07/04/2018 08:09
VTVcab chấm dứt kênh vì lùm xùm chuyện “chia tay” Q.net?
Việc thay thế toàn bộ kênh quốc tế của VTVcab khiến người trong cuộc đang đặt câu hỏi: điều này phá vỡ độc quyền hay đơn giản chỉ là câu chuyện giá.
Mọi bức xúc của dư luận đang đổ dồn về VTVcab trong chuyện tự ý “cắt kênh” nhưng số liệu từ Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho thấy Nhà nước cấp phép cho 70 kênh truyền hình quốc tế được phát sóng vào Việt Nam, nhưng mới chỉ có 60 kênh đã được phát sóng.
Trong đó Q.net được cấp phép gần 30 kênh và đã phân phối 23 kênh trên thị trường Việt Nam. Còn lại 40 kênh nước ngoài do 9 đại lý phân phối khác cung cấp, mỗi đại lý phân phối một vài kênh, trong đó có Thảo Lê, BHD, Fox…
Việc thay thế toàn bộ kênh quốc tế của VTVcab bị dư luận kịch liệt phản đối nhưng được giới chuyên môn đánh giá là phá vỡ sự độc quyền trong phân phối nội dung các kênh truyền hình nước ngoài ở Việt Nam, song cũng có ý kiến cho rằng sự “chia tay” này bắt nguồn từ câu chuyện về giá. |
VTVcab nhận tiếng xấu để… phá vỡ thế độc quyền?
Cũng theo ICTNews, lâu nay, do quy định mỗi kênh truyền hình nước ngoài chỉ có duy nhất một đại lý được độc quyền phân phối tại Việt Nam, vì thế đại lý nào sở hữu kênh nào sẽ được chi phối giá thuê kênh đó.
Trong số 10 đại lý phân phối kênh truyền hình nước ngoài ở Việt Nam, Qnet được giới truyền hình ví như một “ông trùm” siêu quyền lực vì nắm giữ trong tay quyền phân phối tới 30 kênh (trong tổng số 70 kênh truyền hình được cấp phép), và hiện đã phân phối 23 kênh. Trên thực tế, Qnet bán bản quyền cả gói kênh, do đó những kênh mà Qnet phân phối nhà cung cấp truyền hình trả tiền nào cũng có như nhau. Điều này dẫn đến việc các nội dung kênh nước ngoài không có sự khác biệt.
Trước ngày 1/4/2018, Qnet phân phối kênh cho 10 hạ tầng truyền hình trả tiền, sau khi VTVcab và NextTV rút lui, hiện Qnet vẫn còn 8 khách hàng lớn SCTV, K , HTVC, MyTV, truyền hình FPT, MobiTV, VTC, HanoiCab. ICTnews dẫn lại một nguồn tin riêng bình luận, trong số 23 kênh Qnet đang phân phối, chỉ có khoảng 6-8 kênh là thuộc Top đầu thế giới, còn lại là các kênh cũng thuộc hạng trung bình.
Nguồn tin này cũng tiết lộ, vừa phân phối kênh, một số đại lý vừa được quyền trực tiếp khai thác quảng cáo trên các kênh nước ngoài mà đơn vị này nắm bản quyền. Có nghĩa là các nhà cung cấp truyền hình trả tiền, dù phải bỏ cả đống tiền để mua gói kênh quốc tế nhưng lại không được bán quảng cáo trên các kênh này, họ còn bị chính các đại lý cạnh tranh khai thác quảng cáo trên chính hạ tầng của mình. Do đó, dù có đông khán giả, rating của chương trình quốc tế có cao ngất ngưởng thì các doanh nghiệp truyền hình cũng không thu được tiền từ quảng cáo.
Có lẽ vì nghịch lý này mà một số doanh nghiệp truyền hình lớn đang tìm cách để đổi mới nội dung. Thêm vào đó, xu hướng hội tụ số buộc các đài truyền hình phải tìm cách đưa nội dung lên OTT để phục vụ nhu cầu “cá nhân hóa” của người xem truyền hình. Các đơn vị tiên phong cung cấp dịch vụ truyền hình trên OTT như: VTVcab, K , VTC, SCTV hiện tại đều cung cấp miễn phí quyền xem nội dung trên ứng dụng OTT cho thuê bao của mình.
Hay đơn thuần là câu chuyện giá cả
Bên cạnh thông tin VTVcab dừng hợp đồng Qnet để phá độc quyền phân phối kênh truyền hình quốc tế thì một luồng quan điểm cũng cho rằng Q.net và VTVcab ngừng hợp tác vì Q.net tăng giá.
Tuy nhiên, dù chưa có con số thống kê chính thức về số thuê bao truyền hình trả tiền năm 2017 nhưng năm 2015, Bộ TTTT công bố tại Việt Nam có khoảng 11 triệu thuê bao. Nếu căn cứ vào mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm như công bố của các doanh nghiệp thì đến nay con số này dao động khoảng 14 triệu thuê bao - một mảnh đất được cho là màu mỡ - trong bối cảnh ở Việt Nam có trên 10 doanh nghiệp tham gia mảng này. Đứng đầu là SCTV, tiếp đến là VTVcab, VTC, HTVC, Hanoicab, VNPT, Viettel (NextTV), K , FPT…
Theo nhiều chuyên gia lĩnh vực này, điều đáng nói là dù số lượng thuê bao vẫn tăng khá đều nhưng doanh thu lại chững, thậm chí thụt lùi. Con số chưa chính thức là tổng doanh thu của thị trường truyền hình trả tiền năm 2017 chưa đạt 8.000 tỉ trong khi năm 2016, số lượng thuê bao hơn 12 triệu nhưng doanh thu lên đến 12.000 tỉ đồng.
Lý giải cho câu chuyện ngược đời này, đầu tiên là câu chuyện cạnh tranh lẫn nhau khi hàng loạt doanh nghiệp tung ra các gói khuyến mại quá thấp. Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thành Chung - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cũng thừa nhận các nhà mạng kinh doanh ở lĩnh vực truyền hình hiện nay đang gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh. Nội dung các gói dịch vụ họ đưa ra quá giống nhau. Vì thế họ chỉ còn biết cạnh tranh vào giá cả hay việc chăm sóc khách hàng. Cuộc đua về giảm giá cước, đã từng được ví như “cuộc đua” xuống… vực thẳm. Một số đài chấp nhận đầu tư nhưng thua lỗ, thậm chí đứng bên bờ phá sản, hoặc đổi chủ sở hữu.
Đơn cử như VTVcab - đơn vị chiếm khoảng 25% thị phần hiện nay (số liệu năm 2016, kém hơn so với SCTV khoảng 29% thị phần). Những con số về kinh doanh cho thấy, doanh thu hằng năm của VTVcab khá cao. Doanh thu của VTVcab giai đoạn 2014-2016 có tốc độ tăng trưởng thì ngược lại, lợi nhuận sau thuế Công ty giảm mạnh từ mức 126,5 tỉ năm 2014, 130,5 tỉ năm 2015 xuống còn hơn 76 tỉ đồng năm 2016 khiến tỉ suất lợi nhuận trên vốn chỉ còn 12%. Ngoài ra báo cáo tài chính trước thềm IPO của VTVcab cũng cho thấy đến cuối năm 2016, nợ phải trả của VTVcab vào khoảng 1.936 tỉ đồng, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu, trong đó nợ ngắn hạn là 1.329 tỉ đồng, chiếm 68,6% tổng nợ phải trả. Áp lực chi trả ngắn hạn của VTVcab không hề nhỏ, buộc doanh nghiệp này phải có một kế hoạch tái cơ cấu tài chính quyết liệt hơn sau khi cổ phần hóa để giảm thiểu rủi ro.
Thực tế, áp lực có thể kể đến chính là việc các công ty trung gian nắm đầu mối bản quyền và rất bị động, phụ thuộc vào những nhà phân phối.
Chẳng hạn trong câu chuyện VTVcab cắt hàng loạt kênh quen thuộc của khán giả như: HBO, CineMAX, RED, Cartoon Network, Disney Channel, CNN, BBC News…vừa qua thì ngoài yếu tố thay đổi chiến lược kinh doanh thì còn có câu chuyện là hợp đồng với nhà phân phối hết hạn, hai bên không thể tìm được tiếng nói chung. Điều đáng nói là nhà phân phối này lại đang giữ quyền của 23 kênh truyền hình nước ngoài vốn được khán giả VTVCab ưa thích như HBO, CineMAX, RED, AXN, WarnerTV, Fox Sports, Fox Sports 2, Cartoon Network, Disney Channel, CNN, BBC News… để phân phối cho hầu hết các đơn vị truyền hình trả tiền ở Việt Nam. Như vậy một đơn vị phân phối nắm giữ tới hơn 20 kênh, chi phối các đài, có thể đẩy giá lên cao dẫn đến độc quyền.
Cuộc “giằng co” giữa VTVcab với nhà phân phối kéo dài trong 3 tháng và cuối cùng là cuộc chia tay. Tất nhiên VTVcab buộc phải tìm những đối tác khác, với những kênh mới “dậy sóng” như đã biết. Yếu tố tích cực ở đây chính VTVcab đã chấp nhận cuộc chơi khắc nghiệt: Có thể mất một số lượng khán giả nhưng họ có quyền tự chủ trong việc định hướng phát triển mà không phải phụ thuộc vào một công ty trung gian chuyên phân phối.
Thứ hai là vấn đề giá bản quyền các chương trình truyền hình ngày càng cao. 4 năm trước, trước thềm World Cup 2014, theo nhiều nguồn tin, VTV đã phải chấp nhận xuống tay số tiền kỷ lục là 7 triệu USD. Năm nay, dù chỉ còn 2 tháng nữa là World Cup 2018 khởi tranh nhưng hầu hết chưa một đối tác nào lên tiếng về việc có được bản quyền World Cup.
Và cuối cùng lượng người xem trực tiếp qua TV, qua màn hình vi tính đã giảm rất sâu và chuyển qua hình thức xem khác cơ động và thuận tiện hơn. Trước tình hình này, các nhà đài sẽ phải làm gì?
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp