31/03/2020 11:43
Xuất khẩu cá ngừ tăng tuy nhiên dự báo sẽ không kéo dài do thiếu nguyên liệu
Dịch bệnh bùng phát tại một số thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam như Mỹ, Italy và Tây Ban Nha khiến hoạt động giao thương ngưng trệ.
Theo hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tháng 2/2020, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng này là do sự phục hồi xuất khẩu sang các thị trường chính như EU, ASEAN, Canada và Ai Cập. Tuy nhiên, xu hướng này dự kiến sẽ không kéo dài do các doanh nghiệp đang thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu và dịch corona ảnh hưởng mạnh đến sản xuất xuất khẩu của các doanh nghiệp cá ngừ.
Đợt nghỉ tết kéo dài, cộng với lượng tồn kho lớn đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu của thị trường Mỹ trong tháng 1/2020. Nhưng sau sự sụt giảm trong tháng đầu tiên của năm, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ đã tăng trưởng lại. Trong tháng 2/2020, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ đạt 23 triệu USD, tăng gần 42% so với cùng kỳ năm 2019. Sự tăng trưởng này đã bù đắp phần nào sự sụt giảm tại thị trường Mỹ. Mỹ hiện đang tăng nhập khẩu rất nhiều loin cá ngừ đông lạnh nguyên liệu để sản xuất cá ngừ đóng hộp từ Việt Nam.
Tại thị trường Châu Âu, những tháng đầu năm các nước có nền sản xuất cá ngừ lớn tại khu vực này như Italy và Tây Ban Nha thường có xu hướng tăng nhập khẩu loin cá ngừ hấp đông lạnh để được miễn thuế theo hạn ngạch thuế quan tự trị (ATQ) từ các nước ngoài khối EU, đang phải chịu mức thuế cao trên 20% như Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Năm nay, do dịch bệnh bùng phát trong tháng 2 đã ảnh hưởng tới các lô hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường này, chính vì thế, một số nhà nhập khẩu đã có chuyển hướng sang tìm nguồn cung ứng từ Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ sang EU trong tháng 2 tăng đột biến hơn 128% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu sang cả 3 thị trường chính là Đức, Tây Ban Nha và Italy đều tăng mạnh trong tháng này.
Cá ngừ Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn vì dịch Covid-19. |
Cùng với Mỹ và EU, xuất khẩu cá ngừ cũng “vui hơn” tại thị trường ASEAN. Sau sự sụt giảm xuất khẩu trong tháng 1, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang ASEAN trong tháng 2 đã tăng gần 61% so với cùng kỳ, đạt hơn 4,3 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm lên hơn 7 triệu USD, tăng 5%. Trong đó, hai thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam là Thái Lan và Philippines đều tăng trưởng lần lượt là 5% và 13% so với 2 tháng đầu năm 2019.
Ngoài các thị trường xuất khẩu lớn, trong hai tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cá ngừ sang một số thị trường chính khác cũng đang khởi sắc như Nhật Bản tăng 41%, Canada tăng 23% và Ai Cập tăng 35%.
Tuy nhiên từ tháng 3/2020, do dịch bệnh bùng phát tại một số thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam như Mỹ, Italy và Tây Ban Nha đã khiến hoạt động giao thương sang các thị trường này ngưng trệ.
Giá cá ngừ trên thị trường thế giới lại đang có xu hướng tăng cao (tăng 50% so với cuối năm 2019) do sản lượng đánh bắt thấp càng khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu. Hiện tại doanh nghiệp phải mở rộng phạm vi tìm kiếm thêm nguyên liệu sang các nước và khu vực khác để tăng thêm nguồn nguyên liệu đầu vào.
Trong khi đó, tình hình vận chuyển hàng hoá cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều chuyến tàu bị trì hoãn nhiều ngày, thậm chí bị huỷ chuyến. Các hãng tàu biển cắt giảm các chuyến tàu, thay đổi hành trình và cảng đến làm cho thời gian vận chuyển dài, doanh nghiệp bị phát sinh nhiều chi phí. Việc nhập khẩu và thông quan hàng hóa ở các nước bị ngưng trệ, lệnh phong tỏa ở một số nước làm các cảng biển bị ùn ứ gây thiếu container lạnh ảnh hưởng đến giao hàng của doanh nghiệp. Một số hãng tàu thông báo áp phí thay đổi cảng chuyển tải, tăng cước phí và lịch tàu cũng không ổn định.
Ngoài ra, do lệnh phong tỏa của nhiều nước, một số nước không cấp được chứng từ gốc (như H/C gốc, C/O gốc,..) nên nhiều khi các container hàng đã về cảng nhưng doanh nghiệp không đưa được hàng về vì chưa nhận được chứng từ gốc của nhà nhập khẩu gửi. Quá trình xuất khẩu hàng sang các nước cũng bị ảnh hưởng tương tự vì nguyên nhân chứng từ gốc đến chậm hơn các container hàng. Điều này vô hình chung đã khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó.
Nếu trong thời gian tới, dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn xấu, các doanh nghiệp cá ngừ nói riêng, và hải sản nói trong thời gian ngắn (tới tháng 5- 6/2020) sẽ có những khó khăn về vốn vì liên quan đến dự trữ hàng, khó khăn về nguyên liệu vì không đủ cho sản xuất – xuất khẩu.
Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất quy mô nhỏ, nếu cầm cự được phải có phương án tài chính tốt hơn. Và các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt về nhu cầu về vốn: hỗ trợ cho kéo giãn thời gian nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ dự trữ nguyên liệu, các quy định nhập khẩu nguyên liệu cũng như giảm tải các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp…
Nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tươi sống và đông lạnh tại các thị trường giảm. Người tiêu dùng trên thế giới, như Mỹ, EU,… có xu hướng tăng cường tích trữ các sản phẩm thực phẩm thiết yếu, bảo quản được lâu như cá ngừ hộp. Do đó, các doanh nghiệp nên xem xét chuyển hướng sang sản xuất đồ hộp để đón nhận được xu hướng nhu cầu tiêu thụ và ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP...
Advertisement
Advertisement