02/03/2022 14:17
Xung đột Nga – Ukraina khiến nhiều quốc gia ở châu Phi gặp khủng hoảng nguồn cung lúa mì
Nga là nhà xuất khẩu lúa mì số một thế giới - và là nhà sản xuất mặt hàng này đứng thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi Ukraina nằm trong số năm nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới.
“Vụ thu hoạch lúa mì bắt đầu vào tháng 7 và sản lượng năm nay dự kiến sẽ ở mức tốt, có nghĩa là nguồn cung dồi dào cho các thị trường toàn cầu trong điều kiện bình thường. Nhưng một cuộc chiến kéo dài ở Ukraina có thể ảnh hưởng đến việc thu hoạch và nguồn cung cấp toàn cầu”, ông Karabekir Akkoyunlu, giảng viên về chính trị Trung Đông tại Đại học London cho biết.
Ngoài ra, kế hoạch cắt một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT để trả đũa việc Moscow tấn công toàn diện Ukraina dự kiến sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước này.
Vào thời điểm mà khủng hoảng lương thực toàn cầu, sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch coronavirus thì đây là một mối quan tâm thực sự và nó sẽ đẩy giá lên mức kỷ lục, ông Karabekir Akkoyunlu nói thêm.
Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng sản xuất khoảng một nửa lượng lúa mì tiêu thụ trong nước thế nên nước này vẫn phải nhập khẩu một nửa còn lại và 85% trong số đó đến từ Nga và Ukraina.
Nhập khẩu lúa mì của Ankara từ Ukraina đã đạt mức kỷ lục vào năm 2021, theo dữ liệu chính thức từ Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ.
Akkoyunlu nói: “Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng nước này có năng lực sản xuất để bù đắp cho sự mất mát nhập khẩu lúa mì, nhưng ngay cả như vậy, điều này sẽ đẩy chi phí lên đáng kể”.
Ông nói: “Sắp tới năm bầu cử, điều này sẽ làm tăng áp lực lên chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip] Erdogan, vốn đang mất vị thế trước phe đối lập trong hầu hết các cuộc thăm dò”.
Trong vài tháng gần đây, những người xếp hàng dài chờ mua bánh mì được trợ giá đã xuất hiện ở các quận khác nhau của Istanbul do lạm phát tăng vọt và đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ bị mất giá khiến chi phí tăng lên, điều này ảnh hưởng lớn đến sức mua.
Giá cả tăng cao và nguồn cung không đủ đã ảnh hưởng đến các quốc gia suy thoái kinh tế ở Trung Đông và Bắc Phi, những nơi mua phần lớn lúa mì từ Nga và Ukraina. Điều này sẽ đưa các quốc gia này đến bờ vực của cuộc khủng hoảng.
“Ukraina cung cấp một lượng lớn ngũ cốc cho hầu hết các quốc gia này, Monica Marks, giáo sư về chính trị Trung Đông tại Đại học New York, Abu Dhabi, nói.
“Không giống như Thổ Nhĩ Kỳ, hầu hết các nền kinh tế trong thế giới Ả Rập đều phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lúa mì. Ai Cập phụ thuộc vào Nga và Ukraina với 85% lượng lúa mì nhập khẩu trong khi Tunisia phụ thuộc vào Ukrainevới khoảng 50-60%”, bà nói.
Cũng theo bà Marks, nói rằng chính phủ Tunisia đã không thể thanh toán cho các lô hàng lúa mì đến, và cho biết đã có sự thiếu hụt phổ biến đối với các sản phẩm ngũ cốc như mì ống và mì hộp, chiếm một phần đáng kể trong chế độ ăn uống của người Tunisia.
Akkoyunlu cũng lưu ý rằng Ai Cập, Tunisia và Lebanon, cùng với Yemen và Sudan đang chịu rủi ro lớn do giá tăng và nhu cầu tăng đột biến.
Trong khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina đang gia tăng, khả năng xuất khẩu lúa mì từ các vùng đất màu mỡ của họ sẽ giảm ở các quốc gia dễ bị tổn thương suốt từ rìa Bắc Phi đến Levant.
Bà Marks cho biết, mặc dù Maroc không phụ thuộc vào nhập khẩu giống như một số nước láng giềng, nhưng nước này hiện đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 30 năm, dẫn đến giá lương thực tăng cao và cuối cùng sẽ buộc chính phủ phải tăng nhập khẩu ngũ cốc và trợ cấp.
Bánh mì được xem như một “mặt hàng chịu trách nhiệm chính trị” và căng thẳng nguồn cung và giá cả leo thang thậm chí có thể châm ngòi cho cuộc nổi dậy.
“Bánh mì là nguyên nhân chính và là biểu tượng của các cuộc nổi dậy phổ biến ở Ai Cập và Tunisia từ những năm 1970 và 1980. Cuộc cách mạng Ai Cập năm 2011 diễn ra trước một đợt hạn hán lớn ở Âu-Á và giá bánh mì tăng tương ứng”, Akkoyunlu nói.
Advertisement