Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, đã đến lúc thay đổi cách thức bài bản hơn

Hôm nay giải cứu thơm, mai sẽ đến sầu riêng, khoai môn, khoai lang, dưa hấu...đến bao giờ mới thôi giải cứu nông sản Việt?

Điệp khúc giải cứu, giải cứu…

Mới đây nhất,  người buôn thơm ở Lào Cai phải thuê người đổ hàng ngàn tấn thơm vì Trung Quốc không nhập hàng. Thơm nằm la liệt khắp nơi và trở thành thức ăn cho bò.

Những năm gần đây, thơm được trồng nhiều ở Mường Khương, Lào Cai và chủ yếu xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, biên mậu. Do thơm chưa phải mặt hàng xuất chính ngạch vào Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc cương quyết buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải xuất khẩu qua đường chính ngạch…

Và câu chuyện này, sẽ còn kéo dài với thơm, rồi đến sầu riêng , khoai môn , khoai lang , dừa...phải quay về làm thức ăn cho trâu, bò. Rồi lại điệp khúc giải cứu, giải cứu, khi đã biết trước chính sách siết chặt nhập tiểu ngạch của thị trường này.

Thơm được mùa nhưng trở thành thức ăn cho bò
Thơm được mùa nhưng trở thành thức ăn cho bò

Chuyện siết chặt buôn bán biên mậu và truy xuất nguồn gốc nông sản, Trung Quốc đã qui định từ tháng 5/2018. Từ tháng 12/2018, Tổng cục hải quan Trung Quốc đã thông báo khẩn cho các chi cục địa phương của họ bắt đầu nhấn mạnh hạng mục kiểm dịch trái cây xuất nhập khẩu 2 nước, kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật từ Việt Nam, đòi ghi rõ tên, mã số của cơ sở đóng gói đã đăng ký với cơ quan chức năng Việt Nam chưa và được Tổng cục hải quan Trung Quốc công nhận chưa.

Đến tháng 10/2019, sản phẩm vào Trung Quốc phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm do nước xuất khẩu cấp...Tất cả sẽ phải xếp hàng chờ xét cấp chứng nhận các loại để gửi sang Tổng cục hải quan Trung Quốc. Và tiếp tục chờ đàm phán mở thêm các loại trái cây ngoài 8 loại được phép xuất khẩu chính ngạch hiện nay: Xoài, nhãn, chuối, dưa hấu, chôm chôm, vải, mít, thanh long.

Hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc, theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại hai chiều cả năm 2018 đạt mức 147,8 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2017. Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Trung Quốc và là đối tác thương mại lớn nhất trong khối thương mại ASEAN.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc, tổng kim ngạch thương mại nông sản của Trung quốc năm 2018 đạt 216,8 tỷ USD, trong đó kim ngạch nhập khẩu là 137,1 tỷ USD.

Những con số này là minh chứng cụ thể về dung lượng thị trường và nhu cầu tiêu dùng đối với nhóm hàng nông, thủy sản của Trung Quốc là rất lớn. Điều này tạo lực hút và quan tâm của các quốc gia có thế mạnh sản xuất nông thủy sản trên thế giới.

Theo thống kê của hải quan Việt Nam, năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm sản sang Trung Quốc đạt khoảng 8,3 tỷ USD. Nhiều sản phẩm nông sản và thương hiệu VN đã được phân phối tại các siêu thị lớn của Trung Quốc và được người tiêu dùng ưa chuộng như: Thanh long Hoàng Hâu, Cà phê Trung Nguyên, Bánh Pía Sóc Trăng, Hoa quả sấy Đức Thành (Vinamit)...

Điều này cho thấy, nhu cầu nông sản của Trung Quốc là rất lớn và nông sản Việt phải đảm bảo chất lượng và yêu cầu truy xuất nguồn gốc từ phía Trung Quốc. Xuất khẩu chính ngạch là con đường an toàn mà thương nhân Việt Nam cần làm ngay lúc này. 

Nâng cao chất lượng, xuất khẩu chính ngạch

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Vinamit, với kinh nghiệm trên 20 năm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chia sẻ về con đường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Vinamit chia sẻ về con đường xuất khẩu chính ngạch
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Vinamit chia sẻ về con đường xuất khẩu chính ngạch

Ông Lâm Viên chia sẻ: “Tại sao các ông lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Thaco Trường Hải nhảy vào ngành nông nghiệp? Không phải họ vô lý đâu mà vì họ nhìn thấy được tiềm năng vào thị trường Trung Quốc. Tôi đã từng bị bạn bè chê cười rất nhiều vì năm 1995, tôi bỏ thị trường Mỹ để đầu tư vào thị trường Trung Quốc.

Bạn bè nói mày khùng quá. Nhưng dưới góc độ của một nhà kinh doanh thì mình phải nhìn thấy được tiềm năng đó. Thị trường mà ở đó nhẹ nhàng về mặt vận chuyển, đi lại, xử lý thông tin… Nên tôi chấp nhận bỏ thị trường Mỹ để đánh mạnh vào Trung Quốc”.   

Việt Nam thuận lợi nhiều mặt để làm ăn với Trung Quốc. Việt Nam có có 3 cửa khẩu giáp vơi Trung Quốc, thuận tiện cho việc giao thương làm ăn của các doanh nhân. Những sản phẩm của Việt Nam được xem là báu vật Phương Nam của Trung Quốc. Họ rất thích sản phẩm của Việt Nam nên họ luôn luôn tìm cách để tiếp cận và mua bán những sản phẩm đó, chứ không phải họ mua sản phẩm chúng ta vì rẻ.

Nông sản và rau củ quả các loại, đang nổi lên chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch nhập khẩu sang Trung Quốc vì nhu cầu ăn sạch của người dân Trung Quốc ngày càng tăng cao mà khả năng trồng trọt của họ không đáp ứng đủ nên họ phải nhập khẩu và khả năng này sẽ còn tăng mạnh trong tương lai.

Đời sống người dân ngày càng cao họ càng thích nhiều món ăn quý từ Việt Nam ví dụ như tổ yến sào. Những con số này, rất hấp dẫn với thị trường nông nghiệp của nước ta. Chúng ta dễ dàng nhận thấy được thế mạnh của Việt Nam là cái gì?

Xưa nay, chúng ta thường xuất khẩu qua Trung Quốc bằng con đường biên mậu: chợ Móng Cái, chợ Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Khẩu rồi đi vào thị trường Trung Quốc thông qua thương nhân trong nước, hay các thương nhân Trung Quốc sẽ đến thu mua ngay tại vườn. Bao năm qua chúng ta đều làm như vậy, nhưng đã đến lúc chúng ta thay đổi cách thức giao dịch làm ăn từ tiểu ngạch sang chính ngạch.

Ông Lâm Viên nói thêm “Ở đây chúng ta cần hiểu rõ vấn đề, đánh giá đúng thị trường: Không  phải người Trung Quốc không cho hàng Việt Nam nhập khẩu vào thị trường họ mà vì họ đang siết chặt nhập khẩu qua đường biên mậu.

Và cách thức xuất khẩu qua đường biên mậu không tồn tại lâu dài vì nó có quá nhiều bất cập, rủi ro và không kiểm soát được chất lượng. Chúng ta không nâng cao được chất lượng lên, không nắm rõ thị trường, hàng hóa xuất khẩu đường biên mậu một cách vô tội vạ, nên hàng năm đều nghe giải cứu nông sản Việt”.

Trung Quốc là một thị trường năng động, năng động tới mức mà nếu có khó khăn thì họ sẵn sàng kiếm con đường khác miễn có lời thì thôi, mặc kệ anh là ai và ký kết hợp đồng như thế nào. Nên việc bán sản phẩm trực tiếp vào các hệ thống siêu thị tiền Trung Quốc là con đường an toàn nhất.

Để làm được điều đó, chúng ta phải có một chiến lược, đủ lực đầu tư cơ sở hạ tầng, văn phòng, chất lượng sản phẩm truy xuất nguồn gốc (nuôi trồng ở đâu? chế biến ở đâu, mã code, mã vạch...) Sản phẩm chúng ta xuất hiện trên thị trường Trung Quốc cả online, offline để đấu trực tiếp với các doanh nghiệp của Trung Quốc.

Đó là chưa kể đối thủ của chúng ta là các nước lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan cũng có những sản phẩm nông nghiệp tương tự. Như vậy nếu sản phẩm chúng ta  không rẻ, đẹp, bền thì sẽ chia tay với thị trường Trung Quốc.

Cần một “đạo diễn” cho xuất chính ngạch

Hiện nay, các sản phẩm nông sản của Việt Nam còn chưa chú trọng công tác xây dựng, đăng ký thương hiệu tại thị trường Trung Quốc để có thể tham gia vào hệ thống phân phối tại Trung Quốc một cách bài bản và bền vững cũng như để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Sau đây là một số lưu ý trong việc đăng kiểm chất lượng sản phẩm trong việc làm ăn chính ngạch với trung quốc mà các doanh nghiệp sản xuất và chế biến nước ngoài xuất khẩu sản phẩm động vật và thực vật sang Trung Quốc phải tuân thủ các yêu cầu có liên quan của pháp luật và các quy định về tiêu chuẩn của quốc gia (khu vực) xuất khẩu, và đáp ứng các yêu cầu của luật pháp và các quy định bắt buộc của Trung Quốc như:

- Qui định pháp luật và thông số kỹ thuật tiêu chuẩn liên quan đến dịch bệnh động vật và thực vật, thú y, bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc trừ sâu và thuốc thú y, quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất và yêu cầu vệ sinh tại quốc gia ( khu vực) xuất khẩu. Tình trạng thiết lập các cơ quan quản lý và nhân viên tại quốc gia ( khu vực) xuất khẩu.

- Thông tin doanh nghiệp: tên công ty, địa chỉ, số phê duyệt chính thức.

- Thông tin sản phẩm đã đăng ký: tên sản phẩm đã đăng ký, nguyên liệu chính, mục đích sử dụng...

- Phiếu đánh giá thực trạng, kiểm tra, kiểm dịch và kiểm soát vệ sinh của doanh nghiệp được đề xuất bởi cơ quan có thẩm quyền của quốc gia (khu vực) xuất khẩu

Sau khi sản phẩm đảm bảo yêu cầu trên, cơ quan nước ngoài nộp danh sách doanh nghiệp đăng ký lên Tổng cục Hải quan. Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành đánh giá toàn diện theo các điều kiện và thủ tục theo luật định và nếu xét thấy cần thiết sẽ cử các chuyên gia tiến hành khảo sát đánh giá tại nơi nuôi trồng.

Sau khi đánh giá đạt, tổng cục hải quan sẽ phê duyệt và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của quốc gia (khu vực) xuất khẩu. Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, hải quan sẽ xem xét trong vòng 20 ngày làm việc, trong trường hợp không thể quyết định được, hải quan có thể kéo dài thêm 10 ngày làm việc.

Lưu ý: Các doanh nghiệp cần hỗ trợ thủ tục đăng ký xuất khẩu chính ngạch có thể “kéo áo” Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, hoặc các cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

Nói tóm lại nông dân, doanh nghiệp Việt Nam cần một “đạo diễn” chuyên nghiệp, có tầm, có tâm để hỗ trợ đầy đủ về chính sách và diễn biến thị để đảm bảo hiệu quả xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nếu không chúng ta sẽ còn nghe bài toán giải cứu nông sản Việt dài dài.

VIÊN VIÊN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement