13/01/2018 17:00
Vietcombank đặt mục tiêu gì cho năm 2018?
Tỉ lệ nợ xấu dưới 1%, tín dụng tăng 16%, lợi nhuận trước thuế đạt 12.000 tỉ đồng là những mục tiêu chính mà Vietcombank đặt ra cho năm 2018.
Ngày 13/1, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, tỉ lệ nợ xấu của Vietcombank năm 2017 ở mức 1,11%, giảm 0,35 % so với cuối năm 2016.
Các chỉ tiêu kinh doanh khác của Vietcombank năm 2017 cũng được ghi nhận ở mức cao, đáng chú ý là lợi nhuận kỷ lục trước thuế lên tới 11.018 tỉ đồng, tăng 32,9% so với năm 2016, thực hiện 116% kế hoạch.
Năm ngoái, ngân hàng này đã trích hơn 6.187 tỉ đồng dự phòng rủi ro. Số dư quỹ dự phòng đến nay đạt gần 8.200 tỉ đồng, tương đương 132% tổng nợ xấu. Vietcombank cũng thu hồi được 2.180 tỉ đồng nợ ngoại bảng.
Vietcombank sẽ tập trung xử lý nợ xấu trong năm 2018 xuống dưới 1%. |
Các hệ số an toàn, hiệu quả hoạt động của Vietcombank trong năm qua tiếp tục được cải thiện và dần sát với các thông lệ quốc tế, chỉ số ROAA, ROAE cao hơn mặt bằng chung của thị trường và tăng so với 2016.
Mã cổ phiếu VCB của Vietcombank tiếp tục có mức giá cao nhất ngành ngân hàng. Chốt phiên giao dịch ngày 12/1, VCB đang ở mức 58.000 đồng/cổ phiếu nâng vốn hóa thị trường ở mức 208.670 tỉ đồng.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, trong năm 2017 Vietcombank là ngân hàng đầu tiên xử lý được toàn bộ nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và đây cũng là ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước duyệt Đề án cơ cấu lại gắn với phương án xử lý nợ xấu đến năm 2020.
Vietcombank dự kiến tổng tài sản năm 2018 tăng 14%, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 17%, tín dụng tăng 16%, lợi nhuận trước thuế đạt 12.000 tỉ đồng...
Đầu năm 2018, Vietcombank cũng là một trong những ngân hàng tiên phong thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với 5 đối tượng ưu tiên theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.
Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam với các đối tượng này được điều chỉnh giảm về mức tối đa 6%/năm, bao gồm cả các khoản giải ngân mới từ nay đến hết năm 2018.
Động thái này góp phần phát huy vai trò của tín dụng ngân hàng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện tích cực thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo nghị quyết số 01/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/1/2018 và định hướng điều hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ngay sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp