Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

VN-Index và những thách thức để vượt mốc 1.300 điểm

Chứng khoán

23/10/2024 07:55

Mặc dù khá nhiều dự đoán cho rằng, chỉ số VN-Index sẽ sớm chạm ngưỡng 1.300 điểm, thậm chí là trong tháng 10, nhưng diễn biến thực tế của thị trường đang là một thách thức rất lớn.

Mối liên hệ với TTCK Mỹ

Chứng khoán Việt Nam và thị trường Mỹ luôn có sợi dây liên kết chặt chẽ, thông qua trao đổi thương mại giữa hai nền kinh tế, chính sách tiền tệ giữa hai hệ thống ngân hàng trung ương, và tâm lý của hai thị trường chứng khoán. Theo thống kê của CTCK DSC, khi thị trường chứng khoán Mỹ đang ở trong xu hướng tăng trung và dài hạn, chỉ số VN-Index sẽ không điều chỉnh quá 15% so với mức đỉnh gần nhất.

Tuy nhiên, theo góc nhìn của ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC, sợi dây liên kết này là không hoàn hảo, một trong những lý do là bởi chu kỳ giữa hai nền kinh tế đang khác biệt.

Cụ thể, nền kinh tế Mỹ đang đứng trước nguy cơ suy thoái, nhưng trong môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng khi Fed bắt đầu hạ lãi suất điều hành từ ngày 17/09. Yếu tố kỳ vọng đang tạo ra sự khác biệt rõ nét và hàng loạt nhóm ngành truyền thống của Mỹ đã tăng trên 10% trong 30 phiên gần nhất, bao gồm: Tiêu dùng, Tài chính, Bất động sản, Công nghiệp…

Ngược lại, Việt Nam đã áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng ngay từ 2023 sau khi rủi ro lạm phát không còn là mối lo ngại lớn. Trong năm 2024, mặt bằng lãi suất (cụ thể là lãi suất liên ngân hàng) từ thời điểm cuối tháng 4 dù đã hạ nhiệt nhưng mức giảm là chưa đáng kể. Trong cùng khoảng thời gian đó, chính sách nới lỏng cũng đã giúp chỉ số VN-Index tăng 8%.

Trên thị trường chứng khoán toàn cầu, từ sau con sóng hồi phục hậu Covid - 2019, sự đồng pha của các chỉ số toàn cầu đã không còn hiện hữu.

"Trong khi Dow Jones và S&P500 liên tục lập mức đỉnh thời đại mới, thì chỉ cách đây 1 tháng các chỉ số của Trung Quốc như Shanghai Composite hay Hang Seng vẫn đang loay hoay ở mức đáy 10 năm. Do đó cũng không thể nói rằng vì S&P500 liên tục vượt đỉnh, mà VN-Index cũng cần phải có một đà tăng tương tự", ông Đạt cho biết.

Về vấn đề này, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCK VPBank cho rằng, vẫn có sự khác biệt giữa TTCK Mỹ và Việt Nam. Xét về mặt cơ cấu, TTCK Mỹ bị ảnh hưởng rất lớn bởi nhóm công nghệ, làn sóng AI đã kéo những cổ phiếu liên quan đến sản xuất chip tăng mạnh mẽ, qua đó kéo S&P 500 hay Nasdaq liên tục vượt đỉnh. Bên cạnh đó, câu chuyện bầu cử Mỹ dự kiến vào tháng 11 tới cũng khiến TTCK Mỹ tăng mạnh mẽ.

VN-Index và những thách thức để vượt mốc 1.300 điểm- Ảnh 1.

Trong một bài phỏng vấn, tỷ phú Mỹ Stanley Druckenmiller cho rằng, TTCK Mỹ có vẻ đang giao dịch để hướng tới chiến thắng của ông Donald Trump. Hiện tượng Trump Trade – tức là nhà đầu tư đang giao dịch hướng về chiến thắng ông Trump thể hiện rõ trong việc cổ phiếu ngân hàng và bitcoin tăng mạnh thời gian vừa qua.

Theo ông Sơn, trong giai đoạn vừa qua, các cổ phiếu liên quan đến sản xuất chip, công nghệ tăng rất tốt. Đây là sự khác biệt giữa cấu phần chỉ số S&P 500 và Việt Nam. TTCK Việt Nam đang chịu sự chi phối của nhóm vốn hóa lớn gồm ngân hàng, bất động sản và tài chính (chứng khoán). Trong 3 nhóm này, nhóm VN30 vượt đỉnh phần lớn nhờ ngân hàng, còn lại bất động sản đi xuống trong khi midcap điều chỉnh và đi ngang.

Cấu phần của 2 thị trường khác nhau đã cho 2 kết quả khác nhau. Trong thời gian vừa qua, trên thị trường chứng khoán Việt, dòng tiền tập trung mạnh vào nhóm ngân hàng nhưng chỉ số vẫn chưa vượt qua vùng 1.300 điểm.

"Gần đây, nhóm ngân hàng bắt đầu chững lại đã khiến thị trường chậm lại một chút, và chúng ta có thể phải xây dựng kịch bản thận trọng hơn. Bởi, theo dữ liệu của chúng tôi thì thanh khoản thị trường đã có dấu hiệu giảm sang tháng thứ 3 liên tiếp. Thị trường muốn vượt 1.300 điểm thì thanh khoản phải tăng và tăng rất mạnh, thường trung bình trên mốc 25.000 tỷ đồng, còn hiện tại đang khoảng 16.000 – 17.000 tỷ đồng", ông Sơn nhận định.

VN-Index vẫn thách thức với mốc 1.300 điểm

Thực tế trong thời gian từ cuối 2022 và đầu 2023, thời điểm mà chính sách tiền tệ của Việt Nam đảo chiều theo hướng nới lỏng thì thị trường chứng khoán trong nước đã thiết lập đáy dài hạn của đợt giảm giá lớn từ đầu năm 2022.

Tính đến thời điểm hiện tại, rất nhiều cổ phiếu ở các nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, công nghệ, hóa chất, phân bón, bán lẻ, vận tải, nhựa… đã có sự tăng giá rất mạnh, mức giá đã tăng từ 2 - 3 lần so với vùng đáy. Thậm chí, nhiều cổ phiếu đã vượt vùng đỉnh 2022 và hiện tại vẫn duy trì ở vùng giá cao.

Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư KimGroup cho rằng, nếu quan sát giá trị hiện tại của các chỉ số VnDiamond, VnFinlead hay VnFinselect, qua biểu đồ có thể thấy chỉ số VnDiamond đã vượt vùng đỉnh 2022, trong khi hai chỉ số VnFinlead và VnFinselect cũng đều tiệm cận vùng đỉnh 2022 . Điều này cho thấy bộ 3 chỉ số này đang ở vùng đỉnh tương đương với chỉ số VN-Index tại mốc 1.500 điểm thời điểm đầu năm 2022.

Các cổ phiếu trong rổ 3 chỉ số này chủ yếu là nhóm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và các cổ phiếu hàng đầu trên thị trường như FPT, PNJ, MWG, BMP. Thực tế, các nhóm này trong gần hai năm vừa qua đã có sự tăng giá rất mạnh do định giá rẻ cũng như có sự hồi phục và tăng trưởng mạnh về kết quả kinh doanh.

Trong khi đó, các chỉ số như VN-Index, VN30-Index hay VNMidcap chịu sự chi phối lớn của nhóm cổ phiếu bất động sản và nhóm cổ phiếu họ Vin như VIC, VHM, VRE, tuy nhiên, nhóm này thời gian vừa qua diễn biến rất "tệ" và đang nằm ở vùng giá rất sâu so với vùng đỉnh của năm 2022. 

Chính vì vậy, dù các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, chứng khoán và các nhóm khác có sự tăng giá mạnh nhưng sự đi xuống của nhóm bất động sản đã níu kéo chỉ số VN-Index ở vùng giá 1.300 điểm.

"Như vậy, xét về mặt định giá thì nhóm các cổ phiếu ngân hàng, tài chính… thuộc vào rổ 3 chỉ số nói trên đang ở vùng đỉnh lịch sử, thậm chí là lập đỉnh mới, do đó không còn đủ hấp dẫn dòng tiền. Trong khi đó, nhóm bất động sản chưa tìm thấy động lực tăng trưởng trở lại. Hệ quả là việc kỳ vọng dòng tiền tiếp tục kéo thị trường vượt qua vùng 1.300 điểm là tương đối xa vời ở thời điểm hiện tại", ông Trung nhấn mạnh.

Phân tích ở khía cạnh khác có thể thấy rằng, ngoại trừ số ít doanh nghiệp vẫn duy trì sự tăng trưởng bền vững đã nêu ở trên thì đa phần kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chỉ mới hồi phục từ nền kết quả kinh doanh thấp chứ không phải doanh nghiệp đang bước vào chu kỳ tăng trưởng bền vững, chưa kể nhiều doanh nghiệp khác vẫn chìm trong khó khăn. Việc giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp đang neo ở vùng đỉnh 2022 cho thấy giá cổ phiếu đang ứng trước kết quả kinh doanh quá xa và định giá không còn hấp dẫn ở hiện tại.

Theo thống kê của WiChart, kết quả kinh doanh quý II/2024 sau kiểm toán, lợi nhuận của nhóm phi tài chính từ chỗ tăng trưởng 26% so với cùng kỳ đã giảm mạnh về chỉ còn tăng trưởng 15%. Đây là con số giảm rất mạnh, đồng thời cho thấy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh còn rất nhiều vấn đề.

Về kết quả kinh doanh quý 3/2024, tính đến thời điểm hiện tại cho thấy vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp phi tài chính báo lỗ hoặc giảm mạnh so với cùng kỳ. Ngay cả nhóm chứng khoán, sau khi tăng trưởng dựa trên nền thấp thì kỳ này đã có sự tăng trưởng chậm lại, thậm chí một số cổ phiếu đã có sự sụt giảm kết quả kinh doanh so với cùng kỳ.

Một chỉ báo khác cũng cho thấy định giá của đa phần cổ phiếu hiện tại không còn rẻ đó là sự thờ ơ của dòng tiền lớn đối với nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 3 tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ, điển hình như một số cổ phiếu ngân hàng. Điều này cũng thêm phần khẳng định là giá cổ phiếu của đa phần nhóm ngành trên thị trường hoặc là đã phản ánh kết quả kinh doanh tích cực hoặc là đã tăng quá đà so với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Về xu hướng vận động thời gian tới của VN-Index, theo ông Nguyễn Thành Trung, chỉ số VN-Index còn tiếp tục điều chỉnh tích lũy trong biên độ hẹp 1.200 - 1.300 và không có khả năng hình thành xu hướng giảm giá mạnh trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang có sự đồng thuận nới lỏng trên thế giới.

"Thị trường cần thêm thời gian tích lũy để doanh nghiệp có thể phục hồi hoàn toàn tình hình sản xuất kinh doanh, nền kinh tế cần thời gian để tăng trưởng một cách thực chất hơn, từ đó mới có cơ sở hình thành một xu hướng tăng giá mạnh trong năm 2025. Tất nhiên, vẫn sẽ có số ít các cổ phiếu tiếp tục bứt phá đi lên do có sự tăng trưởng bền vững kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nhưng chừng đó là quá ít cho thị trường và chúng ta vẫn cần phải kiên nhẫn chờ đợi", ông Thành dự báo.

Trong khi đó, theo ông Trương Thái Đạt, về bức tranh kinh doanh quý 3/2024 và dự phóng kết quả kinh doanh cả năm 2024 của doanh nghiệp niêm yết, có thể thấy sự đột biến chưa xảy ra ở nhiều nhóm ngành quan trọng như sản xuất, bán lẻ, hay bất động sản. 

Thay vào đó, động lực thị trường chủ yếu đến từ câu chuyện kỳ vọng chu kỳ hồi phục, hay mức định giá rẻ ở một vài nhóm ngành riêng lẻ như Ngân hàng. Vì vậy cũng dễ hiểu khi thị trường chưa vội vàng tăng mạnh ở ngay trước thời điểm cận kề của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3.

"Có lẽ thời gian là yếu tố quan trọng nhất mà VN-Index đang thiếu để vượt qua mốc 1.300 điểm", ông Đạt nhấn mạnh.

HOÀNG ANH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement