24/05/2023 10:48
Xét tuyển y khoa bằng môn Văn, các chuyên gia ngành Y nói gì?
Một số trường đưa môn Văn vào xét tuyển y khoa với lý do thầy thuốc cần biết diễn đạt và cảm thông bệnh nhân, nhưng giới bác sĩ cho rằng việc dùng điểm Văn không thích hợp.
Sau khi 4 trường đại học đưa tổ hợp có môn Văn vào xét tuyển ngành Y, một số chuyên gia, giảng viên và sinh viên ngành Y cho rằng việc dùng điểm Văn là không hợp lý.
Các trường tuyển sinh nói gì?
Trong 27 trường đại học đào tạo ngành Y khoa ở Việt Nam, bốn trường dùng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển, gồm trường Văn Lang, Duy Tân (Đà Nẵng), Võ Trường Toản ở Hậu Giang và Tân Tạo ở Long An.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng thường trực trường Đại học Duy Tân, cho biết trường đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y khoa từ năm 2022, sau khi tham khảo ý kiến của nhà tuyển dụng và kinh nghiệm đào tạo.
Theo ông Hải, các lãnh đạo bệnh viện mong tuyển được bác sĩ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn biết cảm thông, chia sẻ với người bệnh. Đây cũng là nhu cầu của người dân khi đi khám chữa bệnh.
"Văn là người. Người học giỏi Văn thường dễ đồng cảm, sẻ chia và giàu lòng trắc ẩn. Tôi cho rằng tổ hợp Toán, Khoa học tự nhiên và Văn đánh giá khá toàn diện khả năng của thí sinh", ông nói.
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ, Trưởng khoa Y, trường Đại học Văn Lang, lý giải tuyển bằng điểm Văn bởi xã hội đòi hỏi ngày càng cao với bác sĩ, ngoài chuyên môn cần có thái độ tốt, khả năng lắng nghe, chia sẻ. Vì thế, họ cần có kỹ năng truyền đạt, tạo sự tin tưởng cho bệnh nhân.
"Những tố chất của người học giỏi môn Văn rất cần thiết cho công việc này", ông Vĩ nói.
"Không thể nói có môn Văn thì nhân văn hơn"
TS.BS. Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, một số trường nếu chỉ tuyển sinh bằng các tổ hợp truyền thống như Toán - Hóa - Sinh hay Toán - Lý - Hóa thì sẽ không thể cạnh tranh được với các trường Y Dược lớn, vì vậy, để thu hút thí sinh, các trường này đã đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y khoa.
Tuy nhiên, theo TS.BS. Trương Hồng Sơn, việc đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y khoa là không hợp lý. Theo TS.BS. Trương Hồng Sơn, kỹ năng mềm này là cần thiết tuy nhiên không phải là yếu tố để so với vấn đề về tuyển sinh. "Không thể nói có môn Văn thì nhân văn hơn vì những người học Toán, Lý, Hóa, Sinh tốt, tri thức cao thì vẫn có thể đào tạo giao tiếp tốt. Nếu cần bổ sung một môn học vào tổ hợp xét tuyển thì nên là môn Ngoại ngữ. Đây là một kỹ năng quan trọng cho sinh viên Y khoa và các bác sĩ tương lai khi có thể đọc tham khảo các tài liệu chuyên môn".
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM, cho rằng tố chất quan trọng nhất của người học y là sự chính xác, logic, bên cạnh nền tảng kiến thức Sinh học tốt.
Cùng quan điểm, một bác sĩ đa khoa, cựu sinh viên trường Đại học Y Hà Nội, nói Y khoa là ngành khoa học đòi hỏi tính chính xác cao nên điều kiện đầu tiên là phải có kiến thức khoa học tự nhiên tốt.
Còn theo các sinh viên năm cuối ngành Y - Trường đại học Y Hà Nội, môn Văn luôn hiện hữu trong mọi mặt của cuộc sống, bất cứ ai cũng cần dùng đến để diễn đạt suy nghĩ, kết nối bản thân với thế giới xung quanh. Học Văn tốt sẽ giúp nuôi dưỡng tâm hồn, giúp bác sĩ dễ đồng cảm với bệnh nhân hơn trong việc lắng nghe và chia sẻ.
"Tuy nhiên, nếu dùng Văn để làm tiêu chí chính để đánh giá và xét tuyển vào ngành Y thì em thấy có phần phiến diện. Bởi giao tiếp là một kỹ năng, dựa trên nền tảng các kiến thức từ văn học, tâm lý học, đến văn hóa, xã hội học,... và qua thực tiễn, hoạt động. Lẽ nào một bác sĩ không giỏi Văn thì sẽ khó đồng cảm và không có lòng thương yêu con người.", các bạn sinh viên cho biết.
Ccá giảng viên ngành Y cho rằng liên quan đến lĩnh vực đào tạo khối ngành Sức khỏe thì kiến thức về Sinh học và Hóa học là vô cùng quan trọng. Tuyển sinh không có môn Sinh hay môn Hóa sẽ khó để đánh giá chính xác năng lực cần có của bác sĩ tương lai. Hơn nữa nếu thí sinh không có kiến thức tốt về Sinh học và Hóa học sẽ gặp nhiều khó khăn khi học ngành Y.
Cần có một bài kiểm tra năng lực đầu vào cho các ứng viên khối ngành Sức khỏe
Với kinh nghiệm 10 năm công tác của một bác sĩ, một giảng viên Trường đại học Y Hà Nội, TS.BS. Vũ Quốc Đạt (giảng viên bộ môn Truyền nhiễm Trường đại học Y Hà Nội kiêm Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, gần như tất cả trường Y của các nước phát triển đều có một bài kiểm tra đầu vào nhằm đánh giá kiến thức khoa học và khả năng áp dụng, đánh giá năng lực tâm thần và hành vi có liên quan đến nghề nghiệp, khả năng tư duy logic, giải quyết vấn đề về mặt số học, khả năng ra quyết định, đánh giá tình huống, cũng như khả năng lập luận trên góc độ khoa học xã hội nhân văn và tự nhiên.
Để ngừng tranh cãi về việc tuyển sinh đầu vào nên là Toán, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ hay Giáo dục thể chất, theo TS.BS. Vũ Quốc Đạt, Việt Nam sẽ cần có một bài kiểm tra năng lực đầu vào cho các ứng viên khối ngành Sức khỏe, đảm bảo kiểm định chương trình trong quá trình đào tạo và hoàn thiện chuẩn năng lực đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp để đảm bảo chất lượng, hiệu quả, kinh tế cũng như giá trị của chương trình Y khoa.
Luật Giáo dục đại học cho phép các trường tự quyết định, chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường có thể tự chọn môn trong tổ hợp xét tuyển, miễn là mỗi tổ hợp có tối đa ba bài thi, trong đó có Toán hoặc Văn.
Năm 2014, Bộ trưởng Y tế từng hưởng ứng đề xuất của một số hiệu trưởng Y, Dược về việc đưa Văn vào xét tuyển. Lãnh đạo ngành Y tế khi đó cho rằng môn Văn giúp cán bộ nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp.
(Nguồn; Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement