23/08/2020 17:30
Xây dựng Thành phố Thủ Đức sẽ như thế nào?
Đây sẽ là “thành phố trong thành phố” đầu tiên tại Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng Thành phố Thủ Đức phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và tạo tính cạnh tranh với các đô thị trong khu vực.
Đồng ý thông qua chủ trương thành lập Thành phố Thủ Đức trực thuộc TP.HCM, tại buổi làm việc với chính quyền thành phố sáng 23/8, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với TPHCM, các cơ quan liên quan, khẩn trương hoàn thiện đề án, chú ý các yếu tố quy hoạch, huy động nguồn lực, phương thức quản lý...
Như vậy, giấc mơ Thành phố phía Đông của TP.HCM sắp thành hiện thực sau gần 10 năm ấp ủ, đây cũng sẽ là “thành phố trong thành phố” đầu tiên tại Việt Nam.
Thành phố Thủ Đức: Một đề án thiên thời, địa lợi
Thành phố Thủ Đức được quy hoạch gồm ba quận 2, 9 và Thủ Đức. Theo thống kê, dân số hiện nay của ba quận hơn 1 triệu người, tổng diện diện tích khoảng 22.000 ha, bằng 1/10 diện tích toàn thành phố. Dự kiến Thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp 1/3 kinh tế cho TP.HCM.
Theo định hướng, Thành phố phía Đông này sẽ được quy hoạch thành một khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số nhằm phát huy năng lực, đổi mới, sáng tạo của TP.HCM.
Thành phố Thủ Đức được quy hoạch gồm ba quận 2, 9 và Thủ Đức. Đồ hoạ: VnExpress. |
Theo các chuyên gia, việc hình thành và phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, hay Thành phố Thủ Đức là phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và tạo tính cạnh tranh với các đô thị, thành phố khác trong khu vực và mở rộng ra là toàn thế giới.
Khi hình thành, Thành phố Thủ Đức sẽ là động lực để thúc đẩy phát triển, thúc đẩy nâng cao cả trình độ, đời sống, tri thức của người dân TP.HCM. Đồng thời, giúp chuyển dịch cơ cấu dân số, giải quyết bài toán giãn dân, giảm áp lực lớn đối với hạ tầng giao thông hiện nay.
Chuyên gia quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng cho rằng TP.HCM đang có nhiều thuận lợi để hình thành một thành phố phía Đông chuyên về sáng tạo và sản xuất công nghệ cao, như nhân lực chất lượng cao, hệ sinh thái sáng tạo đã và đang hình thành, hạ tầng kết nối vùng quốc gia, quốc tế tốt nhất và cả những quyết tâm gần 10 năm qua của lãnh đạo thành phố.
Ông Dũng chỉ ra Thành phố Thủ Đức tại ba quận 2, 9 và Thủ Đức có vị trí chiến lược là trung tâm của toàn vùng Đông Nam Bộ, trong khi TP.HCM được đánh giá là một trong ba trung tâm khởi nghiệp lớn nhất vùng Đông Nam Á. Cùng với quyết tâm xây dựng thành phố thông minh của lãnh đạo TP.HCM, các yếu tố trên là vô cùng thuận lợi để thành lập thành phố sáng tạo phía Đông.
TS. Huỳnh Thế Du - Đại học Fulbright Việt Nam, nhận định thêm hiện nay là thời điểm phù hợp, tức thiên thời lẫn địa lợi, để triển khai ý tưởng thành lập Thành phố Thủ Đức của TP.HCM.
Ông phân tích Thành phố Thủ Đức sẽ đón được xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu khỏi Trung Quốc. Ông cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ tác động, làm cho tiến trình này xảy ra nhanh hơn. Song song đó, TP.HCM đang là trung tâm kinh tế lớn nhất nước với truyền thống đi đầu về những ý tưởng đột phá, sáng tạo.
"Thành phố phía Đông là ý tưởng mang tầm chiến lược quốc gia, có thể tạo ra các làn sóng tăng trưởng mới dựa vào đổi mới sáng tạo trong thời đại 4.0", TS. Huỳnh Thế Du nói.
Hiến kế cho Thành phố Thủ Đức
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn hiến kế để xây dựng Thành phố Thủ Đức như kỳ vọng của Chính phủ, lãnh đạo và người dân TP.HCM, thì thành phố này cần có 7 khu đô thị gắn với quy hoạch chung của TP.HCM cũng như quy hoạch vùng.
7 khu vực mà Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đề xuất đều dựa trên những thế mạnh hiện có của ba quận 2, 9 và Thủ Đức.
Khu vực thứ nhất, chuyên gia cho rằng TP.HCM cần tập trung xây dựng là trung tâm tài chính Thủ Thiêm (quận 2), tầm nhìn là một trung tâm tài chính quốc tế với những tập đoàn hàng đầu thế giới.
Một góc khu công nghệ cao (quận 9, TP.HCM). Ảnh: VnExpress |
Khu vực thứ hai là khu đô thị công nghệ cao tương ứng với khu công nghệ cao (quận 9) hiện nay, vừa nghiên cứu vừa sản xuất sản phẩm công nghệ.
Tại quận Thủ Đức sẽ hình thành khu đô thị đại học với hệ thống các Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Fulbright Việt Nam, ĐH Nông Lâm và cả những trường đại học tại các tỉnh lân cận, để kết nối hạ tầng hiện đại như thư viện số, phòng thí nghiệm quốc tế, khu thể dục thể thao.
Khu vực thứ tư Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đề xuất là khu đô thị logistics, nằm trong quy hoạch vùng để kết nối các tỉnh lân cận, chuyên cung ứng dịch vụ đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Thứ năm, xây dựng thêm khu đô thị sáng tạo, tạo điều kiện cho những nhà nghiên cứu, sáng chế để nghiên cứu sản phẩm mới ứng dụng lĩnh vực công nghiệp, nhất là khi Thành phố Thủ Đức đã có sẵn nhiều khu công nghiệp lớn.
Thứ sáu là xây dựng khu đô thị Rạch Chiếc - nơi diễn ra các sự kiện thể dục thể thao lớn, thậm chí mang tính khu vực.
Khu vực cuối cùng là khu đô thị nông nghiệp công nghệ cao cung cấp thực phẩm sạch cho người dân. Đây đồng thời là vành đai xanh, sạch xung quanh đô thị, lá phổi cho Thành phố Thủ Đức hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
3 vấn đề cốt yếu cần quan tâm khi xây dựng Thành phố Thủ Đức
Theo quy hoạch, Thủ Thiêm sẽ là trung tâm tài chính mang tầm vóc quốc tế. Ảnh: Zing. |
Chuyên gia quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng đã nhiều lần hiến kế về Thành phố phía Đông tại các hội thảo lấy ý kiến chuyên gia của TP.HCM. Chính ông và các cộng sự cũng đã giành giải Nhất cuộc thi ý tưởng cho Khu đô thị sáng tạo phía Đông.
Ông Dũng cho rằng để đề án Thành phố phía Đông này được triển khai, có 3 vấn đề cốt yếu nhất cần quan tâm.
Thứ nhất, phải có một cơ quan, một cá nhân chịu trách nhiệm về sự thành công của dự án, không thể có cảnh “cha chung không ai khóc”.
Đơn cử, với việc Thành phố Thủ Đức được triển khai trên ba quận 2, 9 và Thủ Đức, thì cần tạo một cơ chế hành chính mới, tập trung ba quận, nếu ba quận riêng rẽ thì không thể cùng phát triển.
Thứ hai, cần có một cơ chế đặc thù tại Thành phố Thủ Đức. Khó khăn của việc làm công nghệ chính là rào cản về luật pháp và thể chế. Luật pháp hiện tại sẽ cản trở những mô hình kinh doanh mới, những công nghệ mới. Do đó, khu vực này có thể được phát triển giống như sandbox, nơi có thể chế mở, cho phép thử ngiệm những công nghệ mới nhất, mô hình kinh doanh mới nhất…
Ông Nguyễn Đỗ Dũng nhắc đến yếu tố thứ ba, không thể coi dự án Thành phố phía Đông là độc lập với các dự án khác như kẹt xe, chống ngập, xây dựng trung tâm tài chính…
Đồng quan điểm trên, TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng để đề án thành công và phát huy được hiệu quả, cần giao cho đô thị này tự chủ kế hoạch trong đầu tư; tự chủ về quản lý nhà nước trên lĩnh vực hạ tầng như xây dựng, đất đai, tổ chức bộ máy con người và thẩm quyền tổ chức lo phúc lợi của người dân.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp