Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam vượt mốc 1 tỷ USD

Cơ hội giao thương

10/02/2023 10:19

Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2022, mặc dù xuất khẩu rau quả nói chung bị giảm so với năm 2021, nhưng xuất khẩu rau quả chế biến tiếp tục tăng trưởng tốt, với mức tăng 9,8% và đạt 1,014 tỷ USD. Như vậy, đây là lần đầu tiên xuất khẩu rau quả chế biến vượt mốc 1 tỷ USD.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) ghi nhận, trong năm 2022, cơ cấu chủng loại rau quả xuất khẩu của Việt Nam có chuyển biến tích cực khi tỷ trọng sản phẩm chế biến tăng. Cụ thể, trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu rau quả chế biến chiếm 29,47%, tăng 3,8 điểm phần trăm so với năm 2021.

Trong các sản phẩm rau quả chế biến, các sản phẩm chế biến từ trái chanh leo dẫn đầu về trị giá và có tốc độ tăng trưởng rất mạnh trong năm 2022 với mức tăng tới 78% và đạt 135 triệu USD. Tiếp theo là các sản phẩm chế biến từ trái dừa (122 triệu USD), trái cây các loại (100 triệu USD), hạt dẻ cười (90 triệu USD), dứa (53 triệu USD)…

Xuất khẩu rau quả chế biến lập kỳ tích mới, vượt mốc 1 tỷ USD - Ảnh 1.

Ảnh: Tạp chí Kinh doanh

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, trong những năm gần đây, sản phẩm rau quả chế biến luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, ngay cả trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Nguyên nhân là do nhu cầu sử dụng các sản phẩm chế biến có xu hướng gia tăng trên toàn cầu.

Thị trường trái cây và rau quả chế biến thế giới dự báo đạt khoảng 392 tỷ USD vào năm 2025. Như vậy, có thể thấy trên thị trường rau quả chế biến thế giới, rau quả chế biến Việt Nam còn chiếm một tỷ trọng rất khiêm tốn.

Trong khi phần lớn rau quả tươi của Việt Nam khi xuất khẩu có đích đến là thị trường Trung Quốc, thì nhóm sản phẩm rau quả chế biến lại đang tăng trưởng nhanh ở những thị trường xa, đặc biệt là EU và Hoa Kỳ, theo VnEconomy.

Điều này dễ lý giải, do trái cây và rau là những mặt hàng nhanh hỏng, thời gian bảo quản rất ngắn, nên chỉ thích hợp lưu thông và tiêu thụ ở các thị trường gần.

Với thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, rau quả tươi rất khó để vượt qua hành trình tàu biển kéo dài cả tháng. Nếu vận chuyển bằng máy bay thì cước phí vận chuyển quá cao. Trong khi đó, trái cây đã chế biến đóng hộp, nước ép trái cây đóng chai có thời gian sử dụng 1-2 năm, giúp vượt qua những thách thức vận chuyển dài ngày.

Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, nhập khẩu hàng rau quả chế biến của Hoa Kỳ năm 2022 vào khoảng 11 tỷ USD, trong đó từ Việt Nam là 280 triệu USD. Trong 3 năm qua, giá trị xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh, với mức tăng 30-45% mỗi năm.

Tốc độ tăng trưởng ở mức cao của rau quả chế biến nhập khẩu từ Việt Nam, cho thấy các sản phẩm này của Việt Nam đang dần đáp ứng được các yêu cầu của người tiêu dùng Hoa Kỳ. Tuy nhiên, rau quả chế biến từ Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ vẫn còn chiếm tỷ trọng rất thấp. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp tăng xuất khẩu hàng rau quả chế biến tới thị trường Hoa Kỳ.

Tại thị trường Hà Lan (thị trường nhập khẩu rau quả nói chung và rau quả chế biến nói riêng hàng đầu châu Âu), thông tin từ Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), cho thấy, nhập khẩu hàng rau quả chế biến của Hà Lan trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 2,2 triệu tấn, trị giá 2,7 tỷ Eur (tương đương 2,9 tỷ USD), tăng 10,8% về lượng và tăng 20,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Hà Lan tăng mạnh nhập khẩu hàng rau quả chế biến từ Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022, đạt 11 nghìn tấn, trị giá 40,3 triệu Eur (tương đương 43,1 triệu USD), tăng 30,3% về lượng và tăng 88,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù tăng mạnh nhập khẩu từ Việt Nam, nhưng tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn rất thấp, chỉ chiếm 0,5% tổng lượng nhập khẩu rau quả chế biến vào Hà Lan.

Cũng theo Eurostat, nhập khẩu hàng rau quả chế biến của EU trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 9,2 triệu tấn, trị giá 12,7 tỷ Eur (tương đương 12,2 tỷ USD), tăng 2,9% về lượng và tăng 13,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu này cho thấy giá trị nhập khẩu hàng rau quả chế biến vào EU rất lớn, tuy nhiên, thị phần hàng rau quả chế biến của Việt Nam tại EU rất thấp, chỉ chiếm 0,2% tổng lượng nhập khẩu.

Chính vì vậy, các chuyên gia ngành rau quả cho rằng, vẫn còn nhiều cơ hội để mở rộng thị phần của rau quả chế biến Việt Nam tại EU nói riêng và trên toàn cầu nói chung trong thời gian tới. Tuy nhiên, những thị trường tiêu thụ rau quả chế biến lớn như EU, Mỹ... là những thị trường có yêu cầu rất khắt khe với các quy định về hàng rào kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm...

Do đó, để thâm nhập và mở rộng thị phần cho rau quả chế biến Việt Nam tại những thị trường này, việc sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nghiêm ngặt là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp rau quả Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng trái cây và rau thu hoạch hàng năm tại Việt Nam đạt trên dưới 31 triệu tấn. Tuy nhiên, sản lượng đưa vào chế biến mới chỉ đạt khoảng 4,5 triệu tấn, chiếm 12 - 17% trong tổng sản lượng rau quả cả nước.

Điều này khiến 76% rau quả xuất khẩu vẫn đang ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu. Trong khi nhu cầu ăn uống của người dân trên toàn thế giới nói chung, châu Âu nói riêng đang nghiêng về sử dụng trái cây, rau củ đã qua chế biến. Đây là nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng thấp.

Cả nước ta hiện có 150 nhà máy chế biến rau quả công nghệ hiện đại công suất chế biến đạt gần 1,1 triệu tấn/năm, chỉ chế biến được khoảng 8 - 10% sản lượng trái cây, rau củ mỗi năm. Ngoài ra, 3,4 triệu tấn được chế biến bởi 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây quy mô siêu nhỏ, hộ gia đình, những sản phẩm này khó đáp ứng chất lượng cho xuất khẩu.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement