Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Vietcombank lên phương án tăng vốn điều lệ trong giai đoạn 2020-2021

Ngân hàng

18/06/2020 09:15

Vietcombank lí giải việc tăng vốn điều lệ, tăng vốn chủ sở hữu giai đoạn 2020-2021, nhằm nâng cao năng lực để hiện thực hoá các mục tiêu chiến lược.

Nếu hoàn tất hai phương án tăng vốn trong năm 2020-20201, vốn điều lệ Vietcombank sẽ được tăng tối đa hơn 9.000 tỷ, từ mức hiện nay là 37.088 tỷ lên thành 46.174 tỷ đồng, xấp xỉ khoảng 2 tỷ USD, và trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Vietcombank sẽ là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 do Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố, “ông lớn” này không đưa ra tờ trình về chỉ tiêu lợi nhuận năm nay.

Thay vào đó, tại đại hội diễn ra ngày 26/6 tới, một trong những kế hoạch đáng chú ý mà HĐQT Vietcombank sẽ trình cổ đông thông qua, là phương án tăng vốn điều lệ cho ngân hàng, với tổng mức tăng lên đến hơn 9.000 tỷ đồng.

Hiện vốn điều lệ của Vietcombank đạt 37.088 tỷ đồng.

Vietcombank tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 vào ngày 26/6.
Vietcombank tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 vào ngày 26/6.

Ngân hàng dự kiến phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ chi trả cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu, với tỉ lệ phát hành 18% (cổ đông sở hữu 100 cổ phần sẽ được nhận số cổ phần mới tối đa là 18 cổ phần).

Nguồn vốn thực hiện từ nguồn lợi nhuận giữ lại đến hết ngày 31/12/2018. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III-IV/2020.

Với phương án này, sau khi phát hành, vốn điều lệ dự kiến của Vietcombank tăng thêm tối đa gần 6.676 tỷ đồng.

Ngoài ra, Vietcombank dự kiến có thêm phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ, với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ tại thời điểm chào bán (trong năm 2020-2021). Bằng phương án này, vốn điều lệ dự kiến tăng thêm sau khi chào bán tối đa khoảng 2.410 tỷ đồng.

Đối tượng được chào bán là nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực tài chính, có thể bao gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu của Vietcombank, nhưng tối đa khoảng 99 nhà đầu tư.

Khối lượng phát hành tối đa là 241 triệu cổ phần, tương đương 6,5% tổng cổ phần đang lưu hành. Trong đó, phát hành cho nhà đầu tư dự kiến với tỉ lệ 5,19% tổng số cổ phần sau phát hành. Vietcombank cũng dự kiến phát hành cho đối tác chiến lược là Ngân hàng Mizuho Nhật Bản 0,92% tổng số cổ phần sau phát hành, để giữ tỉ lệ sở hữu tối thiểu 15%.

“Trường hợp đối tác chiến lược Ngân hàng Mizuho Nhật Bản thực hiện mua cổ phần để tăng tỉ lệ sở hữu tại VCB lên đến 20%, Mizuho được quyền đề cử thêm 1 ứng viên vào HĐQT của VCB trên cơ sở được NHNN chấp thuận. Và VCB có thể thỏa thuận với Mizuho một số nội dung về hợp tác kinh doanh, hỗ trợ kĩ thuật khác phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam”, Vietcombank cho biết thêm.

Như vậy, nếu hoàn tất hai phương án tăng vốn này, vốn điều lệ Vietcombank sẽ được tăng tối đa khoảng 9.086 tỉ đồng, từ 37.088 tỉ đồng hiện nay lên đến 46.174 tỷ đồng, xấp xỉ khoảng 2 tỷ USD và trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Vì sao Vietcombank muốn tăng vốn điều lệ?

Nói rõ về việc phải tăng vốn điều lệ, Vietcombank cho biết cuối năm 2018, ngân hàng đã đáp ứng chuẩn mực Basel II tại Việt Nam. Hệ số an toàn vốn riêng lẻ theo Basel II của ngân hàng tại ngày 31/12/2019 ở mức 9,24%, đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.

Vietcombank lên phương án tăng vốn điều lệ trong giai đoạn 2020-2021

Nhưng với kế hoạch tăng trưởng quy mô tài sản trong thời gian tới, dự kiến Vietcombank chỉ có thể duy trì tỉ lệ an toàn vốn trên ngưỡng tối thiểu (8%) đến cuối năm 2020. Với các mục tiêu lớn sắp tới, Vietcombank khẳng định tỉ lệ an toàn vốn sắp tới phải ở mức cao hơn từ 9-10%.

Ngoài ra, tháng 1/2019, nhà băng đã hoàn thành phát hành 3% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài GIC cùng cổ đông hiện hữu Mizuho, mang lại nguồn thặng dư gần 5.000 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ tăng lên hơn 37.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay, ngân hàng chỉ mới hoàn thành 1/3 kế hoạch tăng vốn đã xác định theo phương án phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, được NHNN phê duyệt đầu năm 2018. Hiện vốn điều lệ Vietcombank thấp hơn mức kế hoạch phương án đã phê duyệt cho năm 2020 khoảng 21.100 tỷ đồng.

“Do đó, Vietcombank cần phải tiếp tục thực hiện tăng vốn điều lệ, tăng vốn chủ sở hữu trong giai đoạn 2020-2021, nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị để từng bước hiện thực hoá các mục tiêu chiến lược”, ngân hàng cho biết.

Tiết lộ thêm về kế hoạch sử dụng vốn tăng thêm, ban lãnh đạo ngân hàng cho hay sẽ dùng vào hoạt động kinh doanh trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả và mang lại lợi ích cao nhất cho các cổ đông.

Ngân hàng dự kiến dùng khoảng 500 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, xây dựng trụ sở làm việc, mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư công nghệ và tài sản cố định.

Ngoài ra, toàn bộ số tiền còn lại thu được từ đợt chào bán cổ phần sẽ dùng để mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn và các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng.

Quý I/2020, ngân hàng này cho biết lợi nhuận đã sụt giảm đáng kể so với quý cùng kì 2019, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Cụ thể, kết thúc quý tài chính đầu năm 2020, thu nhập lãi thuần của Vietcombank đạt 9.034 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên, các chi phí hoạt động tăng mạnh 524 tỷ đồng so với quý I/2019, từ 4.386 tỷ đồng lên 4.910 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đến 43%, từ 1.506 tỷ lên thành 2.152 tỷ đồng, đã kéo lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong quý I/2020 chỉ đạt 5.223 tỷ đồng, giảm 655 tỷ so với quý I/2019. 

Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm gần đây Vietcombank bị giảm lợi nhuận theo quý. Quý I/2019, lợi nhuận của ngân hàng này đã tăng trưởng đến 35% so với cùng kì năm trước.

Năm 2019, Vietcombank chính là nhà băng đầu tiên và duy nhất đến nay cán mốc lợi nhuận tỉ USD, đạt 23.155 tỷ đồng. Số lợi nhuận kỉ lục này vẫn chưa tính phí bảo hiểm kí kết độc quyền với FWD hồi tháng 11/2019. Một số nguồn tin cho biết, Vietcombank có thể nhận được khoản phí độc quyền phân phối và hoa hồng từ hợp đồng này lên tới 400 triệu USD.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng đã công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2020. Cũng tương tự Vietcombank, MB sẽ trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ từ phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, với tỉ lệ 15%.

Thời gian thực hiện tăng vốn khoảng  giữa quý III và quý IV/2020. Vốn điều lệ của MB dự kiến tăng 18%, đạt  27.988 tỷ đồng.

Là một trong những ngân hàng thuộc tốp đầu lợi nhuận hàng năm, nhưng trước ảnh hưởng của COVID-19, năm nay, MB rất dè dặt, khi đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất giảm 10%, tương đương giảm hơn 1.000 tỷ đồng, chỉ còn 9.032 tỷ đồng.

PHƯƠNG NGUYÊN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement