14/04/2017 02:36
Vốn nhà nước sẽ không thất thoát nếu bỏ bán thỏa thuận
Trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ có 137 doanh nghiệp phải cổ phần hóa (CPH). Số lượng doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu không lớn, nhưng theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), các quy định về CPH hiện hành giống như chiếc áo quá chật.
Tiến trình CPH đang chậm dần, thưa ông, liệu có phải do quy định về việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần không phù hợp?
Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư chiến lược ngoài năng lực tài chính còn phải cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp sau CPH về chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, cung ứng nguyên vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Nói chung, trách nhiệm của nhà đầu tư chiến lược rất lớn, nhưng không được bán cổ phần trong vòng 5 năm, tức là quyền của họ bị hạn chế so với nghĩa vụ phải thực hiện, nên không hấp dẫn.
Đã tìm ra nguyên nhân, nhưng vì sao Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP không tháo gỡ, mà vẫn quy định nhiều ràng buộc với nhà đầu tư chiến lược như không được bán cổ phần trong vòng 3 năm, không có lỗ lũy kế, phải có lãi 2 năm gần nhất…?
Cổ đông chiến lược được xác định như cổ đông sáng lập theo Luật Doanh nghiệp, họ có quyền như cổ đông sáng lập nên cũng phải có nghĩa vụ như cổ đông sáng lập. Doanh nghiệp CPH tìm cổ đông chiến lược là tìm đối tác gắn bó lợi ích lâu dài nên phải lựa chọn đối tác có tiềm lực tài chính bền vững trên cơ sở không có lỗ lũy kế, trong 2 năm gần nhất tính đến thời điểm mua cổ phần phải kinh doanh có lãi.
Chỉ những nhà đầu tư này mới có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển giao công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực tài chính; quản trị doanh nghiệp... Nếu không gắn bó lâu dài, tối thiểu là 3 năm, thì doanh nghiệp việc gì phải tìm nhà đầu tư chiến lược, mà cứ đấu giá cổ phần ra công chúng, ai trả giá cao thì sở hữu cổ phần, ai nắm đa số cổ phần thì nắm quyền điều hành doanh nghiệp.
Quy định nhà đầu tư chiến lược phải đặt cọc ngay 20% giá trị cổ phần đăng ký mua, thay vì 10% như hiện nay liệu có là rào cản hạn chế đối tượng này tham gia mua cổ phần?
Nhà đầu tư phổ thông phải đặt cọc 10% giá trị cổ phần đăng ký mua thì nhà đầu tư chiến lược đặt cọc 20% có thể nói là khá thấp, vì khi trúng đấu giá, nhà đầu tư chiến lược được coi là nhà đầu tư sáng lập, có nhiều quyền lợi hơn nhà đầu tư phổ thông thì nghĩa vụ cũng phải cao hơn.
Hơn nữa, số tiền đặt cọc chỉ là sự ràng buộc nhà đầu tư mua cổ phần khi trúng đấu giá, nếu trúng đấu giá mà không mua thì mất tiền đặt cọc, còn không trúng đấu giá thì được hoàn lại tiền, nên không hề hạn chế nhà đầu tư cả chiến lược lẫn phổ thông.
Một trong những điểm hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược là họ có thể mua thỏa thuận trước cuộc bán đấu giá công khai. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP bỏ quy định này liệu có giảm sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư chiến lược không?
Quy định hiện hành cho phép nhà đầu tư chiến lược được thỏa thuận trước khi bán đấu giá dễ dẫn tới thiếu minh bạch. Bán thỏa thuận có thể dẫn đến thất thoát vốn nhà nước.
Chính vì vậy, Dự thảo thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP quy định, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai, với giá bán không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai nếu chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia.
Còn nếu có từ 2 nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần trở lên thì thực hiện đấu giá giữa các nhà đầu tư với nhau sau khi bán đấu giá công khai, với giá khởi điểm là giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá.
Bỏ quy định bán thỏa thuận cho nhà đầu tư chiến lược sẽ chấm dứt được tình trạng thất thoát vốn nhà nước, vì thỏa thuận có thể dẫn tới tiêu cực nếu ban lãnh đạo doanh nghiệp chỉ muốn bán cho nhà đầu tư nào đó thì họ sẽ xây dựng các tiêu chí về nhà đầu tư chiến lược mà chỉ có duy nhất một nhà đầu tư đáp ứng được yêu cầu.
Quy định này không hề giảm sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư chiến lược, bởi trước khi tham gia mua cổ phần, họ được quyền vào doanh nghiệp để tìm hiểu, nghiên cứu về hoạt động sản xuất, kinh doanh; nhà xưởng, thiết bị, dây chuyền, máy móc; bộ máy quản lý, nhân công; thị trường; đối tác; tình hình tài chính, công nợ… Khi đã nắm rất chắc về tình hình của doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược sẽ đưa ra mức giá xứng với “đồng tiền bát gạo”.
Nhưng dù sao thắt chặt việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cũng là lực cản trong CPH giai đoạn tới?
Chỉ những doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, có ảnh hưởng lớn đến dân sinh, có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường như bán buôn gạo; đầu mối nhập khẩu xăng dầu; cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng… thì mới cần cổ đông chiến lược.
Còn tất cả doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác, những lĩnh vực mà Nhà nước không cần phải nắm giữ cổ phần, không nắm giữ cổ phần chi phối thì không cần nhà đầu tư chiến lược, cổ đông nào trả giá cao thì được mua, miễn là giải tỏa được nguồn vốn nhà nước. Vì vậy, việc đặt ra tiêu chí, điều kiện đối với nhà đầu tư chiến lược không hề cản trở tiến trình CPH.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp