18/03/2020 13:31
WB tăng viện trợ tài chính lên 14 tỉ USD để đẩy mạnh hỗ trợ khối tư nhân
Ngân hàng Thế giới (WB) đã quyết định đẩy giá trị của gói viện trợ tài chính khẩn cấp lên 14 tỉ USD, tăng 2 tỉ USD so với trước đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp và quốc gia trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Gói viện trợ tài chính 14 tỉ USD của WB hướng tới củng cố hệ thống bảo vệ sức khoẻ cộng đồng của các nước, bao gồm các hoạt động kiểm soát, chẩn đoán, chữa trị dịch bệnh và hỗ trợ khối tư nhân.
Cụ thể, công ty Tài chính quốc tế (IFC), thành viên của WB, sẽ tăng giá trị gói viện trợ tài chính thuộc chương trình Thanh khoản thương mại quốc tế và Tài chính nhu yếu phẩm từ 6 tỉ USD lên 8 tỉ USD để tạo "đệm đỡ" cho các công ty tư nhân và nhân viên của họ khỏi ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.
Khoản tín dụng của IFC sẽ rót vào các ngân hàng địa phương nhằm cấp vốn thương mại trong trung hạn cho các doanh nghiệp đang vật lộn với tình trạng đứt chuỗi cung. Đối tượng nhận viện trợ của IFC bao gồm các ngành kinh tế chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19, chẳng hạn như lữ hành, cũng như các ngành tham gia vào tiến trình chống dịch như y tế.
"Đại dịch lần này không chỉ gây mất mát về người mà còn ảnh hưởng tới nền kinh tế và chất lượng cuộc sống. Bằng cách đảm bảo cho khách hàng duy trì được hoạt động, chúng tôi hy vọng khối tư nhân tại các nước đang phát triển sẽ được trang bị đầy đủ hơn, giúp các nền kinh tế phục hồi nhanh chóng hơn," ông Philippe Le Houérou, CEO của IFC phát biểu trong thông cáo phát đi ngày 17/3.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện Brescia Poliambulanza ở vùng Lombardy, Italy ngày 17/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đầu tháng 3.2020, WB đã công bố gói hỗ trợ Covid-19 trị giá 12 tỉ USD, bao gồm 2,7 tỉ USD từ ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển (IBRD); 1,3 tỉ USD từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA); 2 tỉ USD tái cơ cấu danh mục đầu tư hiện có; cộng thêm 6 tỉ USD từ IFC, trong đó bao gồm 2 tỉ USD tái cơ cấu từ các chương trình hỗ trợ thương mại hiện có.
Trước đó IFC cũng đã nâng tổng hạn mức dành cho bốn ngân hàng thương mại Việt Nam, bao gồm ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) lên 294 triệu USD, nhắm tăng tài trợ thương mại đối với các doanh nghiệp Việt khó khăn do dịch bệnh.
Kể từ khi bùng nổ tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019, dịch Covid-19 ngày một diễn biến phức tạp. Tính 10h sáng nay, dịch đã gây bệnh với 198.426 người và khiến 7.987 người tử vong, theo Worldometer. Hiệp hội Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) dự báo dịch Covid-19 có thể khiến 50 triệu người lao động ngành du lịch mất việc, tương đương 12-14% tổng lực lượng lao động của lĩnh vực này trên toàn thế giới.
Ngân hàng Goldman Sachs trong ngày 17.3 vừa qua đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu xuống còn 1,25% từ mức 1,9% trước đó và cho biết rất có thể nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Canada, sẽ rơi vào tình trạng suy thoái.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp