09/07/2024 08:48
Xuất khẩu đã vơi nỗi lo đơn hàng
Theo chia sẻ của nhiều DN, đơn hàng xuất khẩu hiện đang rất dồi dào, DN đang chạy hết công suất mà cũng không kịp, thậm chí phải từ chối nhiều đơn hàng.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu lên đỉnh
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hồi phục mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm với xấp xỉ 189 tỷ USD (tăng 13,8%). Trong đó, xuất khẩu của nhóm chủ lực là công nghiệp chế biến chế tạo đạt gần 160 tỷ USD, chiếm 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Cũng trong bức tranh xuất khẩu chung, nhiều nhóm ngành khác đã ghi nhận những tín hiệu tích cực trong nửa đầu năm. Đơn cử, nông sản là điểm sáng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khi mang về 18,21 tỷ USD (tăng 18,8%). Trong đó riêng mặt hàng rau quả tiếp tục ghi nhận những kỷ lục mới với khoảng 3,5 tỷ USD (tăng hơn 28%), mức cao kỷ lục của lịch sử ngành.
Chia sẻ với ĐTTC, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết có được kết quả này, ngoài đóng góp chính của mặt hàng sầu riêng thì thanh long và chuối cũng có vai trò không nhỏ. Chuối của Việt Nam hiện đã cải thiện rất tốt về mặt chất lượng lại có lợi thế chi phí logistics rẻ hơn nên đã vượt qua Philippines về xuất khẩu vào thị trường tỷ dân Trung Quốc.
Thêm vào đó, trong bối cảnh cước vận tải tăng mạnh, các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đang chuyển hướng tăng nhập khẩu rau quả từ các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. "Nếu như Hàn Quốc, trước đây đứng thứ 4 trong danh sách nhập khẩu rau quả Việt Nam, nay đã lên vị trí thứ 2 chỉ sau Trung Quốc" - ông Nguyên cho biết.
Dệt may cũng là ngành hàng ghi nhận kết quả khả quan. Nửa đầu năm, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để dẫn đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc tại Mỹ, đồng thời có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong Top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may. Tại thị trường Mỹ, dệt may Việt Nam đạt 6 tỷ USD (tăng 4%).
Phía Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng đưa ra nhận định, bức tranh ngành dệt may Việt Nam năm nay tươi sáng hơn năm ngoái. Dự kiến mục tiêu mang về 44 tỷ USD trong năm 2024 là hoàn toàn khả thi.
"Tất bật" nửa cuối năm
Nói về đơn hàng trong nửa cuối năm, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony, cho biết đơn hàng đang rất dồi dào, DN đang chạy hết công suất cũng không kịp, thậm chí phải từ chối nhiều đơn hàng.
Theo ông Quang Anh, tình hình khả quan này không chỉ ở riêng Dony mà ở đa phần các DN trong ngành may, nhưng giá đơn hàng hiện nay vẫn còn khá thấp. Nguyên nhân chủ yếu do 2 năm gần đây chúng ta đưa ra mức giá thấp hơn để thu hút và giữ chân khách hàng, nên bây giờ muốn đàm phán để nhích giá lên không đơn giản. Nếu so với năm 2019 lợi nhuận giảm khoảng 30-40%.
Cũng chung góc nhìn này, phía Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, hầu hết các DN đã có đơn hàng đến tháng 10. Tuy nhiên, giá đơn hàng không tăng, DN làm với giá thấp tương đương mặt bằng chung của năm 2023. "Với ngành may, giá giảm rất sâu, thậm chí có những mã hàng, giá giảm tới 50% so với thời điểm trước đó" - đại diện Vinatex chia sẻ với báo chí.
Không chỉ dệt may các ngành khác như da giày, thủy sản cũng đặt nhiều kỳ vọng trong năm 2024. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa đầu năm thủy sản có thể cán đích khoảng 4,4 tỷ USD, toàn ngành phấn đấu cả năm là 10 tỷ USD.
Trong bức tranh xuất khẩu 2024, rau quả cũng tự tin không kém. Ông Đặng Phúc Nguyên cho biết quý III là giai đoạn vùng sầu riêng Tây Nguyên vào vụ, lúc này Thái Lan và Malaysia lại ít hàng do hết mùa nên dự kiến giá sầu riêng sẽ tốt hơn. Từ đó kéo theo kim ngạch xuất khẩu toàn ngành khả quan hơn, ít nhất rau quả sẽ mang về 7 tỷ USD. Ngoài ra nếu nghị định thư về sầu riêng đông lạnh và dừa tươi được ký trong năm nay, kết quả chung toàn ngành có thể là 7,5 tỷ USD.
Nhiều thách thức vẫn còn
Mặc dù tín hiệu tích cực đã xuất hiện, nhưng thực tế khó khăn hiện hữu. Với ngành may là câu chuyện giá thấp, còn với ngành nông, thủy sản là nguyên liệu cho sản xuất.
Tại Hội nghị toàn thể hội viên VASEP diễn ra hồi đầu tháng 6 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP, nhận định: "Thủy sản đang đối mặt với tình hình thiếu hụt nguyên liệu cả nuôi trồng lẫn đánh bắt tự nhiên. Nguyên nhân là do quá trình đô thị hóa và những quy hoạch về sử dụng đất cho sản xuất tại nhiều địa phương chưa đồng bộ. Đây là thách thức lớn cho cả DN và người nuôi thủy sản. Ngoài ra, nguồn hải sản khai thác cũng gặp khó khăn khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản lượng khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu, nên phải thêm nguồn cung từ nhập khẩu".
Cùng với thủy sản, câu chuyện nguyên liệu không thể không nhắc tới nhân điều xuất khẩu. Những năm qua, Việt Nam luôn giữ vị thế là nước xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới, nhưng hơn 80% nguyên liệu phục vụ sản xuất phải nhập khẩu từ châu Phi.
Gần đây khi một số đối tác châu Phi không giao hàng nguyên liệu đúng hẹn, "bẻ kèo", đòi tăng giá điều thô đã gây rất nhiều khó khăn cho DN. Hiện một số nhà máy phải mua nguyên liệu với giá cao để hoàn thành hợp đồng đã ký nhưng một số khác phải đứng trước tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất.
Cùng với những khó khăn riêng của từng nhóm ngành, phía Bộ Công Thương cũng đưa ra những đánh giá chung cho giai đoạn nửa cuối năm này. Theo đó, nửa cuối năm 2024, vẫn còn không ít thách thức với hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Xung đột địa chính trị căng thẳng tiếp tục đẩy giá cước vận tải leo thang, xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI.
Hơn nữa, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn như EU, Mỹ… tiếp tục đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững và cả vấn đề chuyển đổi xanh.
Nửa cuối năm 2024, vẫn còn không ít thách thức với hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Xung đột địa chính trị căng thẳng tiếp tục đẩy giá cước vận tải leo thang, xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp