Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Xu hướng bất động sản 2018: Khối ngoại lên ngôi?

Chính sách - Hạ tầng

05/01/2018 12:17

Thị trường tiềm năng và nhiều chính sách “mở” có hiệu lực, bất động sản năm 2018 được dự báo sẽ là cuộc chơi của các doanh nghiệp nước ngoài.

Vốn ngoại đổ vào bất động sản ngày càng nhiều

Với tiềm năng và thị trường rộng lớn, bất động sản Việt Nam hiện đang thu hút được sự quan tâm của rất nhiều quỹ đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), năm 2017, TP đã thu hút được 5,81 tỷ USD nguồn vốn FDI. Trong đó, lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng thứ 2 với hơn 1,9 tỷ USD (tương đương 32,9%).

Lượng kiều hối về TP cũng đạt khoảng 5,2 tỷ USD, trong đó 22% được đầu tư vào bất động sản.

Năm 2017, đã có 27 hồ sơ xin được mua bán, chuyển nhượng dự án (M&A). Trong đó, 20 dự án đã được UBND TP chấp thuận cho chuyển nhượng, 7 dự án đang trong quá trình thẩm định hoặc phải hoàn thiện thêm các thành phần hồ sơ theo quy định.

Một số thương vụ M&A lớn trong năm vừa qua, có thể kể đến như việc An Gia Investment và quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) đã hoàn tất việc mua lại 7 block thuộc dự án Khu dân cư phức hợp Lacasa (quận 7, TP.HCM) từ Tập đoàn Vạn Phát Hưng vào tháng 3/2017.

Một tên tuổi lớn trong làng bất động sản là Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PRD) cũng đã thông báo về việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ 2 dự án The EverRich 2 và The EverRich 3 nhằm lấy tiền thanh toán các khoản trái phiếu, nợ vay phát sinh tại Ngân hàng Đông Á.

Mới đây nhất, Tập đoàn bất động sản Keppel Land (Singapore) đã chi gần 300 triệu USD để thâu tóm toàn bộ 2 lô đất ở quận 9 và khu Nam Sài Gòn nhằm phục vụ cho việc phát triển dự án của mình trong thời gian tới.

Không chỉ thực hiện các thương vụ M&A, khối ngoại còn đánh dấu sự có mặt của mình vào thị trường bất động sản Việt Nam thông qua việc đầu tư vốn vào các doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh việc cung cấp tiền cho An Gia Investment thực hiện các thương vụ M&A, năm 2015, Creed Group cũng đã bỏ ra 200 triệu USD để mua lại cổ phần trong công ty này. Với sự hậu thuẫn của quỹ đầu tư Nhật Bản, hàng loạt dự án đã được An Gia Investment M&A và triển khai nhanh chóng, bàn giao cho khách hàng như An Gia Garden, An Gia Skyline…

Tháng 3/2017, Keppel Land cũng đã chi 845,9 tỷ đồng để mua thêm 16% cổ phần từ Tổng công ty Cổ phần Đường sông Miền Nam (Sowatco) để trở thành chủ sở hữu dự án Saigon Center, một trong những trung tâm thương mại hoành tráng và lớn nhất nhì trung tâm TP.

Mới đây nhất, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang và Tập đoàn Mitsubishi đã tổ chức lễ công bố hợp tác chiến lược và ký kết liên doanh phát triển dự án nhà ở theo tiêu chuẩn công trình xanh ở TP.HCM.

Theo đó, hai doanh nghiệp này sẽ thành lập Công ty Phuc Khang Mitsubishi Corporation Holding (PKMC) để cùng đầu tư, phát triển dòng sản phẩm Diamond Lotus. PKMC là liên doanh mà trong đó, Phuc Khang Corporation sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ và Mitsubishi Corporation là 49%.

Theo tiết lộ, tổng số tiền mà Tập đoàn Mitsubishi đầu tư vào Phúc Khang lên tới 530 triệu USD. Trong đó, khoản đầu tư đầu tiên của liên doanh PKMC sẽ được giải ngân thực hiện ngay trong tháng 1/2018, có giá trị 30 triệu USD đưa vào dự án Diamond Lotus Riverside.

An Gia Garden là dự án đầu tiên được An Gia Investment bàn giao cho cư dân sau khi nhận được
An Gia Garden là dự án đầu tiên được An Gia Investment bàn giao cho cư dân sau khi nhận được "hậu thuẫn" từ quỹ đầu tư Nhật Bản.

 Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc Jones Lang Lasalle Việt Nam cho biết, với cư dân đô thị và tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam hiện là quốc gia có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong năm 2017, bất động sản đứng trong top 5 các ngành thu hút vốn FDI nhiều nhất. Top 5 các nước đầu tư vào Việt Nam lần lượt là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Đài Loan.

Những quỹ đầu tư hoặc doanh nghiệp nước ngoài M&A dự án BĐS có thể kể đến như Warburg Pincus, Mapletree, Keppel Land, Frasers Centrepoint, Hong Kong Land, Lotte E&C… với các thương vụ trị giá từ 20 triệu đô trở lên.

Lý giải về việc các doanh nghiệp nước ngoài chú trọng vào hoạt động M&A, ông Stephen Wyatt cho rằng, trung bình, 1 sự án bất động sản cần 3 – 5 năm để hoàn tất các thủ tục pháp lý. Thậm chí, có những dự án việc xin cấp phép kéo dài 5 – 15 năm.

Để tránh rủi ro, các nhà đầu tư ngoại thường mua đất sạch hoặc dự án đã hoàn thành để tính toán được dòng tiền và lợi nhuận. Và cách phát triển nhanh nhất tại một thị trường mới chính là M&A. Điều này khiến cho một số doanh nghiệp, dù mới vào thị trường Việt Nam được 3 năm nhưng sở hữu 10 dự án bất động sản.

“Cuộc chơi” của những doanh nghiệp ngoại

Nhận định về thị trường bất động sản năm 2018, ông Stephen Wyatt cho rằng, các doanh nghiệp ngoại sẽ tiếp tục đổ vốn mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là các thương vụ M&A dự án.

Theo thống kê, các thương vụ M&A trong ngành bất động sản đa phần là mua lại đất để phát triển hoặc mua lại các dự án mới được cấp phép để phát triển, con số này chiếm tới 80 – 90% tổng lượng giao dịch trên thị trường. Trong khi đó, các dự án đã được xây dựng hoàn thiện vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Stephen Wyatt cho biết, hiện tại, mặt bằng giá mới trong các thương vụ M&A đã tăng lên khoảng 25 – 30% so với vài năm trước đây. Một phần đến từ việc giá đất tăng cao, một phần đến từ lợi nhuận mà các dự án bất động sản mang lại.

Trong thời gian tới, rất nhiều nhà đầu tư ngoại với sự chuyên nghiệp và mạnh về tài chính sẽ đầu tư vào Việt Nam. Từ đó, thiết lập cuộc chơi mới tại thị trường bất động sản năm 2018.

Đồng quan điểm, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng, năm 2018 sẽ là năm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Quang, hiện nay, Việt Nam đang là quốc gia có thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ nhất khu vực. Điều này khiến cho các công ty bất động sản và quỹ đầu tư nước ngoài đổ xô vào để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.

Đặc biệt, khi Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8/2017, việc mua bán, chuyển nhượng các dự án bất động sản cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

“Doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về vốn và kinh nghiệm phát triển dự án. Do đó, khi vào thị trường Việt Nam sẽ giúp giải quyết được nhiều dự án chậm triển khai hoặc chết lâm sàng. Bên cạnh đó, còn tạo nên sự cạnh tranh mạnh mẽ với các doanh nghiệp trong nước trong việc tạo ra sản phẩm phù hợp, chất lượng tốt. Về lâu dài, khách hàng chính là người được hưởng lợi”, ông Quang đánh giá. 

MINH NGHĨA
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement