27/02/2017 02:03
Xin giấy phép làm nhà ở xã hội 7 năm chưa xong!
Thực trạng này vừa được Công ty Thiên Phát nêu ra tại hội thảo Phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ diễn ra sáng nay (27/2) tại TP.HCM.
Bảy năm chưa xong
Sáng 27/2, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã tổ chức hội thảo Phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng.
Là doanh nghiệp có thâm niên làm nhà giá rẻ ở khu Tây, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, công ty đã xây được 2.000 căn hộ cho thuê trong 49 năm với giá khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, Lê Thành cũng đang có 185 căn hộ cho thuê với giá 1,5-2 triệu đồng/tháng.
Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng, cái khó nhất của việc làm nhà giá rẻ là thủ tục hành chính. “Chúng tôi xin giấy phép làm nhà ở xã hội từ tháng 7/2016 đến nay vẫn chưa được duyệt. Đã có quyết định giao đất, đóng tiền sử dụng đất nhưng UBND TP.HCM lại hỏi bồi thường giải tỏa xong chưa. Đây là câu hỏi không hợp lý nhưng khiến chúng tôi bế tắc mấy tháng qua”, ông Nghĩa nói.
Tương tự, Công ty Thiên Phát cũng làm 2.500 chỗ ở cho công nhân thuê ở Khu công nghiệp Linh Trung II. Mỗi căn hộ ở đây rộng 35m2 và cho công nhân thuê 1,9 triệu đồng/tháng với đầy đủ tiện ích.
Tuy nhiên, Thiên Phát cũng có một dự án đã xin giấy phép làm nhà ở xã hội tới bảy năm nhưng vẫn chưa xong. Một dự án khác của Thiên Phát hợp tác với Thanh niên xung phong TP.HCM ở quận 12 cũng chưa thể động thổ do vướng thủ tục.
“Cơ chế, thủ tục cấp phép của TP.HCM quá chậm. Trong khi đó, chúng tôi mới xin làm dự án 30ha ở Thuận An vài tháng đã được tỉnh Bình Dương hỗ trợ mọi thứ và chuẩn bị khởi công”, đại diện Thiên Phát nói.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Quân cho biết, công ty đã triển khai 18 dự án nhà ở xã hội với 16.500 căn hộ. Tại TP.HCM có hai dự án đã bàn giao là HQC Palza và HQC Hóc Môn.
Thế nhưng, công ty còn nhiều dự án ở Bình Chánh và Bình Tân nhiều năm nay không khởi công được vì chưa xong thủ tục. “Chúng tôi đã có đất sạch nhưng vướng quy trình từ Sở Xây dựng tới quận rồi Sở Quy hoạch Kiến trúc nên dự án nằm bất động”, ông Tuấn nói.
Lãnh đạo các doanh nghiệp có kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ đều cho rằng, nhu cầu sống của người dân ở nhà giá rẻ hay căn hộ cao cấp đều như nhau nên phải từ 5 triệu đồng/m2 mới làm được nhà ở xã hội.
“Nhà dưới 20m2 không nên bán, sẽ tạo nên khu ổ chuột và chỉ nên cho thuê để dễ quản lý. Nếu người thuê nhà không đáp ứng nhu cầu thì thu hồi nhà. TP.HCM nên cho doanh nghiệp làm nhà trọ 12-20m2 để cho thuê”, ông Lê Hữu Nghĩa kiến nghị.
Phải liên kết để giảm giá
Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, nhà ở xã hội được TP.HCM và doanh nghiệp quan tâm trong nhiều năm qua. Chính phủ cũng đánh giá, Bình Dương là đơn vị đứng đầu, TP.HCM đứng thứ hai về xây dựng nhà ở xã hội. Để phát triển nhà ở xã hội thành công, TP.HCM phải có được quỹ đất công để doanh nghiệp triển khai.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng thừa nhận, thủ tục còn nhiêu khê. Có cái vướng do TP.HCM, có cái vướng do Trung ương. “Sở Xây dựng phải là đầu mối một cửa giải quyết các thủ tục cho nhà ở xã hội. Vướng gì Sở Xây dựng phải giải quyết chứ doanh nghiệp không cầm hồ sơ chạy lòng vòng qua các sở, ngành khác”, ông Khoa chỉ đạo.
Ông Khoa cho biết đã có ba doanh nghiệp xin làm nhà ở xã hội không cần lợi nhuận. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM muốn các doanh nghiệp tiết giảm tối đa về mặt chi phí, hạ giá thành căn hộ. “Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã tìm được công ty bán xi măng rẻ hơn thị trường. Tôi cũng đang liên hệ với một công ty thép để đàm phán hạ giá bán thép để xây nhà ở xã hội”, ông Khoa nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho biết, TP.HCM không áp dụng máy móc mô hình nhà ở 100 triệu đồng của Bình Dương mà cần học hỏi cái tinh thần rất cao của Bình Dương dựa trên nhu cầu về nhà ở xã hội của địa phương.
“TP.HCM sẽ chấp nhận đổi mới và chấp nhận rủi ro để đổi mới. Bộ Chính trị cho phép các vấn đề để phát triển TP.HCM mà không vi phạm pháp luật thì cho triển khai ngay”, ông Thăng nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM mong muốn doanh nghiệp cần tháo gỡ điều gì cần phải ngồi lại nói chuyện với nhau thật cụ thể. Hai bên cần ngồi cùng nhau bóc tách từng vấn đề để giải quyết dứt điểm. Hiện tại, TP.HCM vẫn còn dư địa rất lớn để các doanh nghiệp tham gia làm nhà ở xã hội.
“TP.HCM sẽ lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để hoàn thiện cơ chế chính sách. Để có nhà ở giá cả hợp lý cần phải xây dựng được chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào. Nếu tất cả doanh nghiệp cùng chung tay giảm giá các nguyên liệu đầu vào thì việc giảm giá nhà không quá khó”, Bí thư Thành ủy TP.HCM nói.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp