25/07/2021 10:14
Vốn hóa nhóm ngân hàng ‘bốc hơi’ gần 12 tỷ USD từ đầu tháng 7
Các cổ phiếu ngân hàng đã giảm 14-25% so với giá cuối tháng 6, kéo theo giá trị vốn hóa thị trường.
Từ đầu tháng 7, cổ phiếu ngân hàng đã trải qua 3 tuần giá đi xuống, nhiều mã giảm 14-20%. Vốn hóa thị trường của nhóm này cũng bị “thổi bay” gần 11,6 tỷ USD, tương đương mức giảm 14%, xuống còn 73 tỷ USD, tương đương gần 1,7 triệu tỷ đồng.
BVB của VietCapital Bank (UPCoM: BVB) là mã giảm giá mạnh nhất từ trong 3 tuần qua, với 24%, hiện ở mức 17.900 đồng/cp. Vốn hóa giảm từ 8.600 tỷ đồng xuống hơn 6.500 tỷ đồng. Xếp thứ hai, cổ phiếu LPB của LienVietPostBank (HoSE: LPB) giảm 21%, còn 23.600 đồng/cp, tương đương vốn hóa 25.361 tỷ đồng. CTG của VietinBank (HoSE: CTG) cũng là một trong ba mã giảm giá mạnh nhất, hơn 20% từ đầu tháng, xuống giá 32.500 đồng/cp. Vốn hóa mã này cũng mất hơn 40.000 tỷ đồng, còn 156.190 tỷ đồng
Một số cổ phiếu ngân hàng giảm trên 15% có thể điểm tới như VIB, KLB, SGB, VBB giảm 18-19%, BAB, VCB, NAB giảm 16-17%, BIDV giảm 15%...
Vốn hóa ngân hàng tính đến 23/7 và 30/6. Đơn vị: tỷ đồng, % |
Ở nhóm giảm giá ít nhất, MSB dẫn đầu chỉ giảm 5% so với đầu tháng. Vốn hóa hạ từ hơn 34.900 tỷ đồng xuống 33.076 tỷ đồng. Theo sau là STB của Sacombank (HoSE: STB) và TCB của Techcombank (HoSE: TCB) chỉ giảm 6%. Một số mã khác như ACB, OCB, SHB giảm 8%.
Với tốc độ giảm khác nhau của các cổ phiếu ngân hàng, bảng xếp hạng vốn hóa cũng có sự thay đổi. Trong top 10, VietinBank từ vị thứ hai tụt xuống vị trí thứ 4, trong khi Techcombank vượt qua VietinBank và BIDV để vươn lên thứ hai, chỉ sau Vietcombank.
Sacombank cũng vượt qua HDBank và SHB để vào top 10 và giữ vị trí thứ 9 và đẩy SHB khỏi nhóm. Trong phiên 23/7, STB là một trong ba cổ phiếu tăng giá trong nhóm ngân hàng với biên độ lớn nhất và đang có vốn hóa 51.764 tỷ đồng. Cổ phiếu này cũng là mã được khối ngoại mua ròng lớn nhất trong nhóm từ đầu tháng 7 với gần 36 triệu đơn vị. Hay với MBB, khối ngoại cũng mua ròng hơn 23,3 triệu cổ phiếu từ đầu tháng 7, khi thị giá giảm gần hơn 20%. Cổ phiếu HDB cũng được nhà đầu tư ngoại mua ròng hơn 6,2 triệu đơn vị, khi giá giảm 15%. Riêng mã MSB, được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 4,6 triệu đơn vị sau khi bán 12,4 triệu trong 3 phiên trước 20-22/7.
Trong nửa đầu năm, loạt ngân hàng đã báo cáo kết quả lợi nhuận khởi sắc với phần lớn tăng trên 40% như VPBank, OCB, TPBank... tăng 60-70% như ACB, Techcombank. Một số đơn vị đột biến tăng 4-5 lần như Kienlongbank, NCB, VietCapital Bank.
Tăng dư địa tín dụng trên nền lãi suất giảm
Diễn biến giảm giá của cổ phiếu ngân hàng nguyên nhân một phần đến từ tác động của dịch bệnh tại Việt Nam, phần khác đến từ những lo ngại khi ngân hàng phải hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng sẽ làm ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Vừa qua, các nhà băng đồng loạt thông báo hạ lãi suất, hưởng ứng lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước. Một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, MB, ACB, HDBank, Sacombank, TPBank và VietCapital Bank… giảm lãi suất cho vay ít nhất 1%/năm từ 15/7, cho các khách hàng bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh. Trong khi đó, lãi suất huy động không thay đổi và được kỳ vọng sẽ đi ngang trong ngắn hạn.
Tại buổi họp giữa Hiệp hội Ngân hàng và các thành viên, đại diện LienVietPostbank cho biết với tổng dư nợ của ngân hàng khoảng 191.000 tỷ đồng, nếu giảm lãi suất khoảng bình quân 1%/năm thì ngân hàng sẽ giảm lợi nhuận khoảng 600 tỷ đồng. Lãnh đạo của Sacombank cũng cho biết với tổng dư nợ đang vào khoảng 350.000 tỷ đồng, nếu lãi suất giảm 1% trong vòng 5 - 6 tháng thì lợi nhuận của ngân hàng cũng giảm trên nghìn tỷ đồng.
Đến cuối tháng 6, khoảng 9,6 triệu tỷ đồng được cung ứng ra nền kinh tế. TS. Cấn Văn Lực tính sơ lược nếu giảm 1% lãi suất trên tổng dư nợ hiện hữu là khoảng 9,6 triệu tỷ, thì các ngân hàng có thể bị ảnh hưởng là khoảng 96.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh hiện tại, khi lãi suất huy động khó có thể giảm thêm do không còn dư địa trước lo ngại tiền sẽ chảy mạnh sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các ngân hàng cũng phải rất cân nhắc trước quyết định giảm lãi suất cho vay.
Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực lưu ý, lợi nhuận những quý đầu năm 2021 hay cả năm 2020 của ngành ngân hàng chưa phán ánh đúng hiệu quả hoạt động. Vì những con số lợi nhuận này phần nào đến từ giãn, hoãn trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 01, Thông tư 03 và rất có thể nợ xấu sẽ tăng trong những tháng cuối năm 2021 do có độ trễ đặc thù trong hoạt động ngành này.
Ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và bù đắp bằng các nguồn thu khác. Ảnh: B.L |
Thực tế, các ngân hàng công bố chỉ giảm lãi suất cho toàn bộ dư nợ mà chỉ giảm đối với nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, tập trung ở các ngành sản xuất, du lịch, vận tải... Do đó, con số ảnh hưởng tới lợi nhuận sẽ nhỏ hơn so với ước tính.
Mặt khác, các ngân hàng cũng có kế hoạch ứng phó, bù đắp. Đơn cử, lãnh đạo Techcombank chia sẻ bù đắp bằng việc giảm chi phí huy động, tăng thu từ hoạt động phi tín dụng. Ngân hàng sẽ vẫn hoàn thành kế hoạch năm 2021.
Bên cạnh đó, NHNN đã chấp thuận việc tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 cho một số ngân hàng. Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng được nới thêm từ 2 – 6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống năm 2021 theo hạn mức mới khoảng 11%, cao hơn mức 9% theo hạn mức lần đầu.
Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI – SSI Research kỳ vọng NHNN sẽ nới hạn mức tín dụng thêm một lần nữa vào giai đoạn cuối quý III hoặc đầu quý IV năm nay. Cuối năm thường là thời gian sẽ tốc độ tăng tín dụng cao của các ngân hàng.
CTCK Pinetree cũng cho rằng tín dụng có thể tăng 12-13%, theo kịch bản của NHNN. Trong khi đó, Chứng khoán VNDirect tín dụng có thể tăng 13-14% trong năm nay. Đồng quan điểm, Chứng khoán ACBS cũng nhận định tăng trưởng cho vay có thể đạt 14% trong năm nay. Đối với các ngân hàng tư nhân, nhìn chung có hệ số an toàn vốn (CAR) cao hơn các ngân hàng quốc doanh nên các ngân hàng thường được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn. Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này có thể đạt 15-20%, cao hơn toàn ngành trong năm 2021.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, tín dụng ngân hàng tăng khoảng 10-15% là phù hợp. Dù kinh tế phục hồi nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro đang chờ đợi các ngân hàng trong thời gian tới. Tín dụng tuy khởi sắc, song chưa thể tăng trưởng cao trở lại.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp sau khi bùng phát lần thứ 4 sẽ khiến số lượng các doanh nghiệp gặp khó khăn tăng lên, qua đó ảnh hưởng đến nhu cầu vay cũng như chất lượng tín dụng.
Trong báo cáo của mới đây, Chứng khoán ACBS cho rằng lợi nhuận ngành ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục khả quan. Đơn vị này đưa ra 5 yếu tố thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng, Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục duy trì ở mức tương đối cao. Thứ hai, thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào và ổn định, giữ cho lãi suất huy động duy trì ở mức thấp. Thứ ba, ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng biên lãi thuần. Thứ tư, chi phí dự phòng tín dụng có thể giảm trong năm 2021. Cuối cùng là thu nhập ngoài lãi vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp