09/05/2023 21:21
Xuất khẩu thịt của Việt Nam tăng mạnh
Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, Việt Nam xuất khẩu được 5.830 tấn thịt và sản phẩm thịt trong quý 1/2023, trị giá 25,62 triệu USD, tăng 70,3% về lượng và tăng 81,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các nước thuộc khu vực châu Á, trong đó xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông là nhiều nhất, chiếm 44,04% về lượng và chiếm 64,84% về trị giá trong tổng xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước, với gần 2.570 tấn, trị giá 16,61 triệu USD, tăng 79,8% về lượng và tăng 102% về trị giá so với quý I/2022.
Trong quý 1/2023, xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, lượng thịt heo xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn đang quá nhỏ so với tổng sản lượng sản xuất.
Thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt, Việt Nam phải đồng thời đáp ứng được những yêu cầu của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và các quy định thị trường mà chúng ta hướng tới. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh làm cơ sở bảo đảm nguồn cung thực phẩm và phục vụ xuất khẩu.
Trong quý 1/2023, các chủng loại thịt và các sản phẩm từ thịt xuất khẩu chủ yếu gồm: Chân gà đông lạnh (được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc); Thịt heo sữa nguyên con đông lạnh (được xuất khẩu duy nhất sang thị trường Hồng Kông); Thịt ếch đông lạnh (được xuất khẩu chủ yếu sang Bỉ, Hoa Kỳ, Pháp…); Thịt heo nguyên con đông lạnh (được xuất khẩu duy nhất sang thị trường Hồng Kông); Thịt heo, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (được xuất khẩu sang thị trường Papuaniughinê, Lào, Malaysia)…
Đáng chú ý, trừ thịt ếch đông lạnh, xuất khẩu các chủng loại thịt và các sản phẩm từ thịt trên đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022.
Về nhập khẩu, do nhu cầu yếu nên nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong quý 1/2023.
Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan, quý 1/2023, Việt Nam nhập khẩu gần 130.460 tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 271,36 triệu USD, giảm 2,9% về lượng và giảm 10,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm thịt dự kiến sẽ tăng trở lại do nhu cầu tiêu dùng đang dần phục hồi. Tuy nhiên do nguồn cung thịt của Việt Nam khá dồi dào, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến trong các tháng tới.
Ấn Độ, Hoa Kỳ, Brazil, Hàn Quốc và Nga là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam những tháng đầu năm. Trong đó, Ấn Độ là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam với 37.010 tấn, trị giá 104,73 triệu USD, giảm 7,6% về lượng và giảm 14% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp