08/05/2020 15:07
WHO: Số người tử vong do COVID-19 ở châu Phi có thể lên tới 190.000
Tính đến ngày 7/5, châu Phi đã ghi nhận tổng cộng 53.334 ca nhiễm và 2.065 ca tử vong do COVID-19.
Báo cáo dẫn nghiên cứu của văn phòng khu vực của WHO tại Brazzaville (CH Congo) nhận định khoảng 83.000 đến 190.000 người có thể tử vong và khoảng 29 triệu đến 44 triệu người tại châu Phi nhiễm COVID-19 trong năm đầu bùng phát dịch.
Mặc dù tốc độ lây lan dịch COVID-19 tại châu Phi chậm hơn so với châu Á hay châu Âu, song các chuyên gia của WHO đã liên tục cảnh báo rằng "lục địa Đen" rất dễ bị "tổn thương" nếu đại dịch COVID-19 bùng phát tại đây do châu lục này có hệ thống cơ sở hạ tầng y tế yếu kém, tỉ lệ nghèo đói cao, nhiều khu vực giao tranh và xung đột vẫn đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ.
Theo Giám đốc khu vực châu Phi của WHO Matshidiso Moeti, mặc dù COVID-19 có thể sẽ không lan rộng theo cấp số nhân ở châu Phi như ở những nơi khác trên thế giới, nhưng có khả năng đang lan truyền âm ỉ ở các điểm nóng.
Tốc độ lây lan chậm hơn cho thấy đợt bùng phát có thể kéo dài hơn, trong vài năm. Ngoài ra, ông nhấn mạnh người dân châu Phi có thể sẽ phải sống chung với đại dịch COVID-19 trong vài năm tới nếu chính phủ các nước ở châu lục này không chủ động ứng phó với đại dịch.
Ảnh minh họa. |
Một số quốc gia châu Phi đang áp đặt các biện pháp phòng tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, trong khi một số quốc gia khác đang xem xét nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt. Đầu tuần này, Nigeria đã dỡ bỏ tình trạng phong tỏa ở thành phố Lagos đông dân nhất châu Phi. Nam Phi tuần trước cũng đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp thắt chặt.
Trong khi đó, Nam Sudan ngày 7/5 thông báo nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội mà nước này đã áp dụng tử cuối tháng 3 để ngăn chặn dịch, mặc dù tiếp tục ghi nhận các trường hợp nhiễm mới. Theo đó, các quán bar và nhà hàng sẽ được mở cửa trở lại, thời gian giới nghiêm từ 7 giờ tối hôm trước tới 6 giờ sáng hôm sau cũng sẽ được rút ngắn xuống từ 10 giờ tối tới 6 giờ sáng.
Các hoạt động du lịch trong nước bằng đường hàng không, đường bộ và đường thủy cũng như các chuyến bay trong khu vực cũng được nối trở lại. Tuy nhiên, trường học, nhà thờ và các câu lạc bộ đêm sẽ vẫn đóng cửa. Các hoạt động thể thao cũng như hoạt động tụ tập nơi công cộng khác cũng vẫn bị cấm. Bên cạnh đó, tất cả các khách du lịch đến và rời khỏi quốc gia này sẽ phải xuất trình chứng nhận không nhiễm COVID-19. Tại các cuộc họp hay những nơi công cộng bắt buộc phải đeo khẩu trang.
Cùng ngày, chính phủ Senegal cho biết đã cứu giúp hơn 2.000 trẻ em lang thang, trong đó 205 trẻ đến từ các quốc gia láng giềng, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại quốc gia này.
Phát biểu trong một cuộc họp về chiến dịch "Không để trẻ em sống lang thang trên đường phố", Tổng Thư ký Bộ Phụ nữ, Gia đình và Giới của Senegal, Mame Gor Diouf cho biết số trẻ được cứu giúp trong độ tuổi từ 4 đến 17, trong đó khoảng 1.219 trẻ em đã được đưa trở về gia đình, chủ yếu ở 8 trong số 14 vùng trên cả nước. Trong số hơn 2.000 trẻ được cứu giúp có hơn 50 trẻ nhiễm COVID-19 và đã được sự chăm sóc y tế, trong đó một số đã được chữa khỏi.
Theo số liệu thống kê của hãng tin AFP, tính đến ngày 7/5, châu Phi đã ghi nhận tổng cộng 53.334 ca nhiễm và 2.065 ca tử vong do COVID-19.
Trong đó, Senegal đã ghi nhận 1.492 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 13 trường hợp tử vong và 562 trường hợp đã bình phục.
Tại Nam Phi, Bộ Y tế thông báo nước này đã ghi nhận thêm 424 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca lên 8.232 người, trong đó có 161 ca tử vong.
Tại Algeria, tính đến 17h ngày 7/5 (theo giờ địa phương), cơ quan chức năng nước này đã ghi nhận 185 ca nhiễm và 7 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh ở quốc gia Bắc Phi lên 5.182 người, trong đó có 483 người tử vong.
Hiện dịch COVID-19 đã lây lan đến toàn bộ 48 tỉnh, thành phố của Algeria. Algeria hiện đứng thứ 4 ở châu Phi về số người mắc COVID-19, sau Nam Phi, Ai Cập và Maroc, nhưng lại là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu lục này.
Tại Ai Cập, Bộ Y tế thông báo quốc gia này đã phát hiện thêm 393 ca nhiễm, đánh dấu mức tăng cao nhất trong ngày, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 7.981 người. Số người tử vong do căn bệnh nguy hiểm này cũng tăng thêm 13 ca, lên tổng số 482 ca.
(Nguồn: TTXVN)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp