23/12/2019 07:34
Vốn ngoại đừng chỉ nhận đơn thuần
Tính đến cuối tháng 11 năm 2019, tổng vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp Việt Nam là 11,2 tỷ USD, tăng 47% so với cùng kỳ 2018.
Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần có 2.092 lượt làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là hơn 6,8 tỷ USD, gần 6.500 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ, với giá trị gần 4,4 tỷ USD.
Những con số này cho thấy, xu hướng vốn ngoại chảy vào DN Việt Nam qua mua cổ phần, cổ phiếu ngày càng lan rộng. Vốn ngoại không chỉ tập trung vào khối các DN niêm yết, mà đã mở rộng không gian đầu tư vào hàng nghìn doanh nghiệp ngoài sàn.
Ảnh: Lê Toàn |
Chia sẻ với báo chí mới đây, chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) bày tỏ sự ngạc nhiên khi những năm gần đây dòng vốn ngoại chọn chảy nhiều hơn qua con đường đầu tư gián tiếp, mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng, các doanh nghiệp Việt mới ở thế thụ động nhận vốn và chưa tìm cách tận dụng các kết nối đa dạng từ chủ thể rót vốn để vươn xa hơn.
Một khoảng trống khác là Việt Nam thiếu các doanh nghiệp lớn, xác định rõ sứ mệnh vươn ra thị trường quốc tế.
Trong khi mọi đường phố, ngõ ngách tại Việt Nam đều có hàng ngoại, thương hiệu ngoại, thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn gần như vắng bóng trên thị trường quốc tế.
“Ở một số nơi như châu Phi, Mozambique, Angola…, người ta có thể cảm nhận về sự hiện diện của Viettel, nhưng sang các thị trường khác thì thật khó để nhìn thấy sự hiện diện của thương hiệu Việt”, chuyên gia WB chia sẻ.
Cũng liên quan đến vốn ngoại, trong góc nhìn của WB, vốn đầu tư trực tiếp tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng của Việt Nam, nhưng mới tập trung chủ yếu vào khu vực chế biến, chế tạo, điện tử… .
Vì thế, lợi ích lớn nhất mang lại cho nền kinh tế Việt Nam là ở việc tạo ra nhiều việc làm.
10 năm qua, khu vực FDI tạo ra trên 4 triệu việc làm, nhưng trong tương lai, khu vực kinh tế này có tiếp tục tạo ra việc làm mới hay không?
Sự phát triển của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo đang thay thế người lao động trực tiếp, tạo nên nguy cơ lao động đại trà, giá rẻ không còn là lợi thế của nền kinh tế.
“Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cũng như nền kinh tế cần vận động nhiều hơn, cần tìm đường vươn ra thị trường quốc tế, gắn mình với chuỗi sản xuất toàn cầu”, chuyên gia WB nói.
Năm 2020, độ mở của nền kinh tế Việt Nam sẽ tiến thêm một bước khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực thực thi.
Hàng hóa từ quốc tế sẽ dễ dàng được bán ở thị trường Việt Nam, nhưng ở chiều ngược lại còn là một khoảng trống.
Trên sàn, nhiều doanh nghiệp niêm yết trong nhiều ngành như ngân hàng (ACB, MBB, TCB, VPB), bán lẻ (PNJ), công nghệ (FPT), dược phẩm (IMP, TRA)…, đã có sự tham gia tối đa của dòng vốn ngoại, nhưng dường như mới có FPT định vị được sản phẩm của mình trên một số thị trường quốc tế, còn lại chưa có doanh nghiệp nào tận dụng sức mạnh đối tác ngoại để vươn ra ngoài lãnh thổ.
WB cho rằng, trong thập niên mới, Việt Nam có lợi thế trong thu hút vốn ngoại do hiếm có quốc gia nào trên thế giới hội tụ đủ các yếu tố hấp dẫn như nền kinh tế tăng trưởng cao, chính trị, xã hội ổn định, đang sở hữu cơ cấu dân số vàng với lực lượng chính là người trẻ…
Sẽ còn nhiều DN Việt Nam được đón nhận dòng vốn ngoại. Tuy nhiên, thay vì chỉ tập trung đàm phán về giá bán và cách sử dụng nguồn lực để phát triển trên “sân nhà, doanh nghiệp cần tìm cách tận dụng đối tác ngoại để vươn rộng không gian phát triển.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp