08/03/2022 14:13
Vụ kit xét nghiệm Việt Á: Bắt 2 sỹ quan cấp tá của Học viện Quân y
Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng vừa bắt giữ sĩ quan cấp tá thuộc Học viện Quân y do liên quan đến vụ Công ty Việt Á nâng giá kit xét nghiệm COVID-19.
Theo thông tin từ báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Trang bị, Vật tư (Học viện Quân y) đã bị bắt vào ngày 7/3.
Người thứ hai bị bắt là Thượng tá Hồ Anh Sơn, Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự (Học viện Quân y). Thượng tá Sơn là Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trước đó, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của cấp ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số cán bộ, lãnh đạo Học viện vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong quá trình đề xuất, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 phục vụ công tác phòng chống dịch và việc mua sắm vật tư, kit xét nghiệm từ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.
Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và thượng tá Hồ Anh Sơn tại buổi họp báo công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kit phát hiện SARS-CoV-2 do Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp thực hiện. |
Cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y còn có tướng Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy; Trung tướng Đỗ Quyết, Phó bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Uỷ viên Ban thường vụ Đảng ủy, Phó giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự; Thượng tá Hồ Anh Sơn, Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Chủ nhiệm đề tài; Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Trang bị, Vật tư và lãnh đạo, cán bộ một số đơn vị thuộc Học viện
Các cán bộ này chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và Học viện Quân y; đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Những vi phạm nêu trên cũng có trách nhiệm của Ban cán sự đảng, một số lãnh đạo và tổ chức, cá nhân ở Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, đang được cơ quan kiểm tra tiếp tục làm rõ.
Tóm tắt liên quan vụ Việt Á
Công ty Việt Á do ông Phan Quốc Việt thành lập năm 2007 với vốn đăng ký 80 triệu đồng. Tháng 4/2020, Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành kit test Covid-19 đầu tiên do Việt Nam sản xuất.
Về quá trình ra đời của bộ kit này, năm 2020 Học viện Quân y đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19. Công ty Việt Á tham gia cùng nhóm nghiên cứu từ những ngày đầu. Việc chuyển giao kit gần như đồng thời giữa nhóm nghiên cứu và đơn vị sản xuất để cùng nhau thẩm định kết quả, kịp cho việc sản xuất kit phục vụ phòng chống dịch. Việt Á cũng được Hội đồng tư vấn lựa chọn là đối tác nghiên cứu phát triển sản phẩm bởi đơn vị này có năng lực sản xuất kit test.
Ngày 10/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đồng loạt khám xét 16 địa điểm ở 8 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP HCM, Hải Dương, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Long An và Cần Thơ. Cảnh sát triệu tập, ghi lời khai trên 30 người liên quan.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, quá trình kinh doanh kit test Covid-19 do Việt Á sản xuất, Việt cùng các thuộc cấp đã "lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test để kinh doanh". Hơn nữa, kit test Covid-19 là sản phẩm thuộc danh mục được áp dụng "chỉ định thầu rút gọn" nên Việt đã chủ động cung ứng trước thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố để sử dụng.
Việt sau đó thông đồng với lãnh đạo CDC để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân là các công ty liên danh, công ty con để lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Việc này làm giá sản phẩm của Việt Á cao hơn nhiều so với thực tế, định giá ở mức 470.000 đồng/kit. Hành vi này bị đánh giá là "nâng khống giá", vi phạm quy định về đấu thầu.
Ngoài ra, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế với số lượng lớn và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán, Việt đã thỏa thuận chi số tiền lớn cho lãnh đạo nhiều đơn vị mua hàng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp