14/05/2019 06:44
"Xẻ thịt" sông Sài Gòn: Vô tư lấn chiếm hành lang an toàn bờ sông (bài 2)
Đến đầu năm 2019, có 116 lô đất ảnh hưởng đến hành lang an toàn bờ sông Sài Gòn, 76 công trình đã đưa vào sử dụng của 13 doanh nghiệp.
116 lô đất vi phạm
Theo số liệu từ Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, đến đầu năm 2019 có 116 lô đất ảnh hưởng đến hành lang an toàn bờ sông Sài Gòn, 76 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng của 13 doanh nghiệp. Trong đó, gần 80 dự án đã vi phạm Quyết định 22 về việc triển khai dự án phải cách bờ sông từ 30-50m.
Đang có tới 116 lô đất ảnh hưởng đến hành lang an toàn bờ sông Sài Gòn. |
Cụ thể, Công ty Liên doanh ven sông Sài Gòn có 13 lô đất chỉ cách bờ sông dưới 10m. Công ty Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận có 20 lô đất. Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Chiến Thắng: 17 lô. Công ty Cổ phần Eden 9 lô. Công ty TNHH Hải Vương 8 lô… Trong đó, một vài công trình đã tháo dỡ nhưng một số khác chủ đầu tư chây ì không thực hiện.
Đứng đầu bảng danh sách lấn bờ sông Sài Gòn là dự án nhà ở của Công ty Liên doanh Ven sông Sài Gòn (Riverside - khu A) với 13 công trình nhà ở chỉ cách mép nước 7,5m. Xếp thứ hai là Công ty TNHH Văn Minh có công trình nhà ở cách sông 10m. Điều đáng nói công trình nhà ở vi phạm của công ty này đã bị ngành chức năng ra quyết định xử phạt yêu cầu tự tháo dỡ nhưng chủ đầu tư không chấp hành.
Tiếp đến, Công ty TNHH Hải Vương có 8 lô đất với 3 công trình cách sông từ 12-20m. Gần đó là 7 công trình biệt thự đang được Công ty TNHH Xây dựng Thế Minh triển khai với các căn nhà triệu đô cách bờ sông 15m. Công ty Liên doanh TNHH Sài Gòn Riviera có một công trình nhà phụ trợ cách sông chỉ 20m, so với quy định vi phạm 30m.
Công đoàn Công ty Thép Miền Nam (khu 3) có 5 công trình tạm vi phạm. Tiếp theo là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Chiến Thắng có 17 lô đất chỉ cách sông 20m. Công ty TNHH Xây dựng Bảo Tiến có 11 lô đất cách sông 26m. Công ty Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận có 11 lô đất chỉ cách mặt nước 20m.
Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận có đến 9 lô đất xâm chiếm hành lang sông Sài Gòn. Công ty Xây dựng Kinh doanh Kim Sơn có 1 lô cách sông khoảng 37,5m. Cuối cùng là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tân Bình có 4 lô đất cách sông 20m.
Đáng nói là trong danh sách các dự án lấn bờ sông Sài Gòn kể trên có gần một nửa đã nhận quyết định cưỡng chế yêu cầu tháo dỡ. Thế nhưng, kể từ thời điểm ban hành quyết định cho đến nay trải qua nhiều năm, không ít chủ đầu tư vẫn không thực hiện dù các căn biệt thự đã được sang tay qua nhiều đời chủ.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, nơi vi phạm hành lang an toàn sông Sài Gòn nhiều nhất là quận 2 với hàng loạt biệt thự nằm sát mép bờ sông. Chủ đầu tư ép cừ bê tông để cố lấn ra bờ sông. Tuy nhiên, sức nước quá lớn khiến nhiều đoạn bị nứt, sụp…
Quản lý yếu kém?
Kiến trúc sư Nguyễn Minh Sinh cho rằng, TP.HCM quy hoạch chưa chú ý đến lợi ích cộng đồng. Ai cũng thấy sông Sài Gòn có ý nghĩa rất lớn đối với đô thị TP.HCM nhưng việc con sông bị nhiều kẻ bao chiếm là điều khó có thể chấp nhận.
“Tình trạng các dự án xây dựng ra tận mép sông, thậm chí lấn luôn lòng sông vẫn xảy ra là điều hoàn toàn không phù hợp với quy định chung của TP.HCM, gây ra thiệt hại lâu dài”, ông Sinh nói.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết, hiện nay một số dự án cao ốc chung cư, biệt thự đang bị dư luận quan ngại về tình trạng lấn ra dòng sông Sài Gòn. Việc lấn sông trước hết đem lại nguồn lợi đáng kể cho nhà đầu tư nhưng nó lại có thể gây tác động không tốt đến môi trường các khu vực gần đó.
Ví dụ, những khu đất ven sông lân cận có thể bị xói lở do thay đổi dòng chảy nếu không có bờ kè kiên cố. Nếu trừ ra phần không gian xanh cho công trình công cộng trên phần đất lấn chiếm mặt nước, thì thực tế mật độ xây dựng khu vực bờ sông hiện đang quá cao, tác động lớn đến môi trường vùng lân cận, gây ngập lụt, nguy cơ kẹt xe cao hơn.
Oằn mình gánh hàng trăm chung cư, biệt thự cao cấp khiến bờ sông Sài Gòn trở thành đặc quyền riêng của người có tiền. |
“Tình trạng thi công quá nhiều tuyến đê kè dọc bờ sông với độ cao lớn sẽ làm mất đi cảnh quan dọc sông Sài Gòn. Như vậy, sẽ che khuất tầm nhìn về sông Sài Gòn, làm giảm giá trị cảnh quan ven sông. Do đó, cơ quan chức năng TP.HCM nên tính toán lại phương án xây đê kè quá cao”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, ông Lê Minh Quyền ở quận 3, TP.HCM cho rằng, bờ sông Sài Gòn ở TP.HCM dường như là của một số người giàu chứ không phải không gian công cộng, là mảng xanh, công viên phục vụ cho hơn 10 triệu người dân TP.HCM đến vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi.
Ở nhiều nước, bờ sông đơn thuần là không gian công cộng, phục vụ công chúng. Tuy nhiên ở TP.HCM, bờ sông đang được xây khu biệt cho tư nhân khai thác và sử dụng. Do đó, cần phải thông tin rõ Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đang xem xét, cấp phép tiếp cho những dự án nào để người dân giám sát?
Trong khi đó, giám đốc một công ty bất động sản ở quận 3 nói, tình trạng lấn chiếm mặt nước nói chung đang diễn ra ngày càng nhiều. Nó xuất phát từ một lý do đơn giản, đất liền thì phải trả giá cao để đền bù, sang nhượng, còn mặt nước thì mạnh ai nấy chiếm. Hễ cứ chiếm được thì sẽ là của mình.
“Do quản lý lỏng lẻo nên người ta cứ thế tự tiện làm. Hộ dân thì lấn ra làm cái chòi, sau thì thành xóm nhà lá ven sông và rồi chính quyền lại phải bỏ tiền ra để vận động các nhà đã lấn chiếm này đi. Doanh nghiệp lớn thì lén đổ đất lấn ra sông rồi đóng cừ xây biệt thự bán cả triệu USD. Bờ sông Sài Gòn dần biến thành của riêng của những người có nhiều tiền”, vị này nói.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM nhận định, để xảy ra tình trạng trên, ngoài công tác quản lý có vấn đề còn có một phần nguyên nhân từ việc quy hoạch chung dọc sông Sài Gòn chưa được chú trọng. Nếu cứ để xây dựng ồ ạt sẽ dẫn đến bức bí, ô nhiễm, ngập nước. Nếu không sớm khắc phục, trước sau gì cảnh quan sông Sài Gòn cũng bị phá nát.
Bài 3: "Xẻ thịt" sông Sài Gòn: Xây dễ, tháo dỡ trầm ai
Có một thực tế là xây dựng công trình sai phép, không phép vi phạm hành lang an toàn sông Sài Gòn diễn ra lộ thiên nhưng quá trình xử phạt, tháo dỡ lại diễn ra rất chậm chạm. Điển hình dự án Thảo Điền Sapphire sau 2 năm bị xử phạt vẫn chưa tháo dỡ xong. Còn dự án Khu đô thị Vạn Phúc có dấu hiệu lấn sông gần 30m vẫn ngang nhiên thi công.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp