13/01/2018 13:01
Vụ án Đinh La Thăng cùng đồng phạm: Trịnh Xuân Thanh sắp ra tòa trong một vụ án khác
Trong khi vụ án chưa khép lại thì sắp tới đây, Trịnh Xuân Thanh sẽ phải ra tòa trong vụ án “Tham ô tài sản” tại công ty PVP Land.
Ngày 24/1 tới, bị cáo Trịnh Xuân Thanh sẽ ra tòa trong vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại công ty CP bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) sẽ bị đưa ra xét xử.
Trong vụ án này, có 8 bị can bị truy tố về cùng tội Tham ô tài sản gồm: Trịnh Xuân Thanh (nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí - PVC); Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land); Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng giám đốc PVP Land); Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty CP Đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà); Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng giám đốc công ty CP đầu tư Vietsan); Lê Hòa Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty CP xây dựng và dịch vụ 1/5, công ty CP Minh Ngân); Nguyễn Thị Kim Thoa (nguyên kế toán trưởng công ty CP xây dựng và dịch vụ 1/5, công ty CP Minh Ngân) và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (kinh doanh tự do).
Trịnh Xuân Thanh tại tòa. Ảnh: TTXVN |
Liên quan đến vụ án còn có bị can Đặng Sỹ Hùng (SN 1975, nguyên Trưởng phòng kinh PVP Land). Nhưng Viện KSND Tối cao đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với ông Hùng do ông đã chết.
HĐXX sẽ gồm 5 người: 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. Thẩm phán Đặng Thị Thanh Huyền ngồi ghế chủ tọa. Tòa cũng bố trí 1 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân dự khuyết tham gia phiên tòa.
Hai kiểm sát viên: Phạm Đức Long và Nghiêm Ngọc Hương (VKSND TP Hà Nội) thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự tại phiên tòa. VKSND TP Hà Nội cũng bố trí thêm 1 kiểm sát viên dự khuyết tham dự phiên tòa.
Theo cáo trạng, từ tháng 3/2010, công ty CP dịnh vụ Xuyên Thái Bình Dương gồm 5 cổ đông sáng lập (trong đó PVP Land sở hữu hơn 12 ngàn cổ phần) đã thống nhất ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 24 triệu cổ phần sở hữu cho Lê Hòa Bình với giá 20.756,34 đồng/cổ phần tương đương 52 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza.
Sau khi ký hợp đồng đặt cọc, Lê Hòa Bình đã ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với từng cổ đông sáng lập của công ty Xuyên Thái Bình Dương.
Kết quả điều tra cho thấy, Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm đã có sự móc nối, chỉ đạo, thông đồng với Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa để thực hiện việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực tế đã đặt cọc 52 triệu đồng/m2 để lấy tiền chênh lệch, chia nhau chiếm đoạt.
Cáo trạng cho rằng, Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt được 14 tỷ đồng, Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt 5 tỷ, Đào Duy Phong 8 tỷ, Nguyễn Ngọc Sinh 2 tỷ, Đặng Sỹ Hùng 20 tỷ. Tổng cộng, các bị can đã chiếm đoạt được 49 tỷ đồng trong tổng số hơn 87 tỷ đồng tiền nhượng cổ phần.
Trong hành vi phạm tội này, Thanh là người có vai trò quyết định việc cho chuyển nhượng hơn 12 ngàn cổ phần và chỉ đạo Phong, Sinh thực hiện.
Phong, Sinh, Hùng biết rõ việc chuyển nhượng cổ phần với giá thấp hơn thực tế nhưng tích cực thực hiện để rút tiền chênh lệch, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Thắng, Hương, Duy là những người móc nối, tác động để Thanh, Phong, Sinh cho chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land, giúp sức cho các bị can này chiếm đoạt được tiền.
Các bị can Bình, Thoa biết rõ việc PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá thấp hơn giá thực tế mà Bình và Thoa đã mua, để các bị can khác trong vụ án rút tiền chênh lệch chia nhau chiếm đoạt, nhưng đã đồng tình thực hiện, chuyển 49 tỷ đồng trong số tiền ngoài hợp đồng cho các bị can để Thanh và các bị can khác chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Luật sư đề nghị tòa áp dụng tình tiết có lợi cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn
Trở lại vói phiên tranh luận sáng nay (13/1), luật sư Lê Đình Ứng, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Phó TGĐ PVN nêu quan điểm bào chữa. Trước đó, đại diện VKSND TP Hà Nội xác định ông Sơn vi phạm trong việc PVC được chỉ định thầu tại Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Ông Sơn cũng cho PVC ứng 1.312 tỷ đồng sai quy định dẫn đến thất thoát gần 120 tỷ đồng cho Nhà nước mà PVN là đại diện.
Vì vậy, kiểm sát viên đề nghị tòa tuyên phạt Nguyễn Xuân Sơn án 10 – 11 năm tù về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Toàn cảnh phiên tòa. Ảnh: TTXVN |
Ngoài ra, trong phiên xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), ông Sơn (từng giữ chức TGĐ OceanBank) đã bị tuyên án tử hình về các hành vi tham ô, chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái.
Tại tòa hôm nay (13/1), ông Ứng cho biết, giai đoạn lấy lời khai ông Sơn không mời luật sư vì cho rằng làm đúng quy định của PVN nên đã tự bào chữa cho mình. Sau đó, do sức khỏe không đảm bảo, thấy cần luật sư trình bày rõ cho mình trong vụ án, ông Sơn đã mời luật sư.
Ông Lê Đình Ứng nêu quan điểm: “Chủ trương xây dựng Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã được lập trước khi ông Sơn về PVN (trước đó ông Sơn công tác tại Ngân hàng TMCP Đại Dương – OceanBank), các tài liệu chứng cứ đã thể hiện rõ. Ông Đinh La Thăng, ông Phùng Đình Thực – nguyên TGĐ PVN cũng đã khai nhận rõ... như vậy ông Sơn không được tham gia đàm phán, phê duyệt dự án”.
Về việc này, luật sư khẳng định HĐTV, Chủ tịch HĐTV và TGĐ của PVN đã phân công cho Nguyễn Quốc Khánh – nguyên Phó TGĐ PVN phụ trách, hoàn thiện hợp đồng chuyển đổi từ hợp đồng EPC số 33 (để thực hiện dự án Thái Bình 2) sang hợp đồng 4194 (chuyển chủ đầu tư từ Cty con về PVN). Luật sư Lê Đình Ứng nói thêm, ông Nguyễn Xuân Sơn không được biết sai phạm tại hợp đồng EPC số 33 nói trên bởi trong ban chuyên theo dõi về điện, than không có bị cáo Sơn (ông Sơn phụ trách tài chính kế toán).
“Xuyên suốt các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ thì ngay trong bản cáo trạng cũng không hề có nội dung nào thể hiện bị cáo Sơn biết HĐ 33 có sai sót. Cũng không có nội dung nào về ai báo cáo với bị cáo Sơn việc sai sót này” - luật sư Ứng nêu.
Về việc cho PVC ứng tiền theo hợp đồng EPC số 33, luật sư Ứng khẳng định Ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do ông Vũ Hồng Chương làm Trưởng ban và có quy chế quản lý tài chính riêng. Ông Sơn không trực tiếp ứng tiền cho PVC, chỉ chuyển cho ban quản lý dự án.
“Căn cứ vào cuộc họp tại công trường ngày 3/6/2011, theo thông báo ý kiến của Chủ tịch HĐTV (ông Đinh La Thăng) đã có chỉ đạo ứng vốn cho PVC 10% nhưng hiệu lực hợp đồng 33 vẫn giữ như cũ… bị cáo Sơn thực hiện đúng theo nhiệm vụ được phân công” – luật sư nói.
Luật sư cũng cho rằng việc ông Sơn chuyển tiền từ PVN sang Thái Bình 2 thực chất là chuyển từ túi này sang túi kia, hoàn toàn theo quy chế tài chính của PVN và theo quy định hiện hành. Từ đó, luật sư Ứng xin HĐXX xem xét cho ông Sơn: “Việc truy tố ông Sơn về cố ý làm trái là không đúng, có chăng đây là sự thiếu trách nhiệm… Đề nghị tòa ap dụng hết các tình tiết có lợi để áp dụng cho bị cáo Sơn. Nên xem xét, ông Sơn trong quá trình điều tra đã thành khẩn khai báo, tạo điều kiện cho cơ quan điều tra nhanh chóng kết thúc vụ án, bản thân ông Sơn cũng rất ăn năn, hối cải… Mong tòa xem xét tổng thể, toàn cảnh vụ án trong bối cảnh cách đây 10 năm. Bị cáo Đinh La Thăng cũng chỉ mong muốn đẩy nhanh tiến độ nên thúc ép ông Sơn cũng như các cán bộ trong vụ án này”.
Luật sư sau đó đề nghị tòa trả hồ sơ vụ án
Mở đầu phần bào chữa cho bị cáo Lê Đình Mậu (cựu phó trưởng ban kế toán - kiểm toán PVN) và Ninh Văn Quỳnh (cựu kế toán trưởng PVN), luật sư Đỗ Ngọc Quang nói rằng "thực sự đau lòng vì những người có công lao đóng góp cả đời cho ngành dầu khí Việt Nam, khi đã già hoặc sắp về hưu thì phải đứng trước vành móng ngựa". "Có phải do họ quá nóng vội, quyết liệt? Nếu có lợi ích nhóm thì đề nghị VKS chỉ ra nhóm lợi ích có những ai", luật sư nêu câu hỏi và tự giải đáp rằng động cơ phạm tội của các bị cáo hoàn toàn không vì lợi ích nhóm, mà rất trong sáng.
Ông Quang cho rằng nhiều lời khai của các bị cáo tại phiên tòa đều thể hiện ông Đinh La Thăng ở thời điểm đó rất quyết liệt, làm cho bằng được nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Dẫn lại thông tin của một bị cáo khai ngày 13/5/2011, luật sư kể rằng Thăng từng gọi ông Khánh, Sơn tới mắng: Không triển khai thì biến đi, làm sao thì làm phải lo tiền cho PVC .
Luật sư Quang tiếp tục trích dẫn lời khai của bị cáo Sơn: "Sau khi anh Đinh La Thăng nói với tôi về việc lo tiền, tôi rất lo. Đối với tôi đó là mệnh lệnh phải làm. Luật sư cho rằng, dưới áp lực đó, ông Sơn đã chỉ đạo ông Quỳnh. Ông Quỳnh biết rõ hợp đồng 33 không đúng về pháp lý nhưng bị cấp trên dọa "không làm thì đứng sang một bên" nên vẫn phải tuân thủ.
Luật sư cho rằng số tiền 1.115 tỷ đồng mà PVC đã chi sai mục đích sau khi nhận được tạm ứng trên hiện đã thu được tới hơn 1.200 tỷ từ nhiều nguồn. "Vậy tại sao nhà chức trách sử dụng bản giám định tài chính để xác định kết quả thiệt hại?", ông nói và cho hay bản giám định của vụ án không ghi phương pháp giám định để xác định thiệt hại theo như quy định của pháp luật.
Luật sư sau đó đề nghị tòa trả hồ sơ vụ án.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp