22/06/2018 17:50
Vn-Index tăng gần 14 điểm nhưng dòng tiền đổ vào thị trường rất bèo bọt
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hôm nay bứt phá mạnh đã giúp Vn-Index lấy lại đà tăng nhưng điều đáng lo ngại là dòng tiền chỉ đạt 3.300 tỷ đồng.
Đảo chiều
Trong phiên giao dịch sáng 22/6, sau khi bị đẩy xuống ngưỡng 960 điểm lúc mở cửa, Vn-Index đã hồi phục trở lại và đóng cửa trong sắc xanh nhưng sự dè dặt của dòng tiền khiến đà tăng không mạnh, thanh khoản sụt giảm mạnh so với phiên sáng trước đó.
Bước vào phiên giao dịch chiều, dòng tiền yếu đã khiến cả 2 chỉ số rung lắc mạnh. Trong đó Vn-Index lùi về gần tham chiếu, còn Hnx-Index chìm trong sắc đỏ. Về dần cuối phiên, lực cầu mạnh đã tích cực hơn, kéo cả 2 chỉ số tăng vọt trở lại và đóng cửa ở gần mức cao nhất ngày.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch 22/6 chỉ số Vn-Index tăng 13,77 điểm lên mức 983,17 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 132,35 triệu đơn vị, trị giá hơn 3.738 tỷ đồng. Thị trường có 170 mã tăng, 99 mã giảm.
Vn-Index đã mang sắc xanh nhưng dòng tiền đổ vào thị trường rất yếu. |
Hnx-Index cũng đóng cửa phiên giao dịch tại mức 111,98 điểm, tăng 25,82 điểm với khối lượng giao dịch đạt hơn 37,478 triệu đơn vị, giá trị hơn 623 tỷ đồng. HNX có 98 mã tăng, 73 mã giảm.
Dù đã lấy lại sắc xanh so với phiên giao dịch hôm qua nhưng thanh khoản thị trường hôm 22/6 vẫn ở mức thấp. Nhóm cố phiếu vốn hóa lớn hôm nay bứt phá mạnh đã giúp Vn-Index lấy lại đà tăng.
Cụ thể, trong nhóm VN30, các mã tăng mạnh là BVH tăng 4.000 đồng lên mức 85.000 đồng/cổ phiếu, DHG tăng 4.600 đồng lên mức 104.600 đồng/cổ phiếu, VNM tăng 8.000 đồng lên mức 178.000 đồng/cổ phiếu. Riêng STB tăng trần lên mức 15.900 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó ROS hôm nay tiếp tục giảm và đã chạm sàn với mức giảm 3.250 đồng xuống còn 43.250 đồng. Các mã khác trong nhóm này giảm là VIC, KDC, CII, CTD.
Ở nhóm ngân hàng hôm nay VCB tăng 1.700 đồng lên 58.700 đồng/cổ phiếu, VPB tăng mạnh nhất với mức 1.900 đồng lên mức 32.900 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, TCB giảm 200 đồng còn 95.000 đồng/cổ phiếu, VIB và BAB cũng giảm nhẹ.
Nhóm dịch vụ tài chính SSI đã lấy lại sắc xanh với mức tăng 700 đồng lên mức 31.600 đồng/cổ phiếu. Tăng mạnh nhất trong nhóm này là VCI tăng 2.800 đồng lên 85.800 đồng/cổ phiếu, TVB tăng 1.700 đồng lên 24.500 đồng/cổ phiếu. Một số mã giảm trong nhóm này là APG, API, ÁP, BVS, riêng PVI giảm sàn về mức 1.800 đồng/cổ phiếu.
Khối ngoại hôm nay tiếp tục mua ròng và tập trung chủ yếu ở các cổ phiếu có vốn hóa lớn. Trên HOSE, khối ngoại mua ròng hơn 2,7 triệu cổ phiếu với giá trị 175,78 tỷ đồng. Cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất là VNM trên 69,6 tỷ đồng. Tiếp theo là các mã HPG trên 46,26 tỷ đồng, VCB trên 21,3 tỷ đồng, SSI trên 19,7 tỷ đồng, DXG trên 12 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại bán ròng 669.315 đơn vị với giá trị 40,12 tỷ đồng. Còn sàn Upcom chỉ có 2 mã có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị là BSR với 1,2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,84% lên 18.100 đồng. AVF với 1,88 triệu đơn vị, đóng cửa tăng trần lên 600 đồng.
Thận trọng
Với tâm thái thận trọng, các nhà đầu tư châu Á đã kết thúc một tuần giao dịch đầy biến động ở ngày 22/6 khi nguy cơ chiến tranh thương mại phủ bóng mây lên các thị trường khu vực.
Thị trường chứng khoán châu Á bị ảnh hưởng bởi các cuộc chiến tranh thương mại. |
Trong bối cảnh việc Liên minh châu Âu (EU) áp thuế lên một số mặt hàng chủ chốt của Mỹ có hiệu lực, hiện có một số lo ngại rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ thực thi những lời đe dọa của họ. Điều đó đẩy ba nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một cuộc đối đầu khốc liệt.
Động thái của EU là nhằm trả đũa việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với nhôm và thép nhập từ khối này, và diễn ra sau khi Mỹ và Trung Quốc đe dọa sẽ ăn miếng trả miếng qua việc áp thuế lên tới hàng trăm tỷ USD đối với các sản phẩm và hàng hóa của nhau.
Diễn biến đó đã tác động tới thị trường quốc tế và làm dấy lên lo ngại kinh tế toàn cầu có thể bị mất đà phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tại thị trường chứng khoán Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,8% xuống 22.516,83 điểm. Thị trường chứng khoán Sydney mất 0,1%, còn chứng khoán Singapore sụt giảm 0,4%.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng trên thị trường Hong Kong tăng 0,15% lên 29.338,70 điểm nhưng ước mất 3,18% giá trị trong cả tuần này. Trong lúc chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,49% lên 2.889,76 điểm, nhưng mất khoảng 4,37% trong cả tuần này.
Thị trường chứng khoán Seoul tăng 0,8%, chứng khoán Manila và Bangkok cũng trong hướng đi lên, nhưng chứng khoán Wellington không đổi.
Mở cửa phiên sáng 22/6, các thị trường chứng khoán châu Âu hầu hết tăng điểm. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London tăng 0,2% lên 7.571,78 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giữ ở mức 12.507,72 điểm, còn chỉ số CAC 40 tại Paris nhích 0,3% lên 5.330,5 điểm.
Trên thị trường tiền tệ, đồng EUR tăng lên sau khi các bộ trưởng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu thông báo kết thúc cuộc khủng hoảng nợ kéo dài 8 năm của Hy Lạp, với việc giảm nợ và một khoản thanh toán tiền mặt lớn như là một phần của thỏa thuận thoát khỏi chương trình cứu trợ. Một đồng EUR trao tay ở mức 1,1633 USD = 1 euro so với 1,1607 USD trước đó.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp