08/11/2019 06:45
Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ có thể hồi phục vào năm 2020
Xuất khẩu sang Mỹ chỉ có thể hồi phục khi có kết quả cuối cùng thuế CBPG giai đoạn POR15 dự kiến sẽ được công bố vào tháng 2/2020.
Theo Thống kê của Hải quan, tính đến giữa tháng 10/2019, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 6,64 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính xuất khẩu thủy sản tháng 10 sẽ đạt khoảng 875,4 triệu USD, giảm 0,5%, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu tính đến hết tháng 10/2019 lên 7,13 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhu cầu của một số thị trường hồi phục vào những tháng cuối năm, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, do vậy xuất khẩu tôm có xu hướng khả quan dần lên, trong tháng 10 chỉ còn giảm nhẹ 0,6% đạt 346 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu 10 tháng lên 2,78 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó tôm chân trắng ước đạt 253 triệu USD trong tháng 10, tăng nhẹ 2,4%, đưa kết quả 10 tháng lên 1,94 tỷ USD, giảm 4,8%, trong khi tôm sú giảm 7,5% trong tháng 10 đạt 70,5 triệu USD và xuất khẩu 10 tháng giảm 15% đạt 579 triệu USD.
Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ chỉ có thể hồi phục. |
Xuất khẩu cá tra tiếp tục giảm 11% trong tháng 10 đạt 201,5 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng lên 1,66 tỷ USD, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc hồi phục mạnh nhưng xuất khẩu sang Mỹ vẫn giảm sâu do ảnh hưởng của thuế CBPG giai đoạn POR14 ở mức cao khiến doanh nghiệp không thể xuất khẩu sang thị trường này.
Xuất khẩu sang Mỹ chỉ có thể hồi phục khi có kết quả cuối cùng thuế CBPG giai đoạn POR15 dự kiến sẽ được công bố vào tháng 2/2020, với hy vọng mức thuế sẽ về 0% cho nhiều doanh nghiệp như kết quả sơ bộ mà DOC Hoa Kỳ mới thông báo. Ngoài ra, Mỹ vừa chính thức công nhận hệ thống kiểm tra, kiểm soát sản phẩm cá và cá Siluriformes xuất khẩu của 3 nước: Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện tương đương với Hoa Kỳ. Đây là cơ hội thuận lợi để có thêm doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ.
Xuất khẩu các mặt hàng hải sản trong tháng 10 vẫn duy trì được tăng trưởng dương trên 7% đạt 328 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu 10 tháng lên 2,68 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chỉ có mặt hàng mực, bạch tuộc giảm 24% , các mặt hàng khác đều tăng trong tháng 10, trong đó cá ngừ tăng 6%, cá biển khác tăng 19%, cua ghẹ tăng 17%.
Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu cá ngừ tăng 14% đạt 618 triệu USD, mực bạch tuộc giảm 11% đạt 480 triệu USD, các loại cá biển khác tăng 17% đạt 1,38 tỷ USD. xuất khẩu hải sản sang EU đã bị tác động giảm do ảnh hưởng của thẻ vàng IUU, tuy nhiên, các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác
Với xu hướng hiện nay, xuất khẩu trong 2 tháng cuối năm có thể tương đương hoặc giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, do vậy dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2019 có thể cán đích với mức 8,69 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2018.
Sản phẩm thủy sản xuất khẩu , T1-10/2019 (triệu USD) | ||||
SẢN PHẨM | T10/2019 | % tăng, giảm | T1-10/2019 | % tăng, giảm |
Tôm | 345,945 | -0,6 | 2.780,306 | -6,4 |
trong đó: - Tôm chân trắng | 252,696 | 2,4 | 1.942,388 | -4,8 |
- Tôm sú | 70,518 | -7,5 | 578,716 | -15,0 |
Cá tra | 201,542 | -11,0 | 1.662,235 | -8,8 |
Cá ngừ | 70,871 | 5,9 | 617,789 | 14,2 |
trong đó: - Cá ngừ mã HS 16 | 32,643 | -4,7 | 258,082 | -0,5 |
- Cá ngừ mã HS 03 | 38,229 | 17,1 | 359,707 | 27,8 |
Cá các loại khác (trừ cá ngừ, cá tra) | 173,961 | 19,1 | 1.380,641 | 17,4 |
Nhuyễn thể | 63,251 | -16,6 | 565,022 | -8,8 |
trong đó: - Mực & bạch tuộc | 51,728 | -24,3 | 479,934 | -11,5 |
- Nhuyễn thể hai mảnh vỏ | 9,372 | 27,1 | 78,369 | 6,5 |
Cua, ghẹ và Giáp xác khác | 19,836 | 17,6 | 120,624 | 14,3 |
TỔNG CỘNG | 875,407 | -0,5 | 7,126,617 | -1,5 |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp