02/08/2017 10:06
'Vua tôn' Hoa Sen đang gánh nợ chồng chất?
Hoa Sen đang phải đối mặt với gánh nặng nợ vay tài chính gấp tới 2,5 lần vốn chủ sở hữu, cùng với đó lợi nhuận có dấu hiệu lao dốc.
Báo cáo tài chính hợp nhất niên độ tài chính 2016-2017 đến 30/6 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) công bố mới đây đã cung cấp những thông tin không mấy tích cực, khi lợi nhuận sụt giảm, trong khi nợ vay tăng vọt.
Cụ thể, trong quý II, Hoa Sen đạt 7.230 tỷ đồng doanh thu, tăng tới 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Song giá vốn hàng bán tăng mạnh đã khiến lợi nhuận gộp trong kỳ của doanh nghiệp này chỉ đạt 1.091 tỷ đồng, giảm 22 tỷ so với cùng kỳ.
Trong kỳ, hàng loạt chi phí của tăng mạnh, đặc biệt là chi phí lãi vay lên tới 136 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ khiến kết quả lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất tôn này giảm 40%, chỉ còn 271 tỷ đồng.
Dù vậy, tính trong 3 quý theo niên độ báo cáo của Hoa Sen, doanh thu của doanh nghiệp này vẫn tăng 49%, đạt 19.210 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng gần 8%, ước đạt 1.127 tỷ đồng.
Điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo tài chính lần này là khoản nợ phải trả tăng mạnh hơn 4.200 tỷ đồng tại doanh nghiệp.
Theo đó, từ đầu kỳ 1/10/2016 đến 30/6/2017, tổng nợ phải trả của Hoa Sen đã tăng từ 8.180 tỷ đồng lên mức 12.450 tỷ đồng, trong đó tới 8.068 tỷ đồng là nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn cùng hơn 2.760 nợ vay và thuê tài chính dài hạn. Như vậy, cả nợ vay, thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn tại Hoa Sen đã tăng hơn 87% so với đầu kỳ, xấp xỉ 11.000 tỷ đồng.
Tính đến hết 30/6, hệ số nợ của Hoa Sen đang ở mức rất cao, khi nợ phải trả gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Riêng nợ vay tài chính tại doanh nghiệp đã gấp hơn 3 lần vốn đầu tư của chủ sở hữu là 3.500 tỷ đồng.
Khoản vay và nợ thuê tài chính tăng mạnh trong kỳ cũng là nguyên nhân khiến chi phí lãi phải trả của Hoa Sen tăng mạnh, lên tới 330 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ.
Trong số 8.068 tỷ đồng vay và thuê tài chính ngắn hạn sẽ đến hạn trả trong vòng 12 tháng tới, 96% là vay từ ngân hàng.
VietinBank, Vietcombank, MBBank, Agribank… đang là chủ nợ tại Hoa Sen. Giá trị các khoản vay ngắn hạn tăng gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm, từ 3.954 tỷ đồng lên 7.745 tỷ đồng.
VietinBank là chủ nợ lớn nhất, với hàng loạt khoản cho vay tổng giá trị lên tới 6.894 tỷ đồng, chiếm 66% tổng nợ vay ngân hàng tại doanh nghiệp sản xuất tôn này. Hầu hết khoản vay đều được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, máy móc thiết bị hoặc hàng tồn kho…
Vietcombank với tổng dư nợ cho vay 2.619 tỷ đồng, MBBank với 232 tỷ đồng cho vay…
Tăng vốn cho hoạt động đầu tư, lượng tiền mặt của Hoa Sen cũng giảm từ mức 577 tỷ đồng xuống còn 242 tỷ đồng hiện tại.
Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức đầu năm, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen, cho biết Hoa Sen đang làm việc với tỉnh Ninh Thuận, trước tiên là làm cảng, khu công nghiệp, sau đó mới làm dự án thép.
Ông Vũ thông báo hồ sơ về dự án thép của Hoa Sen với vốn đầu tư lên đến 10,6 tỷ USD tại vùng biển Cà Ná, Ninh Thuận đã được báo cáo ra Trung ương. Tuy nhiên, tháng 4 vừa qua, Thủ tướng đã có yêu cầu tạm dừng dự án thép Cà Ná, đề nghị tỉnh Ninh Thuận tính toán kỹ các vấn đề môi trường, nhu cầu thép trong nước cũng như tổng mức đầu tư dự án.
Ngoài ra, Hoa Sen cũng đang đầu tư dự án Nhà máy Hoa Sen Nghệ An cùng một số dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2017, như Nhà máy Hoa Sen Hà Nam, dự án Nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định…
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp