12/09/2019 17:38
Vụ đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy có bị xử lý hình sự?
Tối 11/9, trong trận bóng bù vòng 22 trên sân Hàng Đẫy đã xảy ra việc đốt pháo sáng khiến một fan nữ phải đi cấp cứu. Vậy trường hợp này sẽ bị xử lý thế nào?
Cổ động viên đốt pháo sáng, ban tổ chức bị phạt đến 70 triệu đồng
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP, chỉ có 4 loại pháo được phép sử dụng:
- Pháo hoa dùng để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép;
- Pháo hoa do cá nhân, tổ chức nước ngoài được cấp phép để dự thi bắn pháo hoa;
- Pháo hiệu dùng trong báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và quân sự;
- Pháo hoa lễ hội bằng giấy, các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng... dùng trong hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây nên tiếng ồn.
Như vậy, việc đốt pháo sáng trong sân bóng là hành vi không được phép. Ngoài bị tịch thu pháo thì cổ động viên mang pháo trái phép vào còn bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng (Căn cứ khoản 2 Điều 10 Nghị định số 167/2013 của Chính phủ).
Không chỉ vậy, tại khoản 2 Điều 68 Quyết định số 72/QĐ-LĐBĐVN ngày 05/3/2018 về kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2018 thì Ban tổ chức trận đấu để xảy ra sự việc đốt pháo nổ, thuốc pháo nổ có thể bị:
- Phạt tiền 20 triệu đồng nếu gây hoang mang, ảnh hưởng đến sức khỏe người khác;
- Phạt tiền từ 30 - 70 triệu đồng nếu vi phạm nhiều lần trong trận đấu, vi phạm liên tục, kế tiếp trong nhiều trận đấu;
- Phải thi đấu trên sân nhà không có khán giả hoặc rời đến sân trung gian nếu đã bị xử lý kỷ luật nhiều lần nhưng vẫn tái phạm.
Nếu lỗi do cổ động viên của đội khách gây ra thì đội khách cũng bị xử lý kỷ luật như trên.
Như vậy, với sự việc ngày hôm qua trên sân Hàng Đẫy, cổ động viên ném pháo sáng gây thương tích cho khán giả có thể bị phạt đến 2 triệu đồng; Ban tổ chức sân vận động và đội khách có thể bị phạt đến 70 triệu đồng.
Màn quậy phá của CĐV Nam Định tại Hàng Đẫy. |
Cổ động viên đốt pháo sáng có thể bị xử lý hình sự?
Theo thông tin ban đầu, vụ việc ngày hôm qua có 1 nữ khán giả phải nhập viện vì bị bỏng nặng, có thể phải thực hiện hai lần phẫu thuật và 1 cảnh sát cơ động cũng phải nhập viện sau khi trấn áp cổ động viên quá khích.
Có thể thấy, hành vi bắn pháo sáng trên sân bóng là hành vi vô cùngnguy hiểm, có khả năng gây thương tích cho rất nhiều người. Do đó, cổ động viên Nam Định có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với Tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án, chưa được xóa án tích mà vẫn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm;
Nếu có tình tiết tăng nặng như có tổ chức; dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc đình chệ hoạt động công cộng; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng... thì có thể bị phạt tù từ 2 - 7 năm.
Hiện vụ việc đang được điều tra và làm rõ thêm. Tuy nhiên, có thể thấy, việc dùng pháo sáng là hành vi cực kỳ nguy hiểm, gây mất an toàn công cộng. Bởi thế, cần phải xử lý nghiêm những ai vi phạm để chấm dứt ngay hành vi đốt pháo sáng trong sân.
(Nguồn: LuatVietNam)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp