02/01/2022 10:48
Xuất nhập khẩu 2021 và cú 'quay xe' thần tốc
Bất chấp dịch Covid-19 hoành hành khiến đứt gãy chuỗi sản xuất và tiêu thụ, xuất nhập khẩu năm 2021 vẫn ghi dấu ấn với con số kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6%, xuất siêu 4 tỷ USD.
Xuất khẩu “vượt bão” Covid-19
Cơn địa chấn “Covid-19 lần thứ tư đổ ập vào nhiều tỉnh, thành phố vốn là trung tâm sản xuất hàng may mặc, giày dép, điện tử, đồ gỗ… lớn của Việt Nam và kéo dài nhiều tháng là “phép thử” với cả nền kinh tế, nhất là xuất nhập khẩu trong năm qua.
Cao điểm của đợt dịch này (tháng 8 - 9), Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến đã phải đóng cửa gần như toàn bộ nhà xưởng, 34.000/36.000 công nhân phải nghỉ việc.
Nhưng rồi giai đoạn khó khăn nhất cũng qua đi. Từ tháng 10/2021, Chính phủ nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, thay đổi sang thích ứng an toàn với dịch, 90% lao động đã trở lại làm việc, giúp doanh nghiệp gỡ lại bài toán kinh doanh. Kết thúc năm 2021, dù dư chấn của đợt dịch còn lớn, nhưng Việt Tiến đã cơ cấu lại phần nào sản xuất, đóng góp vào con số xuất khẩu 39 tỷ USD, tăng trưởng gần 12% của toàn ngành trong năm 2021.
Không hổ danh là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, năm qua, ngành nông nghiệp cũng ghi dấu với kết quả xuất khẩu đầy bất ngờ. Lần đầu tiên, xuất khẩu nông, thủy sản đạt con số kỷ lục, với 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020, vượt mục tiêu 4,6 tỷ USD. Đáng chú ý là, năm 2021, tiếp tục có 10 nhóm mặt hàng chủ lực của ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Khó khăn không nản, doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề vẫn cần mẫn tổ chức lại sản xuất, tìm kiếm đơn hàng, tận dụng các hiệp định thương mại tự do để tăng xuất khẩu, duy trì tăng trưởng.
Tận dụng EVFTA với EU đã có hiệu lực, tháng 11/2021, Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam đã xuất khẩu thành công container thịt ngao đóng hộp đầu tiên sang châu Âu với số lượng 200.000 hộp, tạo đà cho đơn hàng 2 triệu hộp (10 container) sang EU trong năm 2022.
Theo ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, sau nhiều lần sản xuất thử và hoàn chỉnh quy trình sản xuất, các lô hàng mẫu thịt ngao đóng hộp lần lượt được khách hàng châu Âu kiểm tra và một khách hàng đầu tiên đã chấp thuận nhập khẩu 2 triệu hộp.
Sự thích ứng an toàn, linh hoạt của các ngành xuất khẩu chủ lực đã tạo nên thành công của hoạt động thương mại. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm qua cán mốc 668,5 tỷ USD, riêng xuất khẩu đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020; nhập khẩu 332,25 tỷ USD, tăng 26,5%; xuất siêu đạt 4 tỷ USD.
Quý II và quý III, cán cân thương mại ở vào trạng thái nhập siêu liên tục nhiều tháng, riêng quý III, lần đầu tiên, GDP cả nước tăng trưởng âm. Lãnh đạo Bộ Công thương dự tính, xuất siêu cả năm 2021 nỗ lực lắm cũng chỉ đạt trên 1 tỷ USD, nhưng kết quả đã dần sáng hơn khi sản xuất phục hồi trên cả mong đợi.
Sau 3 tháng mạnh mẽ, vượt qua những trở ngại về thiếu lao động và dịch bệnh vẫn phức tạp, có thể thấy, gần như các ngành hàng chủ lực đều về đích với con số vượt kỳ vọng. Cú “quay xe” thần tốc đã giúp xuất khẩu tăng tốc. Điện thoại và linh kiện ước đạt 58 tỷ USD, tăng 12%; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 50,5 tỷ USD, tăng gần 12%; máy móc, thiết bị phụ tùng ước đạt 38 tỷ USD, tăng gần 28%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 19,7%...
Tất nhiên, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực năm 2021 vẫn thuộc về khu vực FDI, như điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99,3%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98,1%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm 93%; dệt may chiếm 61,7%; giày dép chiếm 79,3%...
Được lợi cả về đơn hàng dồi dào và giá xuất khẩu tăng, xuất khẩu xơ sợi lần đầu tiên đạt 5,5 tỷ USD. Ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ nhận định, với đặc thù tự động hóa cao, ngay cả thời điểm dịch cam go, phải sản xuất “3 tại chỗ” thì ngành sợi vẫn thích ứng an toàn, hiệu quả, từ đó duy trì được sản lượng, đáp ứng đơn hàng để tận dụng giá bán cao và lợi thế về giá tiếp tục được duy trì khi nhìn vào đơn giá đã ký cho các đơn hàng quý I/2022.
Xuất khẩu 2021 còn ghi dấu đậm nét khi có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đáng nói là, đã có thêm 2 ngành hàng xuất khẩu quy mô trên 10 tỷ USD, đó là phương tiện vận tải - phụ tùng và sắt thép (đạt 10,6 tỷ USD và hơn 12 tỷ USD), đưa danh sách nhóm hàng trên 10 tỷ USD lên 8 mặt hàng, chiếm 69,7%.
Giữ vững các thị trường chủ lực
Bất chấp vô vàn khó khăn do Covid-19, xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ chặt các thị trường lớn, duy trì được tốc độ tăng trưởng dương. Cụ thể, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 95,6 tỷ USD, tăng 24,1% so với năm trước; Trung Quốc đạt 55,9 tỷ USD, tăng 14,3%…
Đóng góp tích cực cho thành tích xuất nhập khẩu năm 2021 có động lực từ các FTA thế hệ mới, tiếp tục được các doanh nghiệp tận dụng khá hiệu quả, khi kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này đều đạt mức tăng trưởng cao.
Nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực thi năm thứ 2, xuất khẩu của nước ta sang EU đạt xấp xỉ 40 tỷ USD. FTA với Anh có hiệu lực từ đầu năm nay cũng góp phần tăng trưởng xuất khẩu 2 con số, đạt 5,7 tỷ USD, tăng 14%.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, kết quả xuất nhập khẩu năm 2021 về đích cao kỷ lục trong bối cảnh khó khăn bủa vây bởi Covid-19 đã đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Đó là một sự “chuyển mình” ấn tượng của cả nền kinh tế và là tiền đề quan trọng cho năm 2022.
Vượt qua trở ngại của năm đại dịch thứ hai, nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn tự tin đưa ra đích đến mới cho năm 2022, như nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 49-50 tỷ USD, dệt may 43-43,5 tỷ USD, giày dép - túi xách 20-21 tỷ USD…
Advertisement
Advertisement