19/08/2019 14:06
Xuất khẩu nông sản sang Mỹ cần lưu ý những gì?
Những quy định về nhập khẩu của Hoa Kỳ đã và đang đặt ra nhiều thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Tuy được đánh giá là những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hoa Kỳ, nhưng nhóm hàng thủy sản, nông sản của Việt Nam hiện vẫn đang phải đối phó với nhiều rào cản thương mại của nước này, cũng như những khó khăn trong việc tăng năng lực sản xuất trong nước.
Hiện nay, pháp luật của Hoa Kỳ đặt ra rất nhiều quy định chặt chẽ đối với hàng nhập khẩu. Ngoài luật liên bang, mỗi tiểu bang của Hoa Kỳ lại có những quy định, luật định khác nhau.
Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thông qua việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn mới, phức tạp về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm, ngày càng được Hoa Kỳ tăng cường áp dụng, cụ thể là: Chương trình bảo vệ thực vật và kiểm dịch (PPQ); Đạo luật bảo vệ thực vật (PPA); Đạo luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA); Đạo luật Bảo vệ chất lượng thực phẩm (FQPA) và một số quy định khác.
Trong đó, Chương trình bảo vệ thực vật và kiểm dịch của Hoa Kỳ sẽ giám sát đối với tất cả các loại thực vật nhập khẩu (bao gồm cả hoa quả) nhằm phát hiện các loài xâm lấn, côn trùng, bệnh thực vật ngoại lai có nguy cơ cao đối với nông nghiệp và các cộng đồng tự nhiên ở Hoa Kỳ.
Khi đó, sản phẩm nông sản nhập khẩu vào Hoa Kỳ bắt buộc phải có giấy phép nhập khẩu thực vật, giấy phép bắt buộc đối với sinh vật và đất cũng như giấy phép thực vật và sản phẩm từ thực vật.
Thủy sản, nông sản Việt Nam gặp nhiều rào cản khi xuất khẩu sang Mỹ. |
Riêng đối với Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA) của Hoa Kỳ yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải đăng ký cơ cở sản xuất và đăng ký người đại diện tại Hoa Kỳ. Cứ sau 2 năm, doanh nghiệp nước ngoài đang xuất hàng thực phẩm vào thị trường Hoa Kỳ phải tiến hành đăng ký lại cơ sở sản xuất và người đại diện tại Hoa Kỳ để được cấp mã số kinh doanh hợp lệ mới.
Doanh nghiệp phải chịu chi phí tuân thủ tăng cao. Những quy định về nhập khẩu của Hoa Kỳ đã và đang đặt ra nhiều thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam khi muốn tham nhập vào thị trường này. Các doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí tuân thủ tăng cao trong khi thiếu thông tin kịp thời và phương thức nuôi trồng cùng như thực tiễn sản xuất không thích hợp, chậm được thay đổi.
Do vậy, để nhóm các mặt hàng nông sản, thực phẩm có thể thâm nhập vào Hoa Kỳ, sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp phải được xử lý chiếu xạ; phải hoàn thành biểu mẫu số 203 và được thanh tra Hoa Kỳ xác nhận đã chiếu xạ tại thời điểm cập cảng.
Sản phẩm xuất khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và phải ghi rõ lô hàng được kiểm tra và không tìm thấy có sâu vải Phytoph-thora và lô hàng được sản xuất và chuẩn bị để xuất khẩu phù hợp với các yêu cầu trong kế hoạch hoạt động hai bên.
Đối với xoài, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật phải có một tờ khai bổ sung cho biết lô hàng đã được kiểm tra và không tìm thấy có sâu Macrophoma Mangiferac và Xanthomonas xampestris.
Một số lưu ý để mở rộng xuất khẩu nông sản sang Mỹ
Đối với thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam cần phải đảm bảo thông tin hàng hóa minh bạch, đồng thời cần nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu thị trường, đầu tư công nghệ sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Do Hoa Kỳ có nhiều bang và tiểu bang, nên việc tìm hiểu cụ thể nhu cầu tiêu dùng của từng vùng là rất cần thiết và luôn tạo những mối quan hệ tốt với đối tác để có những thông tin cảnh bảo, nhận biết sớm các nguy cơ về thương mại.
Muốn giải quyết được các vấn đề này cần tăng cường kết nối, sản xuất theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có một chiến lược xây dựng thương hiệu gắn liền với chất lượng. Trong đó, tập trung cải thiện về đóng gói, mẫu mã, bao bì.
Đồng thời, cần có một quy trình sản xuất chuẩn có thể truy xuất thông tin. Quan trọng nhất là chú trọng chất lượng sản phẩm đều để giữ uy tín. Người Mỹ không cần hàng giá rẻ, cần giá cả hợp lý và quan trọng nhất là chất lượng tốt, ổn định.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp