23/05/2018 07:23
Vn-Index thủng mốc 1.000 điểm, nhà đầu tư có nên hoảng loạn?
Thanh khoản vẫn tiếp tục ở mức thấp, khối ngoại bán ròng mạnh đã khiến Vn-Index về dưới mốc 1.000 điểm, kéo theo nhà đầu tư nhỏ lẻ bán tháo cổ phiếu.
Chỉ còn 985 điểm
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/5, Vn-Index giảm tới 29,07 điểm xuống 985,91 điểm. Thị trường có 58 mã tăng giá, trong khi có tới 257 mã giảm giá và 26 mã đứng giá. Hnx-Index giảm 2,94 điểm xuống 116,72 điểm. HNX có 36 mã tăng giá, 132 mã giảm giá và 62 mã đứng giá.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục giảm sâu, thậm chí có nhiều mã giảm sàn. Trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 28 mã giảm giá và chỉ còn 1 mã tăng giá, 1 mã đứng giá. Chỉ số VN30 cũng giảm tới 38,26 điểm, tương ứng với mức giảm 3,84%.
Trong rổ VN30 có các mã giảm sàn như BVH giảm tới 6.300 đồng/cổ phiếu, HSG giảm 900 đồng/cổ phiếu, VIC giảm 8.000 đồng/cổ phiếu.
Thị trường chứng khoán đỏ rực. |
Các mã vốn hóa lớn khác mặc dù không giảm sàn nhưng cũng có mức giảm giá rất sâu như: VJC giảm 7.100 đồng/cổ phiếu, VNM và MSN đều giảm 4.000 đồng/cổ phiếu, SAB và ROS đều giảm 3.100 đồng/cổ phiếu, HPG giảm 2.700 đồng/cổ phiếu, GAS giảm 2.600 đồng/cổ phiếu, FPT giảm 1.300 đồng/cổ phiếu.
Mã cổ phiếu duy nhất tăng giá trong nhóm VN30 là BMP với mức tăng 1.300 đồng/cổ phiếu. BMP có thanh khoản khá thấp với hơn 535.000 cổ phiếu được khớp lệnh.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giảm rất sâu với BID giảm 2.200 đồng xuống mức giá sàn 29.300 đồng/cổ phiếu, HDB cũng giảm tới 2.100 đồng/cổ phiếu, VCB giảm 2.300 đồng/cổ phiếu và VPB giảm 2.000 đồng/cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng diễn biến tiêu cực theo xu hướng của thị trường chung. Nhiều mã cổ phiếu trong nhóm này còn giảm sàn như VND, CTS, AGR, VDS, VIX. Tương tự, SSI giảm tới 1.950 đồng/cổ phiếu, SHS giảm 1.300 đồng/cổ phiếu, VCI giảm 6.700 đồng/cổ phiếu, HCM giảm 4.000 đồng/cổ phiếu...
Thị trường giảm rất sâu, tuy nhiên thanh khoản thị trường vẫn không có gì cải thiện và tiếp tục duy trì ở mức thấp. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 251 triệu cổ phiếu, trị giá trên 6.100 tỷ đồng nhưng giao dịch thỏa thuận lại chiếm hơn 1.000 tỷ đồng.
Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng mạnh. Cụ thể, trên HOSE khối ngoại bán ròng tới hơn 9 triệu đơn vị, với giá trị bán ròng 611,98 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn bán ròng VIC với giá trị hơn 300,6 tỷ đồng, NVL hơn 47,5 tỷ đồng, VNM hơn 42,2 tỷ đồng.
Trước đó, ở phiên giao dịch ngày 21/5 cũng chứng kiến cảnh thiếu vắng lực đẩy của dòng tiền, thị trường chứng khoán rơi vào cảnh khó khăn khi Vn-Index giảm tới 25,56 điểm xuống 1.014,98 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 123 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị hơn 3.716 tỷ đồng. Thị trường có 105 mã tăng giá, trong khi có tới 182 mã giảm giá và 49 mã đứng giá.
Hnx-Index giảm 1,61 điểm xuống 119,66 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 35,1 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị hơn 523 tỷ đồng. HNX có 80 mã tăng giá, 56 mã đứng giá và 97 mã giảm giá.
Thị trường chứng khoán ở phiên giao dịch này vẫn chứng kiến kịch bản cũ như tuần giao dịch trước đó, nhà đầu tư nội thận trọng và khối ngoại bán ròng rất mạnh cổ phiếu cả về giá trị lẫn khối lượng trên cả 2 sàn.
Trên HOSE, khối ngoại đã bán ròng tới hơn 7,6 triệu đơn vị, với giá trị bán ròng đạt tới 415 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn tập trung bán ròng mạnh những mã cổ phiếu Bluechips và những mã trụ cột như VIC bị bán ròng tới gần 123 tỷ đồng, VRE trên 72,5 tỷ đồng, VNM trên 38,3 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại cũng bán ròng tới hơn 1 triệu đơn vị cổ phiếu, với giá trị bán ròng đạt tới 24 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh các mã như PVS với hơn 11,2 tỷ đồng, VNR hơn 14,2 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nên làm gì?
Chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng, trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng rất nóng. Với điểm số của Vn-Index vào cuối tháng 12/2017 là 968 điểm và thị trường đã đạt đỉnh vào 9/4 với 1204 điểm, tương đương với mức tăng trưởng trên 22 %.
Sau đó thị trường đã có một giai đoạn điều chỉnh mạnh mẽ với mức giảm điểm lên đến 175 điểm. Lần điều chỉnh này là một biến động mạnh của thị trường nhưng không phải là điều quá bất ngờ và đây là một sự điều chỉnh cần thiết để thị trường có thể có những tăng trưởng mới trong tương lai.
Theo ông Hoàng, thị trường chủ yếu có tốc độ tăng trưởng quá nhanh. Cụ thể là một nhóm cổ phiếu đã được định giá ở mức cao và mức định giá cao này đã đẩy thị trường đi lên. Ở một số cổ phiếu ngân hàng đã được định giá ở mức cao hơn so với mặt bằng chung tương đối nhiều. Thị trường được định giá cao hơn rất nhiều sẽ dẫn đến sự điều chỉnh mặt bằng chung.
“Lần biến động này là do chính nội tại của thị trường chứng khoán Việt Nam. Do đó, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vượt qua giai đoạn này rất nhanh. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải nhìn nhận còn những rủi ro từ bên ngoài, những yếu tố như địa chính trị, rủi ro do giá hàng hóa trên thị trường đều có thể dẫn đến tác động. Tuy nhiên ở thời điểm này thị trường đang giải quyết được vấn đề của tự thân và sẽ không mất nhiều thời gian”, ông Hoàng nói.
Nhà đầu tư nên bảo toàn danh mục đầu tư trong giai đoạn này. |
Chuyên gia kinh tế này cho biết thêm, thị trường chứng khoán đang trong một giai đoạn điều chỉnh nhưng cũng đang rất gần giai đoạn kết thúc của quá trình điều chỉnh. Sau lần điều chỉnh từ 1.200 điểm về mức khoảng 1.030 điểm trong giai đoạn từ đầu năm đến tháng 4. Cùng với đó các tiêu chí P/E đã giảm từ 21,4 lần về mức 18,8 lần. Như vậy những chỉ số định giá này đã rẻ hơn so với các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến nền tảng của thị trường như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, các yếu tố nền tảng cũng như trong bối cảnh Việt Nam đã có những câu chuyện riêng như việc đẩy mạnh cổ phần hóa, IPO và niêm yết mới trên sàn sẽ thúc đẩy thị trường tăng trưởng trở lại.
“Qua lần điều chỉnh này thị trường có thể có một giai đoạn bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá lại và đây chính là giai đoạn tốt để có thể duy trì một thị trường ổn định hơn cùng các yếu tố để đưa thị trường tiếp tục tăng”, ông Hoàng nói.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT-FPTS cho rằng, thanh khoản thị trường tiếp tục co hẹp cùng chuỗi bán ròng chưa thấy hồi kết của khối ngoại đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực hơn tới xu hướng chung của thị trường. Sự chững lại của tâm lý đã kéo dài trong thời gian khá lâu cũng là một trở ngại đối với khả năng duy trì của giai đoạn bình ổn kỹ thuật.
Việc các chỉ số thị trường lao dốc mạnh trong phiên giao dịch ngày 21/5 đã kích hoạt kịch bản bi quan hơn về khả năng Vn-Index sẽ lùi sâu về khu vực 950 điểm hoặc thấp hơn. Rủi ro xuất hiện bán tháo cũng đang trở lại khi nhiều Bluechips cũng đã vi phạm ngưỡng hỗ trợ dưới.
FPTS khuyến nghị hạn chế vị thế mua không chỉ dành cho các nhà đầu tư ngắn hạn mà các nhà đầu tư trung và dài hạn cũng nên cân nhắc giảm tỷ trọng, cơ cấu lại danh mục nếu cần thiết.
Tương tự, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội-SHS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn trong giai đoạn này và quan sát thị trường để có quyết định hợp lý. Nhà đầu tư dài hạn tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và có triển vọng tăng trưởng tích cực.
Công ty Chứng khoán Vietcombank-VCBS cũng phát đi thông tin: “Chúng tôi cho rằng ưu tiên trong thời điểm hiện tại nên là đảm bảo an toàn cho danh mục với tỷ trọng cổ phiếu ở mức hợp lý. Chỉ nên ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và triển vọng kinh doanh tích cực cho mục đính đầu tư dài hạn.
Phân tích kỹ thuật của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt-VCSC cho thấy, tín hiệu ngắn hạn của các chỉ số vẫn duy trì tiêu cực. Thậm chí Vn-Index và VN30 còn đóng cửa phía ngoài dải Bollinger cho thấy quán tính giảm của thị trường vẫn chưa kết thúc. Do vậy, nhiều khả năng ngưỡng hỗ trợ MA200 của Vn-Index tại 960 điểm của sẽ được kiểm định và sự giằng co mạnh giữa cung và cầu giá thấp sẽ tiếp tục diễn ra.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp