Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Vn-Index mất hơn 41 điểm khiến 150.000 tỷ đồng “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán

Chứng khoán

03/07/2018 17:51

Vốn hóa thị trường đã bốc hơi khoảng 150.000 tỷ đồng, tương đương 6,5 tỷ USD ở phiên 3/7. Hiện tại, vốn hóa chỉ còn khoảng 162 tỷ USD.

Về mốc 900 điểm

Thị trường chứng khoán ngày 3/7 vừa mở cửa đã đón nhận tin vui khi MSCI công bố đợt tái cơ cấu danh mục rổ chỉ số MSCI Frontier Markets 100 thường niên. Sau đợt tái cơ cấu này, tỷ trọng của Việt Nam trong rổ danh mục trên tăng từ 14,7% lên 18,2% và có khả năng tăng lên 23,3% trong đợt tái cơ cấu sau.

Theo đó, thay đổi này sẽ làm tăng dòng tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối 2018 và đầu năm 2019 từ 487 triệu USD đến 1,4 tỷ USD.

Bất chấp thông tin tích cực này, thị trường chứng khoán trong nước vẫn giảm điểm, với mức giảm hơn 41 điểm, nhiều nhất ở một phiên giao dịch trong hơn 2 tháng qua. Bảng điện tử sàn HOSE rực lửa với số lượng mã giảm gấp gần 5 lần số mã tăng và sức mua hạn chế.

Khối ngoại bán ròng mạnh trên Upcom và HOSE.
Khối ngoại bán ròng mạnh trên Upcom và HOSE.

Đóng cửa phiên này với 248 mã giảm, 28 mã đưng giá và 63 mã tăng, Vn-Index giảm 41,14 điểm xuống 906,01 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 179,05 triệu đơn vị, tương đương 4.421,16 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thoả thuận đóng góp hơn 162 tỷ đồng.

Còn Hnx-Index giảm 3,97 điểm xuống 98,8 điểm. HNX có 42 mã tăng, 126 mã giảm và 52 mã đứng giá. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 619 tỷ đồng. Tương tự, Upcom-Index đã thủng mốc 50 điểm khi giảm 0,86 điểm về mức 49,98 điểm. Sàn Upcom có 63 mã tăng, 37 mã đứng giá nhưng có tới 105 mã giảm điểm.

Diễn biến trên thị trường ở phiên này cho thấy, áp lực bán dồn dập khiến các chỉ số đồng loạt giảm sâu. Trong đó, khối ngoại bán ròng gần 380 tỷ đồng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý giới đầu tư. 

Trên HOSE, khối ngoại sau phiên mua ròng hôm qua đã trở lại bán ròng hơn 12 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 357 tỷ đồng. VIC đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại với 223,71 tỷ đồng. Xếp tiếp theo lần lượt là CTG 68,06 tỷ đồng, BID 43,69 tỷ đồng, HPG 43,28 tỷ đồng, STB 22,68 tỷ đồng. Đóng cửa phiên giao dịch, cả 5 cổ phiếu đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại đều giảm sàn.

Sàn Upcom, khối ngoại cũng chấm dứt chuỗi 6 phiên mua ròng liên tiếp trước đó bằng cách bán ròng 1,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 11,6 tỷ đồng. Áp lực bán ròng tập trung chủ yếu ở BSR với 22,19 tỷ đồng. Đóng cửa phiên giao dịch, BSR giảm 3,4% xuống 16.900 đồng. Ngoài ra, khối ngoại còn bán ròng VGT 2,46 tỷ đồng, VEA 1,92 tỷ đồng, OIL 940 tỷ đồng, LPB 400 triệu đồng.

Chỉ riêng trên HNX, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 4 liên tiếp với 8,72 tỷ đồng ở ngày 3/7. Lực mua ròng của khối ngoại trên HNX tập trung chủ yếu ở VCG với 15,97 tỷ đồng. SHS 800 triệu đồng, HUT 170 tỷ đồng, LAS 140 triệu đồng, TTZ 120 tỷ đồng.

Ngoài khối ngoại thì nhóm cổ phiếu ngân hàng chính là nhân tố khiến Vn-Index lao dốc thê thảm nhất trong 2 tháng qua. Cụ thể, BID giảm sàn 6,9% về mức 23.050 đồng/cổ phiếu. CTG cũng mất 6,9% giá trị và đang giao dịch ở mức 21.500 đồng/cổ phiếu. VCB giảm 3,6% xuống 56.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, hàng loạt cổ phiếu nhóm ngân hàng khác như VPB, TCB, CTB cũng chốt phiên trong giá sàn.

Hai mã chứng khoán có thanh khoản cao nhất thị trường là VIC và VHM của Tập đoàn Vingroup cũng bị giảm sàn trong ngày hôm nay. Cụ thể, VIC giảm 7.500 đồng xuống mức 99.700 đồng/cổ phiếu. VHM giảm 6,9% về vùng giá 103.600 đồng/cổ phiếu.

Trong rổ VN30, chỉ còn duy nhất 1 mã tăng giá, 29 mã còn lại đều kết phiên trong sắc đỏ. Cụ thể, chỉ có SBT giữ được sắc xanh với mức tăng 250 đồng lên 14.700 đồng/cổ phiếu. Còn lại các cổ phiếu khác đồng loạt giảm sâu, CTD giảm 6.000 đồng còn 142.000 đồng/cổ phiếu, GAS giảm 5.400 đồng còn 83.000 đồng/cổ phiếu, MWG giảm 6.900 đồng còn 100.100 đồng/cổ phiếu, VJC giảm 6.000 đồng còn 133.000 đồng/cổ phiếu. 

Tình tạng tương tự cũng diễn ra với nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán, dầu khí, bất động sản… Điển hình, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng chìm trong sắc đỏ và có nhiều mã giảm sàn như PDR, LDG, HBC, DXG, SJS, VHM, VIC. Giảm mạnh trong nhóm này là các mã như SDI giảm 2.500 đồng còn 46.600 đồng/cổ phiếu, VPI giảm 1.850 đồng còn 40.900 đồng/cổ phiếu, KHA giảm 2.200 đồng còn 38.000 đồng/cổ phiếu. 

Ở nhóm dịch vụ tài chính cũng có tới 4 mã giảm sàn là AGR, HCM, VCI, VIG. Giảm mạnh nhất trong nhóm này là DSC với mức giảm 10.400 đồng còn 61.100 đồng/cổ phiếu, SSI giảm 1.700 đồng còn 25.800 đồng/cổ phiếu, SHS giảm 1.100 đồng còn 11.800 đồng/cổ phiếu. 

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng, trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, trong điều kiện thị trường hiện tại, mua đuổi giá xuống có thể là một chiến lược ưa thích với các mã cổ phiếu tốt đã giảm sâu nhưng không nhiều nhà đầu tư có thể tự tin làm điều này vì tâm lý mì ăn liền vẫn là xu hướng chủ đạo của thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Hiện tại, thị trường căng như dây đàn khi một mặt tâm lý nhà đầu tư tỏ rõ sự thận trọng cao độ khiến dòng tiền vào thị trường hết sức dè dặt. Mặt khác áp lực bán lớn vẫn đang trực chờ”, ông Hoàng nói.

Ngược chiều

Trong khi đó, các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến ngược chiều nhau trong phiên chiều 3/7, trong bối cảnh những lo ngại về một cuộc chiến thương mại vẫn chi phối tâm lý nhà đầu tư.

Vn-Index có phiên lao dốc mạnh nhất trong 2 tháng qua.
Vn-Index có phiên lao dốc mạnh nhất trong 2 tháng qua.

Cơ quan Thông tin và Truyền thông quốc gia Mỹ (NTIA) hôm qua đã khuyến cáo Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) nên bác đơn xin cung cấp các dịch vụ viễn thông giữa Mỹ và các nước khác mà China Mobile đã nộp hồi năm 2011.

Tuyên bố nhấn mạnh sự tham gia của China Mobile tại thị trường Mỹ không thể giải quyết được những quan ngại xung quanh những nguy cơ đối với việc thực thi pháp luật và các lợi ích an ninh quốc gia Mỹ. 

Lời khuyến cáo trên được đưa ra trong lúc các nhà lập pháp Mỹ đang tranh luận về việc có nên nối lại lệnh trừng phạt áp lên tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc vì những lý do an ninh hay không.

Phiên này, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã có một phiên phục hồi ngoạn mục. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải đã có lúc giảm tới 1,9% hồi đầu phiên, nhưng sau đã tăng trở lại nhờ các nhóm cố phiếu thuộc lĩnh vực phần mềm, chip nhớ và chất bán dẫn tăng mạnh. Chốt phiên chiều 3/7, chỉ số này tăng 0,41% lên 2.786,89 điểm. 

Trong khi đó, chỉ số Hang Seng tại thị trường Hong Kong lại để mất 409,54 điểm xuống đóng phiên ở mức 28.545,57 điểm do nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước việc thuế quan của Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối tuần này. 

Chứng khoán Nhật Bản dù tăng điểm hồi đầu phiên nhưng sau lại giảm do những tác động từ thị trường Trung Quốc trong lúc căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tiếp diễn. Chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo phiên này giảm 0,12% xuống 21.785,54 điểm. 

Chứng khoán Hàn Quốc tiếp tục tăng điểm trong phiên này nhờ nhóm cổ phiếu của các nhà sản xuất chip nhớ tăng mạnh đã bù đắp sự suy giảm của các lĩnh vực khác. Chỉ số Kospi tại Seoul tăng 0,05% lên khép phiên ở mức 1.272,76 điểm.

Trên thị trường tiền tệ, đồng EUR mạnh lên so với đồng USD sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đạt được thỏa thuận về chính sách nhập cư với các đối tác trong liên minh cầm quyền Liên minh Dân chủ Xã hội Cơ đốc giáo. Thỏa thuận này đã tránh cho nước Đức bị rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. 

Mở cửa phiên giao dịch ngày 3/7, hầu hết thị trường chứng khoán châu Âu đều phục hồi so với phiên trước. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London tăng 0,5% lên 7.588,01 điểm. Chỉ số DAX 30 tại thị trường Frankfurt cũng tiến 0,7% và đứng ở mức 12.321,07 điểm, trong khi chỉ số CAC 40 tại thị trường Paris ghi thêm gần 0,5% lên 5.302,36 điểm.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement