30/10/2020 19:53
WB: Nguồn kiều hối của các nền kinh tế đang phát triển sụt giảm do COVID-19
Trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh bị đình trệ trên toàn thế giới, các nền kinh tế đang phát triển đang đối mặt với sự sụt giảm nguồn thu quan trọng từ các lao động làm việc ở nước ngoài.
Theo một báo cáo được công bố ngày 29/10, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính lượng kiều hối chuyển về các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình dự kiến giảm 7% xuống còn 508 tỷ USD trong năm nay.
Lượng kiều hối này sẽ tiếp tục giảm 7,5% trong năm 2021 do các biện pháp phòng chống dịch và kinh tế giảm tốc, qua đó làm giảm nguồn tiền mà lao động di cư có thể gửi về cho gia đình. Xét tổng thể, các khu vực được dự đoán sẽ chứng kiến lượng kiều hối sụt giảm mạnh là châu Âu và Trung Á (đều giảm 16%), tiếp sau là Đông Á (11%) và Thái Bình Dương (4%).
Cũng theo WB, mặc dù dự báo trên khả quan hơn chút ít so với dự báo hồi tháng 4, khi WB ước tính lượng kiều hối năm nay sẽ giảm tới 20%, song mức giảm dự kiến 14% trong hai năm 2020 và 2021 vẫn là một "đòn giáng mạnh" vào nguồn thu kiều hối của các nước đang phát triển.
Trước đó, WB cho biết lượng kiều hối đổ về các nước này năm ngoái đạt 554 tỷ USD, vượt xa các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Báo cáo chỉ ra mặc dù lượng kiều hối đã phục hồi phần nào trong tháng 6, từ mức giảm mạnh trong tháng 4 và 5, song tình hình này có thể không duy trì được lâu do sự phục hồi này có được dường như nhờ một số lao động di cư rút tiền tiết kiệm để gửi về nhà.
Kiều hối toàn khu vực Đông Á - Thái Bình Dương dự kiến giảm 13% |
Theo báo cáo, lao động di cư là đối tượng có nguy cơ cao mất thu nhập, bởi họ có xu hướng tập trung tại các vùng thành thị và làm việc trong các ngành dịch vụ vốn đang chịu tác động nặng nề nhất do suy thoái kinh tế như nhà hàng, khách sạn, bán hàng, du lịch, vận tải và sản xuất.
Trao đổi với báo giới, ông Mamta Murthi, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển nhân lực của WB, nhận định tác động của đại dịch COVID-19 rộng khắp khi nhìn qua "lăng kính" di cư bởi nó ảnh hưởng tới cả người di cư lẫn gia đình họ vốn sống dựa vào các khoản tiền gửi về.
Tại một số nước như Tonga, Haiti hay Liban, nguồn thu từ các khoản tiền do lao động di cư chuyển về chiếm khoảng 25%, thậm chí gần 35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Do đó, ông nhấn mạnh các quốc gia cần nỗ lực duy trì "dòng kiều hối", theo TTXVN.
Tác động lớn từ dịch
Tại Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng nhận định, suy thoái kinh tế từ đại dịch COVID-19 sẽ đe dọa an ninh và phúc lợi nghề nghiệp của hơn 91 triệu người di cư quốc tế từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Do đó dòng kiều hối chuyển vào châu Á trong năm 2020 có thể giảm 54,3 tỷ USD, tương đương khoảng 20% mức hiện nay. Báo cáo của ADB cũng chỉ ra Việt Nam, Indonesia và Philippines là ba quốc gia Đông Nam Á có dòng kiều hối sụt giảm mạnh nhất trong năm 2020.
Tuy nhiên, theo Thời báo Ngân Hàng, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.Hồ Chí Minh thông tin mới đây, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch nhưng lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh thông qua các NHTM và các tổ chức kinh tế trong 9 tháng năm 2020 đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019. Con số này của cả năm 2020 ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 0,82% so với năm trước.
Cho rằng đây là con số tích cực với TP. Hồ Chí Minh, nhưng PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nhận thấy con số này cũng không phản ánh bức tranh chung tình hình kiều hối về Việt Nam năm nay. Chuyên gia này đánh giá, một số vùng có người Việt Nam cư trú đông như Pháp, Mỹ, Canada trong năm nay đều gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Giãn cách xã hội ở nhiều quốc gia khiến hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ, gián đoạn. Kiều hối về ít đi đó là xu thế và để hy vọng có lượng kiều hối lớn đổ về Việt Nam năm nay là rất khó.
Kiều hối chuyển qua các kênh ngân hàng đã giảm khá mạnh từ 2 tháng nay. Ảnh: NLD |
Cùng chung quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng kiều hối năm 2020 sẽ thấp hơn năm 2019 khá nhiều. Theo TS. Hiếu, số liệu kiều hối về TP. Hồ Chí Minh nêu trên chỉ mang tính tương đối, bởi kiều hối về Việt Nam đến từ kênh chính thức và kênh phi chính thức, trong đó kênh phi chính thức chiếm tỷ trọng cũng tương đối nên khó có thể lượng đoán được. Con số chính thức vẫn phải chờ thông tin từ phía NHNN hoặc các tổ chức tài chính.
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng nhận định, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2020 giảm khoảng 10-15% so với năm 2019 và có thể giảm mạnh hơn, khoảng 15-17%, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến xấu.
Trên thực tế, tình hình dịch bệnh trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, Pháp đã công bố lệnh đóng cửa toàn quốc kéo dài một tháng, Đức áp đặt các biện pháp hạn chế mới khi các quốc gia lớn nhất EU thừa nhận các bệnh viện sẽ sớm bị quá tải bởi dịch COVID-19.
Tại Mỹ - quốc gia mà lượng kiều bào Việt chiếm gần 1/2 tổng số kiều bào Việt trên khắp thế giới, với lượng kiều hối hàng năm gửi về cao nhất cả nước - tình hình COVID-19 tiếp tục ghi nhận những con số kỷ lục, trung bình mỗi ngày, quốc gia này có thêm 71.832 người nhiễm mới theo số liệu của trường đai học John Hopkins.
Giới chuyên gia nhìn nhận, doanh nghiệp của các kiều bào Việt cũng không tránh khỏi tác động từ dịch, dịch vụ trong cộng đồng người Việt cũng bị đóng cửa khá nhiều đồng nghĩa với lượng tiền gửi về cho bà con tại Việt Nam cũng sẽ thu hẹp lại.
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement