Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Vụ VN Pharma: Bộ Y tế khẳng định thẩm định thuốc đúng quy trình là vô cảm, thiếu trách nhiệm

Vĩ mô

31/08/2017 10:32

Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, Bộ Y tế, Cục Quản lý dược phải chịu trách nhiệm về việc cấp phép cho những lô thuốc kém chất lượng vào các bệnh viện, việc Bộ Y tế khẳng định đã làm đúng thủ tục, quy trình là cách trả lời thiếu trách nhiệm và vô cảm với chính hành động của mình.

Liên quan vụ bê bối tại Công tydược VN Pharma, trong sáng 29/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, ngày 16/10/2013, Cục Quản lý dược nhận được đơn hàng số 225/ĐH/VNP-XNK của Cty Cổ phần VN Pharma đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc H-Capita 500mg Caplet do Cty Helix Pharmaceutiacals Inc, Canada sản xuất.

Việc thẩm định được thực hiện theo đúng quy định, đúng trình tự, thủ tục, đúng quy chế hoạt động của tổ thẩm định. Ngày 30/12/2013, Cục Quản lý dược đồng ý cấp phép nhập khẩu thuốc trên. Việc cấp phép hoàn toàn đúng quy định hiện hành, không có ưu ái.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định việc thẩm định được thực hiện theo đúng quy định, đúng trình tự, thủ tục, đúng quy chế hoạt động của tổ thẩm định.( Ảnh Sức khỏe & Đời sống)

Đến ngày 1/8/2014, sau khi cơ quan điều tra xác định những tài liệu được VN Pharma nộp kèm theo đơn hàng số 225/ĐH/VNP-XNK có vấn đề thì Cục Quản lý dược đã có công văn yêu cầu công ty tạm ngừng, không tiếp tục nhập khẩu và lưu hành thuốc trên. Bộ Y tế cũng chính thức khẳng định chưa có viên thuốc H-Capita được lọt ra thị trường, nhưng trên thực tế 7 loại thuốc của VN Pharma đã vào bệnh viện.

Liên quan vấn đề này, luật sư Nguyễn Thế Truyền – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc Bộ Y tế khẳng định đã làm đúng thủ tục, quy trình là cách trả lời thiếu trách nhiệm và vô cảm với chính hành động của mình.

Bởi trên cương vị là cơ quan quản lý hay một người “gác cổng” cho những loại dược chất vào Việt Nam, cụ thể ở đây Cục Quản lý dược phải hiểu rõ những đơn thuốc như thế nào, nhà máy ở đâu, theo tiêu chuẩn gì, được nhập vào Việt Nam cho thử lâm sàng như thế nào, thử nghiệm ra sao… tất cả những điều này đều được làm theo một quy trình rất nghiêm ngặt.

Tuy nhiên khi vụ việc được đưa ra xét xử thì VN Pharma không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, công ty sản xuất thuốc cũng không có trên thực tế, như vậy chức năng kiểm định của Bộ Y tế mà cụ thể là Cục Quản lý dược ở đây cần phải xem xét lại.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền khẳng định việc Bộ Y tế khẳng định đã làm đúng thủ tục, quy trình là cách trả lời thiếu trách nhiệm và vô cảm với chính hành động của mình.

“Rõ ràng trong vấn đề này, Bộ Y tế hay Cục Quản lý dược đều hiểu rằng liên quan đến thuốc là liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn rất cao. Có thể một giáo sư hay một chuyên viên đầu ngành bằng mắt thường không thể phát hiện ra ngay những vấn đề của hồ sơ, dược chất đó mà buộc phải có những thiết bị, móc móc hỗ trợ. Nhưng bản thân Cục Quản lý dược, Bộ Y tế hoàn toàn có thể làm được những điều ấy.

Ở đây trong quá trình kiểm định, cấp phép cho nhập vào thì Bộ Y tế, cụ thể là Cục Quản lý dược đã không làm hết trách nhiệm của mình. Dường như họ chỉ quan tâm đến việc đầy đủ thủ tục hành chính mà quên mất rằng chính những thủ tục đó lại đang để lại những hậu quả ghê gớm mà trực tiếp xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Người dân thì không thể nhận định được đâu là thuốc thật, thuốc giả, họ chỉ có thể tin tưởng vào bác sĩ kê đơn cũng như sự kiểm soát chất lượng của Cục Quản lý dược Bộ Y tế” - luật sư Nguyễn Thế Truyền khẳng định.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, Bộ Y tế, Cục quản lý dược phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Rõ ràng, quy trình thẩm định và cấp phép đang có vấn đề, còn cụ thể vấn đề ở đâu thì cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng. Cần xem xét vào từng đối tượng với những hành vi và hình thức sai phạm để có hình thức xử lý phù hợp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp những sai phạm chỉ phải chịu hình thức khiển trách hay chuyển công tác là rất thiếu thuyết phục.

“Trên phương diện pháp luật, tôi thấy đang có nhiều vấn đề: Thứ nhất là câu chuyện đặt ra các tiêu chuẩn với các hàng nhập khẩu đặc biệt là thuốc thì tiêu chuẩn đó cần phù hợp với cả thế giới. Thứ hai, trong cơ chế quản lý, chúng ta đang đặt nặng câu chuyện thành tích đối với từng cán bộ, chức vụ cụ thể khi đặt nặng câu chuyện giảm giá thuốc ở các bệnh viện để giảm áp lực cho người dân, tuy nhiên việc giảm giá thuốc dường như chỉ nằm trên giấy tờ còn thực tế chi phí chữa bệnh cho người dân đang tăng lên gấp nhiều lần.

Thứ ba, cần phải đặt ra một quy trình kiểm soát chặt chẽ từ lúc nhập vào cho tới lúc tới tay người tiêu dùng bởi đây chính là khâu lỏng lẻo nhất của chúng ta.

Cuối cùng, tôi cho rằng, bản thân các bệnh viện, các y bác sĩ phải tự cứu lấy chính mình để không phụ thuộc quá nhiều vào các cơ quan quản lý, ở đây có thể lập nên những hiệp hội, hội đồng y khoa để kiểm nghiệm và đưa ra những đánh giá chính xác nhất tham mưu cho cơ quan chức năng phù hợp với thực tế tại Việt Nam” - luật sư Nguyễn Thế Truyền phân tích thêm.

NGUYỄN HÀ - PHẠM DUNG (Lao động)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement