18/06/2020 14:32
Vissan mất 20% lợi nhuận vì giá heo hơi tăng cao, không chia cổ tức năm 2020
Giá heo hơi tăng cao, tâm lý mua sau dịch COVID-19 giảm nên Vissan đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế giảm đến 20% so với năm ngoái. HĐQT thống nhất không chia cổ tức trong năm nay để dành tài chính cho việc di dời nhà máy giết mổ 360 con/giờ về Long An.
Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) vừa tổ chức Đại hội cổ đông năm 2020. Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020, Vissan đánh giá tình hình thị trường không có quá nhiều điểm sáng.
Lợi nhuận Vissan giảm 20% trong năm nay?
Những tháng đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 trở thành lây lan nhanh và chưa dự báo được thời điểm kết thúc. Điều này được Vissan cho rằng sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Thu nhập và sức mua của người tiêu dùng rất có thể giảm sút.
Do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi nên ngành chăn nuôi heo sẽ phục hồi chậm, việc tái đàn được đơn vị này cho rằng cần thời gian dài, nên nguồn cung heo hơi trên thế giới, đặc biệt tại Trung Quốc và Việt Nam dự báo sẽ thiếu hụt. Tuy nhiên, nhờ vậy mà giá heo hơi sẽ được duy trì ở mức cao trong năm 2020.
Trước những điều kiện đó, Vissan đề ra chỉ tiêu về tổng doanh thu năm 2020 tăng 12% so với năm ngoái, đạt 5.580 tỷ đồng.
Về cơ cấu mặt hàng, đơn vị này lường trước tình hình tái đàn nên đành giảm chỉ tiêu thịt heo các loại xuống chỉ còn bằng 88% so với năm 2019, tức cho ra thị trường 21.322 tấn thịt heo. Thế vào khoảng trống này, mảng kinh doanh thịt bò được kì vọng sẽ nhích lên 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.722 tấn thịt.
Ngược chiều so với giá heo, giá nguyên liệu bò hơi và các nguyên vật liệu sản xuất khác tương đối ổn định do Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại quốc tế nên nguồn nguyên liệu nhập khẩu sẽ dồi giàu, giá cả cạnh tranh hơn rất nhiều. Đó là lý do Vissan đặt kỳ vọng cho mảng kinh doanh thịt bò.
Từng xác định thực phẩm chế biến là thế mạnh và bước đi bền vững, Vissan kì vọng sản lượng mảng này có thể bằng 109% so với năm 2019, cho ra thị trường 28.660 tấn thực phẩm chế biến các loại.
Năm nay, HĐQT sẽ phấn đấu cải thiện cơ cấu tài chính tối ưu hơn. Chú ý nhất là tinh gọn chi phí hoạt động doanh nghiệp, bao gồm chi phí bán hàng và chi phí quản lý, sao cho giảm ít nhất 3% so với năm vừa rồi.
Tuy nhiên, Vissan chỉ kỳ vọng lợi nhuận trước thuế đạt 180 tỷ đồng. Con số này thấp hơn đến 20% so với mức lãi gần 226 tỷ đồng của năm 2019.
Nhìn chung, tình hình kinh doanh của Vissan trong năm 2020 không mấy khả qua so với năm 2019. Đồ hoạ: Tất Đạt |
Sau dịch, Vissan đẩy mạnh bán lẻ
Giải thích rõ hơn về mục tiêu sản xuất kinh doanh có phần đi lùi, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan cho rằng, giá nguyên liệu heo hơi sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2020, sau đó giảm dần ở năm 2021 và đi vào ổn định từ năm 2022 do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi.
Mặc dù nhiều ngày qua, giá heo hơi xuất chuồng đã đi vào khuôn khổ khi chưa vượt quá mốc lịch sử 100.000 đồng/kg như tháng trước. Giá heo hơi luôn xê xích quanh mức 90.000 đồng/kg.
Song song đó, Vissan vẫn tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu heo hơi, hướng đến đáp ứng 20-30% nhu cầu của công ty trong dài hạn. Đơn vị này còn dự định hợp tác chiến lược với các đơn vị chăn nuôi heo có quy mô lớn để đảm bảo có nguồn heo hơi ổn định, kiểm soát chất lượng và giá cả cạnh tranh.
Ban lãnh đạo xác định, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Người tiêu dùng sẽ có khuynh hướng dịch chuyển mua sắm từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.
Tuy nhiên, Vissan cho rằng, các thương vụ mua bán, sáp nhập của các tập đoàn trong hệ thống bán lẻ có thể tạo ra nguy cơ mất đi một phần sản lượng các sản phẩm thịt tươi sống và thực phẩm chế biến Vissan.
Vissan sẽ đẩy mạnh kênh bán lẻ hiện đại để hợp với thị hiếu người tiêu dùng sau dịch. Ảnh: Tất Đạt |
Về định hướng kinh doanh, nhìn chung Vissan vẫn rất xem trọng mảng bán lẻ. Công ty này tiếp tục mở mới cửa hàng giới thiệu sản phẩm, nâng cấp nhận diện mới cho khoảng 10 cửa hàng.
Vissan còn tiết lộ sẽ phát triển các sản phẩm thịt tươi sống đóng khay vỉ, theo quy trình sản xuất thịt mát và đóng gói theo công nghệ MAP. Với công nghệ này, khay thịt được bơm hỗn hợp khí nhằm đảm bảo miếng thịt luôn tươi ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ được tối đa giá trị dinh dưỡng.
Không chia cổ tức để dời nhà máy
Theo đề xuất của HĐQT, Vissan sẽ không chia cổ tức năm 2020 để tăng năng lực tài chính. Việc này là nhằm thực hiện dự án di dời và đổi mới công nghệ nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm Vissan và đầu tư máy móc thiết bị sản xuất năm 2020.
Dự án này gồm 2 công trình: Văn phòng điều hành kinh doanh của Vissan, các kho trung chuyển tại khu công nghiệp Tân Tạo, TP.HCM và cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan tại Long An.
Tổng mức đầu tư cho dự án hơn 1,587 tỷ đồng. Trong đó, công ty sử dụng 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay huy động từ các nguồn. Vissan mong muốn sở hữu dây chuyền giết mổ công suất 360 con/giờ.
Vissan muốn tích luỹ tài chính để mở nhà máy có công suất 360 con/giờ. Ảnh: Satra |
Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2020-2024, công ty này sẽ hướng tới tăng tưởng lợi nhuận trước thuế liên tục trong bốn năm đầu, từ 180 tỷ đồng lên 247 tỷ đồng. Nếu nhà máy chế biến tại Long An đi vào hoạt động, lợi nhuận của Vissan dự kiến chỉ còn 240 tỷ đồng vào năm 2024.
"Vissan dự kiến đưa nhà máy chế biến tại Long An đi vào hoạt động đầu năm 2024, vì vậy chi phí từ năm 2024 sẽ tăng cao, đặc biệt là chi phí lãi vay và chi phí khấu hao. Lợi nhuận của năm 2024 dự kiến sẽ giảm so với năm 2023, tuy nhiên việc đưa nhà máy này đi vào hoạt động sẽ giúp Vissan tăng năng lực sản xuất cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng các dòng sản phẩm cung cấp ra thị trường", ông Ngọc An chia sẻ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp