giảm. Sự phục hồi của thị trường căn hộ dịch vụ phụ thuộc vào quá trình triển khai vaccine và đà phục hồi kinh tế trên toàn cầu cũng như sự dịch chuyển của dòng vốn FDI.

Tương tự, Colliers cũng cho rằng trong ngắn hạn, triển vọng của loại hình căn hộ dịch vụ là không mấy lạc quan. Còn trong trung và dài hạn, sự phục hồi của loại hình này phụ thuộc chủ yếu vào chương trình tiêm chủng trong nước cũng như các nước khác trên thế giới. Nhiều quốc gia đang tìm cách khôi phục du lịch quốc tế thông qua sử dụng hộ chiếu vaccine, đồng thời dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam cũng có thể đem lại kỳ vọng gia tăng tỷ lệ lấp đầy của căn hộ dịch vụ. 

LÂM TÙNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement