22/07/2019 07:52
Vụ 2 cháu bé bị điện giật tử vong ở dự án đường Vành đai 2: Tạm dừng thi công để rà soát (bài 1)
Dự án đã trễ tiến độ 2 năm nhưng chủ đầu tư vẫn yêu cầu đơn vị thi công tạm dừng tất cả công việc để rà soát lại chuyện an toàn.
Dừng dự án
Ông Tô Như Thắng, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest (VPI) cho biết, nhà thầu thi công dự án đầu tư Xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa của Quốc lộ 1A nằm trong tổng thể của đường Vành đai 2, nơi để xảy ra điện giật khiến 2 cháu bé tử vong chiều ngày 20/7 là Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái.
Dự án đường Vành đai 2, đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa của Quốc lộ 1A vẫn đang rất nham nhở, dù đã trễ tiến độ 2 năm. Ảnh: Thuận Tiện. |
Công ty Bắc Ái là 1 trong 3 doanh nghiệp được UBND TP.HCM chỉ định thầu thực hiện dự án theo hình thức Hợp đồng BT vào cuối tháng 11/2015, theo Quyết định số 6318/QĐ-UBND. Cụ thể, liên danh này là Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư HNS Việt Nam (HNS)-Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest (VPI)-Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái.
“Công ty đã nắm được sự việc. Trước mắt, chủ đầu tư và đơn vị thi công cũng đã phối hợp với UBND quận Thủ Đức, UBND phường Tam Bình động viên, hỗ trợ gia đình lo hậu sự cho các cháu. Còn cháu ở bệnh viện, công ty cũng lo chạy chữa. Cụ thể hơn nữa thì đơn vị thi công sẽ làm việc với gia đình các nạn nhân để tiếp tục hỗ trợ”, ông Thắng nói.
Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest cho rằng, đây là chuyện không may. Do đó, đơn vị thi công sẽ rà soát lại toàn bộ công trình trên dự án này. Đoạn tuyến đầu tư Xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa của Quốc lộ 1A đi qua rất nhiều khu dân cư. Hằng ngày, bà con đi qua đi lại rất nhiều nên sau này phải hạn chế lại, làm ảnh hưởng đến an toàn trong quá trình thi công dự án.
“Chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thi công tạm dừng tất cả công việc để rà soát lại chuyện an toàn”, ông Thắng khẳng định.
Trả lời chúng tôi về chuyện, theo theo Quyết định số 6318/QĐ-UBND thì thời thực hiện công dự án đầu tư Xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa của Quốc lộ 1A nằm trong tổng thể của đường Vành đai 2 từ năm 2015 đến 2017, thế nhưng hiện nay dự án vẫn còn rất nham nhở, ông Thắng nói rằng do thiếu mặt bằng.
“Việc trễ tiến độ là do thiếu mặt bằng. Tiến độ phụ thuộc vào mặt bằng, mà mặt bằng là do UBND quận Thủ Đức chịu trách nhiệm giải tỏa, bồi thường. Quận Thủ Đức bàn giao mặt bằng tới đâu thì đơn vị thi công làm tới đó”, ông Thắng nói.
Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest cho biết thêm, dự án đầu tư Xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa của Quốc lộ 1A có 370 hộ dân nằm trong diện phải di dời.
Hiện tại, dự án còn vướng khoảng 70 hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù. Ngoài ra, có hơn 100 hộ dân khác đã nhận xong tiền đền bù, có quyết đinh di dời đến nơi ở mới nhưng vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Trước đó, như chúng tôi đã thông tin, khoảng 15h ngày 20/7, một nhóm gồm 5 cháu bé đang chơi đùa trên bãi đất thuộc khu vực thi công đường Vành đai 2, nối đường Phạm Văn Đồng với Gò Dưa nằm trên địa bàn phường Tam Bình, quận Thủ Đức.
Khi bé trai tên Châu (10 tuổi) chạy lại ụ đất trống bất ngờ bị điện giật nên kêu cứu, 2 bé khác cùng nhóm nghe tiếng kêu đã chạy lại cứu bạn thì bị giật cùng. Một bé trai cùng nhóm chứng kiến vụ việc đã chạy về báo người thân.
Khi mọi người đến hiện trường thì phát hiện bé Châu đã tử vong, hai bé còn lại bất tỉnh, được người nhà đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên một trong hai cháu bé cũng đã tử vong ở bệnh viện. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trả lời về cái chết thương tâm của 2 đứa trẻ ở công trường dự án đường Vành đai 2, nối đường Phạm Văn Đồng với Gò Dưa nằm trên địa bàn phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM, Công ty Điện lực Thủ Đức cho biết đã báo cáo Tổng công ty Điện lực TP.HCM về sự cố rò rỉ điện tại công trường dự án đường Vành đai 2. Công ty đã cắt điện và phối hợp với Công an quận Thủ Đức điều tra nguyên nhân.
Công ty Điện lực Thủ Đức cho rằng, trách nhiệm khi để xảy ra sự cố này là lỗi của đơn vị thi công chứ không phải của ngành điện. “Chúng tôi cấp điện cho công trường cũng giống như cấp điện kế cho nhà dân. Phía sau điện kế, đơn vị thi công kéo dây điện thắp sáng công trường thì phải đảm bảo an toàn”, đại diện Công ty Điện lực Thủ Đức nói.
Hiện trường nơi 2 cháu bé bị điện giật chết nằm trong công trường dự án đường Vành đai 2. |
Để thi công dự án, đơn vị thi công dựng văn phòng làm việc và lán trại cho công nhân sinh hoạt ở cạnh công trường và làm thủ tục lắp đặt một trạm biến thế để phục vụ thi công dự án, phát sáng công trình vào ban đêm.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Hữu Quyền, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, việc từ chối trách nhiệm của Công ty Điện lực Thủ Đức là quá vội vàng và cần điều tra, làm rõ nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan của từng bên.
“Để xét trách nhiệm, cần xác định nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc rò rỉ điện gây chết người và xem xét nghĩa vụ của từng bên trong quá trình truyền tải, sử dụng điện. Phải nhìn vào hợp đồng giữa đơn vị cung cấp điện và đơn vị thi công, đồng thời xem lại quy trình để xác định sai sót của bên nào dẫn đến cái chết của hai bé. Ví dụ đơn vị cung cấp điện phải đảm bảo yếu tố liên quan đến chất lượng và an toàn của đường dây truyền tải điện”, ông Quyền nói.
Luật sư Quyền cho biết thêm, đơn vị thi công và chủ đầu tư chắc chắn phải có trách nhiệm nhưng mức độ tới đâu cần chờ kết luận từ Cơ quan điều tra. Đây có thể là trách nhiệm liên đới giữa cả bên sử dụng và bên cung cấp điện, chưa hẳn là lỗi hoàn toàn của đơn vị thi công.
“Theo Luật Điện lực 2004, nghĩa vụ của đơn vị điện lực là phải bảo đảm lưới điện và các trang thiết bị truyền tải điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy. Do đó, bên điện lực vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới, còn trách nhiệm của đơn vị thi công là chắc chắn”, ông Quyền cho biết thêm.
Luật sư Quyền cho rằng, vụ việc gây tử vong tới 2 người nên khả năng cao sẽ được công an khởi tố vụ án, trừ trường hợp cơ quan điều tra xác định lỗi không thuộc về đơn vị nào. Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, pháp nhân thương mại cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong vụ việc này, Cơ quan công an vẫn cần xác định rõ lỗi thuộc về cá nhân nào mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự bởi theo luật, trường hợp này không thuộc diện truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.
Dự án án đầu tư Xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa của Quốc lộ 1A nằm trong tổng thể của đường Vành đai 2, nơi để xảy ra điện giật khiến 2 cháu bé tử vong chiều ngày 20/7. Đường Vành đai 2 có tổng chiều dài hơn 64km. Trong đó đã đầu tư xây dựng đưa vào khai thác 50,2km đoạn quốc lộ 1A từ nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức) đến An Lạc, đường Nguyễn Văn Linh và đường Vành đai phía Đông từ nút giao Khu A đến cầu Phú Hữu quận 9. Hiện tại, đường Vành đai 2 đang triển khai xây dựng đoạn 3 dài 2,75km. Các đoạn còn lại dài khoảng 11,15km đang gấp rút hoàn chỉnh các thủ tục để tiến hành đầu tư xây dựng. Tổng kinh phí hơn 16.000 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư hơn 10.000 tỷ đồng, kinh phí xây lắp khoảng 6.000 tỷ đồng. |
Vụ 2 cháu bé bị điện giật tử vong ở dự án đường Vành đai 2: Liên doanh Công ty HNS-Văn Phú Invest-Bắc Ái được chỉ định thầu ra sao (bài 2)
Liên doanh Công ty HNS-Văn Phú Invest-Bắc Ái được UBND TP.HCM chỉ định thầu dự án đường Vành đai 2, đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa của Quốc lộ 1A. Phần lớn vốn cho dự án là vốn vay của Vietcombank chi nhánh Thủ Thiêm và Ngân hàng TNHH Indovina chi nhánh Thiên Long.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp