Với việc thông báo thành lập Công ty hàng không Tre Việt của Tập đoàn FLC, thị trường hàng không trở nên “nóng” hơn khi có nhiều đơn vị muốn tham gia.
Advertisement
Thị trường hấp dẫn
Theo dự kiến từ FLC,Hãng hàng không Tre Việt(Viet Bamboo Airlines) có vốn điều lệ 700 tỉ đồng và sẽ đệ đơn xin phê duyệt lên Cục Hàng không (Bộ Giao thông vận tải) ngay trong tháng 6.
Trước đó, vào cuối tháng 3 vừa qua, Hãng hàng không giá rẻ Air Asia cũng cho biết đã bắt tay với Tập đoàn Thiên Minh để lập hãng hàng không giá rẻ tại thị trường VN.
Đây là lần thứ tư Air Asia có động thái muốn bay trên bầu trời VN. Bên cạnh đó, Hãng hàng không Vietstar Airlines (mới thành lập vào giữa năm 2016) cũng liên tục có văn bản gửi cơ quan quản lý xin được phê duyệt cấp phép bay. Bản thân Vietnam Airlines cũng đang xây dựng đề án thành lập Hãng hàng không SkyViet trên cơ sở tổ chức lại VASCO.
Hiện nay, VN có 4 hãng hàng không đang hoạt động gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO. Trong đó, Vietnam Airlines đang sở hữu VASCO và gần 70% vốn tại Jetstar. Vì thế, thực chất cuộc cạnh tranh thực sự chỉ có giữa hai đơn vị là Vietnam Airlines và Vietjet Air, với thị phần lần lượt ở mức 42,5% và 41,5% tại thị trường VN.
Báo cáo tài chính năm 2016 của Vietnam Airlines cho thấy doanh thu đạt hơn 70.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.105,2 tỉ đồng, lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu đạt 1.685 đồng. Kết thúc quý 1 năm nay, Vietnam Airlines đạt doanh thu 20.833 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 743 tỉ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, Hãng hàng không Vietjet Air năm 2016 đạt doanh thu 27.532 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.289,8 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2015.
Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu của Vietjet năm qua đạt hơn 8.000 đồng. Quý 1/2017, Vietjet đạt doanh thu gần 5.100 tỉ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 376,4 tỉ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng trung bình của hãng hàng không giá rẻ này đều ở mức 50% trong 3 năm gần đây.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định việc nhiều doanh nghiệp (DN) xin mở hãng bay không gây ngạc nhiên bởi sức hút của thị trường hàng không rất lớn. Đặc biệt đối với đường bay nội địa, nguyên tắc các quốc gia sẽ không cho phép nước ngoài tham gia nên sự cạnh tranh rất ít, ngược hẳn với sự cạnh tranh khốc liệt trên đường bay quốc tế.
Hơn nữa, hiện nay ở VN, nhiều sân bay mới được mở ra cũng như các sân bay cũ được nâng cấp mở rộng, nhu cầu đi lại bằng hàng không của người dân gia tăng đồng thời khách du lịch vào VN cũng khá đông... Đó là những điều kiện đủ tạo cơ hội cho ngành hàng không phát triển mạnh hơn.
“Tỷ suất lợi nhuận củaVietnam Airlineskhông cao do có những đặc thù riêng. Chẳng hạn giống nhiều DN nhà nước hoạt động không hiệu quả tương ứng với quy mô. Trong khi đó, tốc độ phát triển và khả năng sinh lời của Vietjet Air đã cho thấy tiềm năng thị trường này còn rất lớn. Trong giao thông vận tải, hàng không có tiềm năng nhất và đặc biệt là khai thác đường bay nội địa nên việc các DN muốn tham gia là dễ hiểu”, chuyên gia Đinh Thế Hiển phân tích.
Cạnh tranh cao, dân hưởng lợi
Đánh giá cao sự tham gia của các DN tư nhân vào lĩnh vực hàng không, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng đây là điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi trong bức tranh tổng thể giao thông, hàng không vẫn là ngành hấp dẫn và sinh lời nhất. Trong bối cảnh VN đang tái cơ cấu, phân bố lại sản xuất và mật độ dân cư như hiện nay, nhu cầu đi lại đường dài lớn đòi hỏi hàng không nội địa ngày càng phải phát triển.
Trước những ý kiến cho rằng việc nhiều DN “ham hố” đầu tư vào hàng không trong khi hạ tầng của ngành này đang quá tải có thể dẫn đến rủi ro lớn, chuyên gia Phạm Sanh có quan điểm ngược lại. Ông cho rằng hệ thống hạ tầng sân bay của VN hiện nay không quá tải.
Chỉ hai sân bay lớn là Tân Sơn Nhất và Nội Bài đông vào giờ cao điểm, mùa cao điểm nhưng mức phát triển hành khách và hạ tầng vẫn có thể mở rộng được. Sân bay Tân Sơn Nhất hiện có hai đường bay thì một đường không đạt chuẩn, chỉ cần cải thiện cho đường bay này đạt chuẩn đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, nếu đổi mới quản lý, mở rộng bãi đỗ, dịch vụ thì trong vòng vài năm nữa hoàn toàn có thể phát triển phục vụ từ 60 - 80 triệu hành khách.
“Chúng ta chỉ lo ngại vấn đề quá tải khi không giải quyết được khâu điều hành, quản lý. Nhà nước cần xác định cái gì thuộc về dân sự thì nên cho tư nhân hóa, xã hội hóa. Bộ Giao thông vận tải phải đánh giá, điều chỉnh quản lý mặt đất, không lưu, đường bay hợp lý. Việc cạnh tranh giữa các hãng không chỉ mang lại lợi ích cho dân mà còn khiến đường bộ, đường sắt cũng phải có những động thái “trở mình” tiến lên theo. Nếu nhà nước có chính sách quản lý tốt, hiện tượng “trăm hoa đua nở này” sẽ mang lại lợi ích rất lớn về kinh tế chính trị cho đất nước”, chuyên gia Phạm Sanh nhận định.
Cùng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng không cần lo ngại đến việc hạ tầng quá tải.
Thực tế hiện nay, số giờ trống ở các sân bay còn rất nhiều. Hệ thống sân bay phát triển nhiều hơn nhu cầu nên hạ tầng cũng thừa chưa được khai thác. Đơn cử như những sân bay ở khu vực ĐBSCL tiềm năng khách rất lớn. Do đó điều quan trọng nhất là nhà nước phải có những chính sách như thế nào để các DN mới, các hãng máy bay mới vào cuộc.
“Cho các hãng máy bay mới đầu tư phải kèm thêm điều kiện. Ví dụ phải khai thác mạnh mẽ, lôi cuốn khách hàng tại các sân bay còn chưa khai thác hết như sân bay Cần Thơ. Đặc biệt cần khai thác triệt để các tuyến hàng không nội địa” - ông Tống đề xuất. Ở góc độ cạnh tranh, ông Lý Hùng Anh - giảng viên bộ môn kỹ thuật hàng không - Khoa Kỹ thuật giao thông, Trường đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng nhiều công ty ra đời sẽ tạo sức ép để mở rộng đường bay, cơ sở hạ tầng buộc phải phát triển.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Minh Phong khẳng định khi lựa chọn đầu tư, bản thân DN cũng đã có những nghiên cứu, tính toán và tất nhiên đảm bảo lợi ích họ mới làm.
Càng nhiều DN ra đời sẽ càng hạn chế tình trạng độc quyền và lợi ích không chỉ cho DN, cho nhà nước mà quan trọng nhất là phục vụ người dân, để người nghèo cũng được đi máy bay. Hàng không VN chưa phát triển nội địa, còn nhiều khoảng trống nên cần có những DN tư nhân cùng góp sức đầu tư, khai thác mới mong thay đổi.