12/01/2018 11:41
Vựa mía lớn nhất ĐBSCL chết khô vì nhà máy ngưng hoạt động
Nếu tình trạng này kéo dài thêm khoảng 20 ngày thì cả vùng mía nguyên liệu hơn 5.520ha của tỉnh Trà Vinh xem như xóa sổ.
Được xem là vùng mía nguyên liệu lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, chưa bao giờ người trồng mía ở Trà Vinh kêu khổ như niên vụ thu hoạch mía 2017-2018. Gần 3 tháng nay, mía nguyên liệu không có nơi bán, hàng ngàn ha mía trổ cờ trắng, chết khô ngoài đồng.
Nếu tình trạng này kéo dài thêm khoảng 20 ngày thì cả vùng mía nguyên liệu hơn 5.520ha của tỉnh Trà Vinh xem như xóa sổ.
Huyện Trà Cú là nơi có diện tích trồng cây mía đường lớn nhất của tỉnh Trà Vinh, với gần 4.320ha của hơn 5.000 hộ dân chuyên sống bằng nghề trồng mía. Hàng năm, bước vào tháng 10, người dân bắt đầu thu hoạch và tập trung cao điểm nhất vào tháng 11 đến tháng 12 là kết thúc niên vụ trồng mía.
Nhưng ở vụ mía năm nay, đến thời điểm này, gần như toàn bộ diện tích mía của cả huyện Trà Cú vẫn không thu hoạch được. Nguyên nhân là do nhà máy của Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh chưa hoạt động vì còn đang phải cải tạo, nâng cấp công suất.
Nông dân Trà Vinh điêu đứng vì hàng ngàn hecta mía chết khô ngoài đồng, không ai mua. |
Nhà máy chưa hoạt động, không thu mua mía làm cho nông dân trồng mía như ngồi trên lửa vì cây mía cứ dần chết khô trên đồng. Bình quân 1ha mía nông dân phải đầu tư từ 80-90 triệu đồng cho chi phí mía giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động chăm sóc.. Không bán được là thiệt hại trắng tay, nông dân biết lấy tiền ở đâu để trả nợ vay ngân hàng, sinh nhai trọn năm để chờ đến niên vụ mía năm sau.
Ông Thạch Thanh, ấp Sóc Tro Dưới, xã An Quảng Hữu than thở, hàng năm 0,3ha mía gia đình đã thu hoạch và bán xong vào cuối tháng 10. Còn hiện nay, mía đã trở thành củi khô, mất trắng gần 30 triệu đồng tiền vốn và gia đình chưa biết phương kế gì để sinh sống.
Còn ông Thạch Ruộng, ấp Lưu Cừ 2, xã Lưu Nghiệp Anh cho biết, gia đình ông có 0,6ha mía nhưng đến giờ này đã trổ cờ trắng, khô hết toàn bộ lá, ruột cây mía bị sơ vì mất nước, cho thấy chữ đường đã giảm đi nhiều. Gia đình ông đã kêu thương lái bán mía với giá 40 triệu đồng/ha, rẻ hơn đến 50 triệu đồng so với giá mía đang được thương lái thu mua trên địa bàn các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ nhưng chẳng ai thèm mua.
Cùng cảnh ngộ, Bà Thạch Thị Dương, ấp Lưu Cừ 1, xã An Quảng Hữu vay ngân hàng số tiền 60 triệu đồng để đầu tư cho 1ha mía, hiện nay mía của gia đình đã thành củi khô.
"Đất trồng lúa, trồng rau màu thì thua vụ này còn gầy vụ khác. Nhưng đối với đất trồng mía muốn cải tạo lại phải tốn chi phí rất nhiều từ việc phá giồng mía, ban bỏ gốc và cũng chưa biết trồng cây gì cho thích hợp với điều kiện đất đai. Mất trắng vụ mía năm nay, gia đình 6 miệng ăn của tôi chỉ còn cách đi làm thuê kiếm sống", bà Dương nói.
Hiện nay, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú chưa thống kê được diện tích mía chết khô trên địa bàn toàn huyện. Nhưng qua phản ánh của rất nhiều nông dân và sự khảo sát của phóng viên thì diện tích trên địa bàn các xã, như Lưu Nghiệp Anh, An Quảng Hữu, Tân Sơn, Tập Sơn, Thị trấn Trà Cú mía khô lá, giảm chữ đường và chết khô trên đồng khoảng hơn 40%, tương đương gần 2.000ha.
Điều nông dân trồng mía ở Trà Vinh bức xúc nhất là nhà máy của Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh không hoạt động, nông dân phải tự cứu lấy mình nhưng khi thu hoạch mía chở sang nhà máy mía đường tại tỉnh SócTrăng, Hậu Giang đều bị từ chối thu mua. Theo phản ánh của nhiều nông dân, nguyên nhân do Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh có cổ phần tại các nhà máy mía đường này, muốn giữ lại nguồn nguyên liệu mía cho nhà máy khi cải tạo, nâng cấp xong đi hoạt động.
Ông Trần Ngọc Hiền, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh cho biết, từ tháng 6/2017 công ty tiến hành cải tạo và nâng công suất nhà máy lên 4.000 tấn mía/ngày, với vốn đầu tư khoảng hơn 200 tỉ đồng. Do, quá trình thi công cải tạo, nâng cấp gặp trở ngại về thời tiết, kỹ thuật nên tiến độ hoàn thành quá chậm.
Cụ thể hiện nay, 2 máy phát điện mới không đạt về chỉ số an toàn kỹ thuật, vẫn còn tiếp tục sửa chữa. Vì vậy, công ty không dám chắc về thời gian nhà máy sẽ đi vào hoạt động khi nào. Còn việc các nhà máy đường tại tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang không thu mua mía của nông dân Trà Vinh không phải do Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh tác động.
Lý do mà Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh đưa ra về việc tiến hành cải tạo, nâng cấp công suất gặp trở ngại nên kéo dài thời gian không hoạt động vẫn chưa thuyết phục được nông dân và trong giới kinh doanh ngành mía đường. Bởi lẽ, với công suất hoạt động của nhà máy mía đường tại thời điểm năm 2016 thì tổng lượng mía của cả tỉnh Trà Vinh vẫn chưa đáp ứng đủ so với công suất nhà máy.
Nông dân đặt câu hỏi, phải chăng vì giá đường thị trường hiện đang giảm thấp chưa tới 12.000 đồng/kg và vì một nguyên nhân nào khác nên Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh không sốt sắng đi vào hoạt động?
Nhà máy mía đường Trà Vinh chưa hoạt động, hàng ngàn hecta mía dần chết khô từng ngày trên đồng. Nông dân trồng mía điêu đứng, kêu khổ vì cuộc sống gia đình cả năm trời chỉ trông vào cây mía. Hiện tại để cứu lấy nông dân không thể trông chờ vào Nhà máy mía đường Trà Vinh mà chỉ có phương cách duy nhất là sự vào cuộc lãnh đạo huyện Trà Cú và tỉnh Trà Vinh.
Ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Trà Cú cho biết, trước mắt huyện sẽ cử cán bộ sang Nhà máy mía đường Sóc Trăng và cả Hậu Giang để liên hệ nhờ hỗ trợ thu mua mía cho nông dân. Hy vọng rằng, các nhà máy mía đường này sẽ sẵn lòng chia sẻ cùng nông dân trồng mía Trà Vinh trong lúc khó khăn này.
Mặt khác, UBND huyện sẽ gặp gỡ với Ban Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh để nắm rõ tình hình cải tạo, nâng cấp nhà máy và tìm giải pháp tốt nhất để giúp nông dân tránh khỏi một vụ mía trắng tay.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp