29/01/2020 08:28
Vốn FDI tăng về chất, giảm về lượng
Năm 2019, Việt Nam thu hút 3.833 dự án với số vốn đăng ký 16,75 tỷ USD, tăng 27,5% về số dự án nhưng giảm 6,8% về số vốn so với 2018.
Giảm gần 7%
Năm 2019, dòng vốn FDI vào tăng trưởng ổn định và tiếp tục góp phần chính cho thặng dư của cán cân tài chính và cán cân tổng thể, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối.
Trong năm 2019, Việt Nam thu hút 3.833 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 16,75 tỷ USD, tăng 27,5% về số dự án và giảm 6,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. |
Trong năm 2019, Việt Nam thu hút 3.833 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 16,75 tỷ USD, tăng 27,5% về số dự án và giảm 6,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 1.381 dự án đã được cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm 5,8 tỷ USD, giảm 33,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung, tổng số vốn đầu tư đăng ký mới và vốn tăng thêm đạt 22,55 tỷ USD. Mặc dù tổng vốn đăng ký giảm, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2018, bình quân mỗi quý đạt 5,1 tỷ USD.
Trong bối cảnh suy giảm chung của dòng FDI toàn cầu, lượng vốn FDI giải ngân với mức tăng trưởng như vậy là một tín hiệu đáng khích lệ. Tuy nhiên, đã có sự suy giảm trong tỷ lệ tăng vốn FDI thực hiện so với các năm trước.
Tỷ lệ tăng trưởng vốn FDI thực hiện các năm 2017 và 2018 lần lượt là 10,7% và 9,1%. Vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài không đáng kể, khoảng 540 triệu USD trong cả năm 2019. Kết quả là FDI thực hiện ròng đạt 19,84 tỷ USD trong năm 2019, tiếp tục góp phần chính cho thặng dự cán cân vốn tài chính.
Dòng vốn FDI tiếp tục hướng vào ngành chế biến chế tạo là chủ yếu với số vốn đăng ký đạt 17,47 tỷ USD, chiếm 77,47% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tổng vốn FDI đăng ký mới và đăng ký bổ sung vào lĩnh vực bất động sản đạt 1,13 tỷ USD, chiếm 5% tổng vốn đầu tư đăng ký, tổng vốn FDI vào các ngành còn lại đạt 3,95 tỷ USD, chiếm 17,53%.
Đầu tư nước ngoài theo hình thức góp vốn, mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Đầu tư theo hình thức này chiếm 17,2% tổng vốn đăng ký năm 2017, tăng lên 27,9% năm 2018 và lên đến 40,7% năm 2019. Năm 2019, tổng số tiền góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước tính khoảng 15,48 tỷ USD.
Trong đó, vốn đầu tư gián tiếp cũng chủ yếu đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 7,09 tỷ USD, chiếm 45,8% tổng giá trị góp vốn. Vốn đầu tư gián tiếp vào lĩnh vực bất động sản chiếm 17,8% và các ngành còn lại chiếm 36,4%.
Dòng vốn FDI vào ròng và dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) ròng tiếp tục hỗ trợ cho thặng dư cán cân tài chính trong năm 2019, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ để tăng doanh thu ngoại hối.
Trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước mua vào một lượng ngoại tệ khoảng 14 tỷ USD, khá nhiều so với lượng ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước đã bán ra trước đó (Ngân hàng Nhà nước đã bán ra ròng khoảng 3,7 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm 2018).
Tính đến cuối năm 2019, doanh thu ngoại hối ước đạt kỷ lục khoảng 80 tỷ USD, tương đương với hơn 15 tuần nhập khẩu. Mức dự trữ này đủ ở mức an toàn theo tiêu chí đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), là một chỉ báo khá tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô.
Không tạo ra áp lực lạm phát
Doanh thu ngoại hối gia tăng khá mạnh nhưng không tạo ra áp lực lạm phát trong năm 2019. Trước đây, khi dòng vốn quốc tế chảy vào gia tăng mạnh sau khi Việt Nam gia nhập WTO, hoạt động mua vào ngoại tệ đã góp phần tạo ra áp lực lạm phát do tính hiệu quả của hoạt động can thiệp trung hoà thấp.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng cách thức tiếp cận mới trong nghiệp vụ mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ, kèm với khả năng trung hòa lượng tiền trong lưu thông một cách linh hoạt.
Trước đây, giao dịch ngoại hối giao ngay là hình thức giao dịch chủ yếu trong nghiệp vụ mua vào ngoại tệ, nay giao dịch kỳ hạn với các ngân hàng thương mại được áp dụng khá linh hoạt (Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ kỳ hạn nhưng cho phép huỷ ngang hợp đồng), góp phần điều chỉnh thời điểm cũng như quy mô bơm tiền vào hệ thống.
Trong khi đó, khả năng hút tiền từ lưu thông về thông qua nghiệp vụ thị trường mở tốt hơn. Đây cũng có thể coi là một “bình thường mới” trong hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.
Doanh thu ngoại hối gia tăng khá mạnh nhưng không tạo ra áp lực lạm phát trong năm 2019. |
Diễn biến cán cân thanh toán Việt Nam và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô những năm gần đây, và rõ hơn cả là trong năm 2019, dường như là các chỉ báo cho thấy nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển “bình thường mới”.
Từ năm 2011 trở về trước, kinh tế Việt Nam được khắc họa rõ nét là một nền kinh tế đang phát triển, tăng trưởng khá nhanh trong nhiều năm, nguồn tiết kiệm trong nước không đủ cho đầu tư phát triển trong điều kiện thâm hụt ngân sách thường xuyên.
Chính vì vậy, cán cân thương mại và cán cân dịch vụ thường xuyên thâm hụt trong khi cán cân chuyển giao vãng lai một chiều không đủ bù đắp, kéo theo sự thâm hụt thường xuyên của cán cân vãng lai. Trong nhiều năm, sự thâm hụt của cán cân vãng lai hoàn toàn được bù đắp bằng nguồn vốn FDI và vốn vay nước ngoài.
Các diễn biến như vậy được xem là trải nghiệm “bình thường” của nền kinh tế đang phát triển khi ở giai đoạn đầu của chuyển đổi kinh tế, phản ánh rõ nét mối quan hệ giữa cán cân thanh toán và các tài khoản thu nhập quốc dân: (S-T) (T-G)=X-M.
Trong giai đoạn từ khi đổi mới đến năm 2011, nhiều năm cán cân thương mại của Việt Nam rơi vào tình trạng thâm hụt nặng nề, và khi đó Chính phủ Việt Nam phải áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để giảm bớt sự thâm hụt của cán cân thương mại, trong đó có chính sách tiền tệ và tài khoá kiểm soát chặt chẽ, giảm thâm hụt ngân sách, tăng cường tiết kiệm và đẩy mạnh hoạt động thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp