15/05/2019 07:21
"Xẻ thịt" sông Sài Gòn: Xây dễ, tháo dỡ trần ai (bài 3)
Việc xây dựng công trình sai phép, vi phạm hành lang an toàn sông Sài Gòn diễn ra lộ thiên nhưng quá trình xử phạt, tháo dỡ lại diễn ra chậm chạp.
2 năm chưa tháo dỡ xong
Hồi tháng 3/2017, cán bộ địa chính, xây dựng phường Thảo Điền, quận 2 phối hợp cùng thanh tra viên thuộc Đội thanh tra địa bàn quận 2 thuộc Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã tiến hành kiểm tra hành chính công trình tại dự án Thảo Điền Sapphire và phát hiện một số hạng mục xây dựng sai giấy phép nên lập biên bản vi phạm hành chính số 12/BB-VPHC ngày 29/3/2017 yêu cầu ngừng thi công xây dựng.
Đã 2 năm kể từ ngày dự án Thảo Điền Sapphire bị xử phạt 1 tỷ đồng nhưng vẫn chưa tháo dỡ xong. |
Sau đó, UBND phường Thảo Điền ban hành Quyết định số 82/QĐ-UBND về việc đình chỉ thi công xây dựng tại dự án Thảo Điền Sapphire với lý do Công ty Cổ phần TDS không thực hiện đúng thời hạn những yêu cầu ghi trong biên bản.
Điều đáng nói, khi quá thời gian yêu cầu tại quyết định đình chỉ nhưng Công ty Cổ phần TDS không tự phá dỡ công trình vi phạm nên Đội thanh tra địa bàn quận 2 đã lập Tờ trình số 41/TTr-Đ2 gửi Thanh tra Sở Xây dựng báo cáo vụ việc.
Ngày 11/4, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng Mai Thanh Tùng đã ký Quyết định số 262/QĐ-XPVPHC xử phạt Công ty Cổ phần TDS 40 triệu đồng do đã tổ chức thi công xây dựng sai nội dung giấy phép. Cụ thể, Công ty Cổ phần TDS đã xây dựng tăng diện tích tầng trệt, vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn, tổng diện tích vi phạm là 1.127m2.
Ngày 27/4, Đội Thanh tra địa bàn quận 2 tiến hành kiểm tra và phát hiện Công ty Cổ phần TDS tiếp tục xây dựng sai nội dung giấy phép và còn phát sinh thêm công trình xây dựng sai phép mới nên đơn vị này đã lập biên bản vi phạm hành chính số 18/BB-VPHC và yêu cầu ngừng thi công.
Ngày 20/5/2017, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký Quyết định số 2496/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần TDS do ông Phạm Viết Hiệp, Tổng Giám đốc là người đại diện pháp luật với mức phạt kỷ lục là 1 tỷ đồng.
Theo quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP thì đây là mức phạt tiền cao nhất và cũng là mức phạt hành chính cao nhất trong hoạt động xây dựng từ trước đến nay tại TPHCM. Ngoài phạt tiền, chủ đầu tư Thảo Điền Sapphire còn bị buộc đình chỉ thi công toàn bộ công trình vi phạm, tháo dỡ phần thi công sai nội dung giấy phép xây dựng.
Sau khi bị lập biên bản vi phạm hành chính Công ty Cổ phần TDS vẫn tiếp tục xây dựng. Đơn vị này đã xây dựng tăng diện tích tầng trệt, vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn, rạch Ông Hóa, tổng diện tích vi phạm lúc này là gần 1.400m2.
Trở lại dự án Thảo Điền Sapphire sau 2 năm bị UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt 1 tỷ đồng và buộc tháo dỡ các công trình vi phạmphạm, chúng tôi ghi nhận còn rất nhiều hạng mục vẫn chưa được tháo dỡ. Cơ quan chức năng thì thừa nhận vi phạm chỉ mới khắc phục được hơn 80%.
Dự án Thảo Điền Sapphire đã đưa dân vào ở, giá bán lên tới trăm tỷ mỗi căn biệt thự nhưng chỉ tháo dỡ đạt 80% vi phạm. |
Trong khi đó, theo Quyết định xử phạt số 2496/QĐ-XPVPHC thì Công ty Cổ phần TDS phải tự phá dỡ phần công trình sai nội dung giấy phép xây dựng trong thời hạn là 10 ngày. Đến ngày 20/6/2019, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM tiếp tục cho Công ty Cổ phần TDS gia hạn thêm 10 ngày nữa để thực hiện việc khắc phục hậu quả, tự phá dỡ các công trình xây dựng sai nội dung giấy phép.
Nếu quá thời hạn này, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện nghiêm quyết định của UBND TP.HCM, Sở Xây dựng sẽ ban hành quyết định cưỡng chế sai phạm. Riêng đối với tiền xử phạt, nếu quá thời hạn chủ đầu tư vẫn chưa nộp, cứ sau mỗi ngày chậm nộp, chủ đầu tư phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Thế nhưng, điều khó hiểu là đã 2 năm kể từ ngày dự án Thảo Điền Sapphire bị xử phạt và buộc tháo dỡ nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại. Chính quyền địa phương biết rõ, nhiều hạng mục sai phép vẫn còn nhưng không có biện pháp xử lý. Điều đáng nói, Quyết định xử phạt số 2496/QĐ-XPVPHC ghi rõ chỉ tháo dỡ trong 10 ngày, nghĩa là hạn chót tới 30/6/2017 Công ty Cổ phần TDS phải tháo dỡ xong phần vi phạm.
Nhan nhản vi phạm
Không chỉ dự án Thảo Điền Sapphire, dọc bờ sông Sài Gòn còn hàng loạt dự án vi phạm hành lang an toàn bờ sông. Điển hình, tại một đoạn của bờ sông Sài Gòn thuộc địa phận quận 2 nhiều nhà hàng, công trình xây dựng ra tận lòng sông.
Chẳng hạn, khu đất nằm giữa địa chỉ số 177/10 và 177/11 Nguyễn Văn Hưởng có một cụm công trình 3 căn nhà bằng gỗ, bê tông cốt thép xây dựng không phép, nằm hoàn toàn trong hành lang bảo vệ bờ sông Sài Gòn. Tại Km 17 500 m, nằm cách cầu Sài Gòn khoảng 750m Công ty TNHH Hải Vương đã xây dựng hệ thống nhà xưởng kết cấu mái tôn, khung sắt với diện tích ước tính 15x15m.
Dự án Khu đô thị Vạn Phúc có dấu hiệu lấn sông Sài Gòn từ 20-30m. |
Đáng nói nhất là dự án Khu đô thị Vạn Phúc tại quận Thủ Đức với quy mô lên tới 2 tỷ USD, có diện tích gần 200ha, nằm tại phường Hiệp Bình Chánh do Công ty Cổ phần đầu tư địa ốc Vạn Phúc làm chủ đầu.
Theo quảng cáo, Khu đô thị Vạn Phúc tích hợp hàng loạt các tiện ích như công viên cây xanh ven sông, bến du thuyền, tổ hợp trung tâm thương mại cao cấp, khu ẩm thực, phòng gym, sân tennis, rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí, hệ thống 10 trường học từ mẫu giáo đến phổ thông cơ sở chuẩn quốc tế, bệnh viện đa khoa chuẩn quốc tế. Dự kiến năm 2018, khu đô thị Vạn Phúc sẽ hiện hữu hoàn chỉnh giai đoạn 1 với khoảng 1.000 căn nhà phố với 5.000 cư dân.
Thế nhưng, theo phản ánh của người dân sống tại khu vực phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức công trình kè bảo vệ sông Sài Gòn tại Khu đô thị Vạn Phúc đang có dấu hiệu lấn sông Sài Gòn một cách nghiêm trọng.
Việc kè bờ bảo vệ sông tại dự án Khu đô thị Vạn Phúc đã diễn ra trong một thời gian dài. Công trình kè trên được chia làm nhiều lớp khác nhau. Phía bên ngoài, một lớp kè rộng khoảng 2m được đóng cọc rất chắc chắn bằng bê tông cốt thép bên trong được nhồi đá lớn để tạo độ vững chãi. Bên trong kè đoạn tiếp giáp với bờ sông được phủ lớp cát dày.
Thực tế, vị trí đoạn đóng cọc xa nhất lấn rộng ra ngoài bờ sông Sài Gòn từ 20-30m, dài hàng trăm mét. Theo tính toán, chủ đầu tư có thể tăng diện tích toàn bộ dự án của mình lên hàng nghìn mét vuông khi lấn ra ngoài. Quan trọng hơn, cảnh quan của dự án Vạn Phúc City cũng được nâng tầm nếu như việc kè lấn sông diễn ra đúng như dự tính.
Máy móc rầm rộ thi công bờ kè sông Sài Gòn ở dự án Khu đô thị Vạn Phúc. |
Theo dữ liệu của chúng tôi, dự án Khu đô thị Vạn Phúc có diện tích gần 200ha được Kiến trúc sư trưởng TP.HCM phê duyệt theo Quyết định số 4052/KTST.TP ngày 15/11/2001 và bản đồ vị trí khu đất tỷ lệ 1/2000 số 44SD/2002/ĐĐĐC-KT ngày 14/01/2002 do Công ty TNHH Đo đạc Kiến Thiết lập và được UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 theo Quyết định 4337/QĐ-UBND ngày 5/10/2010.
Sau đó, UBND TP.HCM cũng yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Vạn Phúc phải tuân thủ quy định về chỉ giới sông, rạch theo Quyết định 150/2004/QĐ- UBND và Quyết định số 1185/QĐ-UBND.
Tuy nhiên, việc xây kè bảo vê sông Sài Gòn của tại dự án này của Công ty Vạn Phúc đã có dấu hiệu vi phạm quy định về Tôn trọng và bảo vệ hiện trạng tự nhiên của bờ sông, kênh rạch. Cụ thể, vi phạm điểm C, Điều 4 quy định về nguyên tắc quản lý, bảo vệ hành lang bờ sông, rạch vì đã không tôn trọng và bảo vệ hiện trạng tự nhiên của bờ sông Sài Gòn.
Luật sư Nguyễn Hữu Quyền, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, theo Điều 45 Nghị định 201/2013 hướng dẫn Luật Tài nguyên nước nêu rõ, UBND tỉnh chỉ có quyền xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện các dự án cải tạo sông nội tỉnh.
Trong khi đó, sông Sài Gòn là hạ lưu của hệ thống sông Đồng Nai nên phải chịu sự giám sát của Bộ Tài nguyên Môi trường. Vì vậy muốn phê duyệt cho chủ đầu tư lấp một phần diện tích lòng sông thì UBND TP.HCM phải tham vấn ý kiến và nhận được sự đồng ý của Bộ Tài nguyên Môi trường, người dân, các tỉnh thành lân cận và các bộ ngành liên quan...
Bài 4: "Xẻ thịt" sông Sài Gòn: Tài nguyên quý, sử dụng như thế nào cho hợp lý?
Đất đai dọc hành lang an toàn bờ sông Sài Gòn là tài sản quý của người dân TP.HCM nhưng sử dụng như thế nào lại là điều cần được quy hoạch rõ ràng, tránh tình trạng mạnh ai nấy xẻ thịt và biến không gian công cộng thành của riêng một nhóm người có tiền.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp