26/11/2020 15:52
Vực dậy cây 'vàng đen'
Hồ tiêu từng là cây trồng giúp hàng ngàn hộ dân tại miền Đông, Tây Nguyên trở thành tỷ phú, nhưng cũng chính cây này khiến những hộ dân ấy trắng tay.
Còn nhiều bất cập
Nguyên nhân chính được cho là do dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa gió, hạn hán liên tục xảy ra trên diện rộng, giá cả biến động không ổn định, năng suất và chất lượng hồ tiêu chưa cao, thiếu tính an toàn, sức cạnh tranh trên thị trường kém, giá trị xuất khẩu thấp. Việc bón quá nhiều phân hóa học, sử dụng thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu bệnh không hợp lý làm cho môi trường nước, đất có nguy cơ ngày càng bị ô nhiễm.
Nhằm “cứu” cây trồng tỷ đô này, mấy năm nay, Bộ NN-PTNT nói riêng và nhà nước nói chung, đã có nhiều giải pháp, quan tâm thiết thực. Năm 2018, Cục Bảo vệ Thực vật đã triển khai dự án “Mô hình liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn” tại 6 tỉnh khu vực miền Đông, Tây Nguyên là Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai, BR-VT, Đắk Lắk, Đắk Nông. Dự án kéo dài 3 năm, quy mô hơn 420ha.
Mấy năm nay, người trồng hồ tiêu đối mặt nhiều khó khăn: năng suất thấp, sâu bệnh nhiều, giá giảm,... Ảnh: Hồng Thủy. |
Báo cáo tại hội nghị tổng kết Dự án, TS Bùi Xuân Phong, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ Thực vật cho rằng, thực trạng sản xuất hồ tiêu của các hộ nông dân vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên còn nhiều bất cập. Trong những năm giá tiêu cao, nông dân đầu tư thâm canh quá mức, nhiều vùng nông dân thiếu kinh nghiệm và kiến thức canh tác.
Dự án “Liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn” là một trong những kế hoạch dài hơi của Nhà nước nhằm góp phần vực dậy ngành hàng hồ tiêu, thay đổi tập quán canh tác truyền thống của người nông dân với nhiều bất cập tồn tại từ lâu.
Mục tiêu của dự án là xây dựng được mô hình liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững đạt tiêu chuẩn xuát khẩu đến các thị trường Mỹ, châu Âu, góp phần ổn định vùng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người trồng hồ tiêu.
Nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu, người nông dân lạm dụng thuốc BVTV, thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật. Ảnh: Hồng Thuỷ. |
Trong 3 năm thực hiện, dự án đã xây dựng 16 mô hình sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững, mỗi mô hình 5ha; 16 mô hình liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn giữa nông dân và doanh nghiệp, mỗi mô hình 20ha. Sản phẩm của các mô hình này đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính (EU, Mỹ, Úc). Ngoài ra, dự án đã tổ chức được các liên kết chuỗi giữa người trồng hồ tiêu và doanh nghiệp để xuất khẩu sản phẩm thuộc dự án.
Tổ chức đào tạo tập huấn cho khoảng trên 1.200 người tham gia thực hiện mô hình và nông dân ngoài mô hình nắm vững các bước thực hiện trong chế độ canh tác như lượng phân bón sử dụng, những đối tượng sinh vật gây hại, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học…
Tại hội nghị tổng kết, bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, một trong những tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhất khu vực miền Đông, cho biết: Do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, cung cấp dinh dưỡng cho cây tiêu cân đối giữa phân hữu cơ và phân vô cơ, phân bón lá, sử dụng các loại nấm đối kháng trong phòng trừ sâu bệnh hại, quản lý sâu bệnh hại tổng hợp, nên vườn tiêu tham gia dự án phát triển tốt hơn, lá đậm màu hơn, chiều dài chuỗi bông dài hơn, tỷ lệ đậu trái cao hơn so với các vườn canh tác truyền thống, năng suất đạt cao hơn so với sản xuất đại trà.
Một lợi ích lớn đối với người nông dân tham gia dự án là được tiếp cận kỹ thuật chăm sóc cây hồ tiêu theo hướng bền vững, an toàn, sử dụng thuốc sinh học, phân bón hữu cơ để tăng sức đề kháng cho cây trồng, hạn chế sâu bệnh hại đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu. Đầu ra sản phẩm được Công ty Gia vị Nedspice Việt Nam thu mua toàn bộ.
Hiệu quả cao
Mục tiêu mô hình chứng minh cho nông dân thấy được việc thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật; khi tham gia nhóm liên kết nông dân được tập huấn và thực hành trực tiếp quy trình sản xuất hồ tiêu an toàn bền vững, biết cách hạch toán kinh tế trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; sản phẩm hồ tiêu đủ điều kiện xuất khẩu, tăng thu nhập cho người trồng hồ tiêu. Từ đó tuyên truyền và nhân rộng diện tích áp dụng cho các vùng sản xuất hồ tiêu trong vùng và cả nước.
Dự án “Mô hình liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn” do Cụ BVTV, Bộ NN-PTNT chủ trì là một trong những giải pháp nhằm vực dậy ngành hàng hồ tiêu. Ảnh: Hồng Thủy.. |
Trong 3 năm, dự án lựa chọn được 320 hộ tham gia thực hiện mô hình. Các điểm mô hình đều nằm trong vùng quy hoạch, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết, nhiệt độ, đặc điểm sinh thái của cây hồ tiêu; các vườn hồ tiêu đang trồng các giống hồ tiêu phổ biến như: Vĩnh Linh, Tiêu Sẻ, Sri Lanka…
Các vườn tiêu được chọn đang thời kỳ kinh doanh cho năng suất ổn định trong những vụ thu hoạch trước; không bị nhiễm nặng sâu bệnh như: bệnh chết nhanh, chết chậm… đảm bảo các yêu cầu: ruộng vườn tập trung, liền khoảnh, có sẵn hệ thống tưới hoặc nguồn nước tưới, thuận tiện đường giao thông, nằm ở vị trí thuận lợi cho việc tuyên truyền quảng bá, nhân rộng mô hình…
Cán bộ địa phương năng động, nhiệt tình đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nông dân thống nhất cao các nội dung của mô hình đã được phổ biến để áp dụng vào sản xuất.
Kết quả dự án cho thấy, hầu hết tại các điểm xây dựng mô hình cây tiêu sinh trưởng, phát triển tốt hơn, chiều dài chuỗi bông ở vườn mô hình dài hơn trung bình 0,3 cm; tỷ lệ đậu trái cao hơn, trung bình 84,6% (vườn đối chứng đạt 79%).
Do ở các vườn mô hình được áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật, cung cấp dinh dưỡng cho cây tiêu cân đối giữa phân hữu cơ và phân vô cơ, phân bón lá, sử dụng các loại nấm đối kháng trong phòng trừ sâu bệnh hại, quản lý sâu bệnh hại tổng hợp từ đó giúp vườn tiêu phát triển bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng hồ tiêu. Tất cả các mô hình đều cho năng suất cao hơn so với vườn canh tác theo phương thức truyền thống. Năng suất vườn mô hình tăng trung bình 7,3%.
Sau 3 năm triển khai, dự án đã đạt hiệu quả rất tốt, được người nông dân đánh giá cao. Ảnh: Hồng Thủy. |
Sản phẩm tiêu của các mô hình đều đảm bảo chất lượng do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật về bón phân và sử dụng thuốc BVTV hóa học nên được ưu đãi về giá, người nông dân tham gia nhóm liên kết yên tâm sản xuất và không lo bị tiểu thương ép giá. Sản lượng hồ tiêu đã được liên kết tiêu thụ trong năm 2018 đạt 295 tấn, năm 2019 đạt 500 tấn, năm 2020 ước đạt gần 500 tấn.
Ngoài việc được hỗ trợ vốn đầu tư, người nông dân còn được tập huấn kỹ thuật, thực hành trực tiếp quy trình sản xuất hồ tiêu an toàn bền vững, biết cách hạch toán kinh tế trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hình thành mối liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu đạt yêu cầu của doanh nghiệp thu mua, góp phần nâng cao chất lượng hồ tiêu xuất khẩu, ổn định vùng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người trồng hồ tiêu.
Tại hội nghị tổng kết sáng 26/11, nhiều hộ nông dân các tỉnh về dự đều đánh giá cao về hiệu quả mô hình. Theo ghi nhận của các hộ thì việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo quy trình đã đem lại hiệu quả cao, chi phí đầu vào (phân bón, thuốc BVTV, nhân công...) đều giảm, vườn tiêu phát triển tốt, ít áp lực sâu bệnh hại, sản phẩm sạch hơn…
Tại các mô hình tham gia dự án, năng suất tăng trung bình từ 5,5% đến 13,3%/năm. Bên cạnh đó, lợi nhuận cũng tăng từ 1 - 4 triệu đồng mỗi ha. Lãi thuần đạt cao, trung bình từ 37,6 triệu đồng/ha năm 2018; 40,6 triệu đồng/ha năm 2019 và 90,9 triệu đồng/ha năm 2020 (do giá tiêu năm 2020 tăng).Hiệu quả vượt hơn so với mô hình đối chứng trung bình 14,8 triệu đồng/ha năm 2018, tương đương 64,6%; 15 triệu đồng/ha năm 2019, tương đương 59,1% và 25 triệu đồng/ha năm 2020, tương đương 38,4%. |
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement