21/04/2021 10:51
Xe máy điện chờ hệ sinh thái
Xe máy điện có thêm động lực mới để tiến tới mục tiêu thay thế xe xăng truyền thống.
Cuối tuần trước, doanh nghiệp xe máy điện 3 năm tuổi Dat Bike công bố gọi vốn thành công 2,6 triệu USD từ quỹ Jungle Ventures (Singapore). Việc quỹ ngoại tham gia vào Dat Bike là sự khích lệ lớn cho khả năng thành công của đơn vị này vì trước đó Dat Bike từng bị các shark trong chương trình Shark Tank đánh giá là không phù hợp ở thị trường Việt Nam.
“Trong vòng 3 năm với số vốn đầu tư dưới 1 triệu USD mà Dat Bike có thể sản xuất xe, đưa ra thị trường và được chấp nhận bởi các cơ quan thẩm quyền là tốc độ rất nhanh”, ông Amit Anand, nhà sáng lập Jungle Ventures, nói. Theo ông Anand, có 2 lý do Jungle Ventures chọn Dat Bike. Thứ nhất, đây là một trong các nhà sản xuất xe máy điện đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Thứ 2, quan trọng hơn là Dat Bike đáp ứng được bài toán giữ được hiệu suất của xe máy điện ngang bằng với xe xăng.
Có rất nhiều hãng xe ở Đông Nam Á đã nhập khẩu xe điện nguyên chiếc về kinh doanh có giá rất cạnh tranh nhưng tất cả đều có công suất kém hơn xe xăng một nửa. Cụ thể, nếu như xe xăng có công suất trung bình 10 mã lực và đi được trung bình hơn 100 km cho mỗi lần đổ xăng thì xe điện chỉ có 2 mã lực và đi được khoảng 70 km. Một số khác còn mất từ 10-12 tiếng sạc pin do dùng công nghệ cũ.
“Đây là rào cản lớn nhất của người tiêu dùng khi muốn chuyển sang xe điện và Dat Bike đã giải quyết khá tốt”, ông Anand nói.
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường cũng như xu hướng từ bỏ xe động cơ đốt trong, việc sản xuất xe điện ngày càng trở nên quan trọng. Tại Việt Nam, với hơn 46 triệu xe máy lưu thông, thị trường xe máy điện đang trở nên hấp dẫn. Hiện tại, cả nước có khoảng 5 triệu chiếc xe đạp điện và xe máy điện lưu hành. Tốc độ tăng trưởng của phân khúc này ở mức 30-40%/năm.
Nhiều thương hiệu xe máy điện như Klara, Ludo, Impes và mới đây là Feliz, Theon khiến người dùng nhận ra, xe máy điện mang thương hiệu Việt không hề thua kém bất kỳ mẫu xe máy truyền thống nào về hiệu năng, thậm chí, nổi bật hơn về tính năng an toàn và thông minh.
Thậm chí, thị trường Việt Nam còn thu hút startup Oyika (trụ sở tại Singapore), đang huy động 100 triệu USD cho hoạt động kinh doanh chia sẻ năng lượng tại Đông Nam Á, trong đó bao gồm Việt Nam với mục tiêu giảm rào cản về sử dụng xe điện ở các quốc gia đang phát triển.
Mặc dù vậy, thị trường xe máy điện tại Việt Nam cần nhiều hơn thế để có thể thuyết phục người sử dụng chuyển đổi từ xe máy truyền thống. Trong nỗ lực này, sau hơn 2 năm ra đời, danh mục sản phẩm xe máy điện VinFast đã tăng lên con số 5 với các dòng xe phủ ở nhiều phân khúc. Với việc khai trương 64 showroom Vin3S mới, VinFast đã nâng tổng số showroom, đại lý và xưởng dịch vụ của mình lên con số 182.
Theo kế hoạch, đến hết năm 2021, sẽ có tổng cộng 450 showroom xe máy điện kết hợp trung tâm trải nghiệm Vin3S trên cả nước. Theo chuyên gia ngành xe Lê Trọng Tứ, đây là bước đi quan trọng để hình thành một hệ sinh thái xe điện có quy mô lớn trên toàn quốc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn, sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Dat Bike, cho biết với số vốn đầu tư, Công ty sẽ tập trung vào hoàn thiện công nghệ lõi, bổ sung nhân sự và nguồn vốn cho sản xuất. Trong 3 năm qua, Dat Bike đã làm chủ được công nghệ pin, bảng điều khiển và đang cố gắng làm chủ công nghệ động cơ.
Theo ông Sơn, hiện động cơ xe điện phải nhập từ Trung Quốc nên giá rất biến động, Dat Bike cần làm chủ công nghệ sản xuất các động cơ ít sử dụng nam châm hiếm, từ đó mới có cơ sở giảm giá thành Dat Bike trong tương lai.
Với mức giá xấp xỉ 40 triệu đồng/chiếc, ông Sơn cho rằng là cạnh tranh so với các mẫu xe điện hiện nay do vượt trội về công suất (80 km/h) và thời gian sạc (3 tiếng). Tuy nhiên, ông thừa nhận vẫn cần một mức giá hấp dẫn hơn để thu hút số đông.
Theo ước tính của Dat Bike, quy mô thị trường xe máy ở Việt Nam là 8 tỉ USD với 35 triệu xe tiêu thụ hằng năm, xe điện chỉ chiếm 2-3% trong số đó. Đây là thị trường rất tiềm năng theo đánh giá của người sáng lập Dat Bike. Ông Sơn cho biết sau 3 năm, Công ty đã đưa đến tay người dùng hơn 200 xe, doanh thu tăng trưởng hơn 30%/tháng và nhà xưởng luôn trong tình trạng cháy hàng vì không đủ vốn sản xuất.
“Thời gian đầu, chúng tôi tập trung phục vụ nhóm khách hàng tìm các phương tiện bảo vệ môi trường nhưng đảm bảo công suất của xăng. May mắn là Dat Bike được ủng hộ tốt, tôi cũng khá bất ngờ khi có đến 25% khách hàng mua là nữ”, ông Sơn nói.
Bức tranh Đông Nam Á còn sáng sủa hơn khi có quy mô đến 25 tỷ USD mỗi năm và số lượng xe máy điện chỉ chiếm khoảng 2% và đang chịu sự thống trị của các hãng xe máy Nhật như Honda và Yamaha. Tuy nhiên, Dat Bike vẫn có những lợi thế nhất định khi tham gia sân chơi Đông Nam Á nhờ chính sách ưu đãi của Chính phủ Việt Nam dành cho doanh nghiệp công nghệ.
Ngoài ra, việc xuất khẩu xe máy điện từ Việt Nam vào các nước Đông Nam Á sẽ được giảm thuế nên giá sẽ cạnh tranh hơn so với xe từ châu Âu hay Mỹ.
Một điều quan trọng nữa là hành vi sử dụng xe máy ở các quốc gia Đông Nam Á khá tương đồng như công xuất xe giống nhau, mục đích xe cũng tương tự nên mẫu sản xuất ở Việt Nam có thể kinh doanh ở Đông Nam Á ngay lập tức, dẫn đến chi phí R&D tiết kiệm được là không nhỏ.
Sau Việt Nam, trong 3 năm tới, Dat Bike tham vọng sẽ xuất hiện ở Thái Lan, Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, trước mắt, ông Sơn nhấn mạnh về việc hoàn thiện công nghệ lõi. Là kỹ sư phần mềm, ông Sơn hiểu rõ sự đồng nhất giữa phần mềm và phần cứng, điều làm nên thương hiệu của Tesla hay Apple về hiệu suất làm việc.
“Chính vì thế, chúng tôi sẽ đầu tư nhiều hơn vào công nghệ lõi. Chúng tôi đã làm được việc khó nhất là đưa giá thành xe điện về mức ngang ngửa với xe xăng và công nghệ lõi sẽ giúp chúng tôi đi xa hơn nữa”, ông Sơn nói.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp