16/06/2017 06:33
VietABank: Ngân hàng nhiều điểm yếu, vẫn tỏ ra 'hoành tráng'
Theo một số chuyên gia tài chính, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) có rủi ro tín dụng cao với tỷ lệ nợ xấu cao nhưng lại luôn tỏ ra “hoành tráng”
Một nguồn tin cho biết, 9 tháng đầu năm 2016 tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn tại VietABank khá cao, lên tới hàng trăm tỷ đồng. Ngân hàng cũng thể hiện sự yếu kém về sức khỏe tài chính khi có công nợ liên ngân hàng – tài sản liên ngân hàng/nguồn vốn cao.
Tuy nhiên, năm 2017, VietABank vẫn đặt mục tiêu huy động vốn tăng 35%, đạt 44.368 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm, lãi suất huy động của VietABank đã ở mức cao nhất thị trường, vượt xa đối thủ từ 1-2%/năm.
Cụ thể, với kỳ hạn ngắn (1-3 tháng), VietAbank áp dụng mức lãi suất cao nhất thị trường (5,5%/năm). Nhóm tiền gửi dài hạn (12 - 36 tháng), vẫn là ngân hàng Việt Á có mức lãi suất tiền gửi cao nhất lên tới 7,7%/năm.
Đến giữa tháng 3 vừa qua, ngân hàng này tiếp tục tung chiêu phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh kỳ hạn 6, 9, 13, 15, 18 tháng với lãi suất lên đến 8,2%/năm trên toàn hệ thống cho khách hàng cá nhân trong khi hầu hết các ngân hàng khác chỉ phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn vài năm.
Một hạn chế nữa là mặc dù có vốn điều lệ lên đến nghìn tỷ đồng nhưng ngân hàng này đang chứng kiến cảnh cổ phiếu bị nhà đầu tư ghẻ lạnh, giá rớt thảm, rẻ như mớ rau ngoài chợ.
Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank) có vốn điều lệ lên tới 3.500 tỷ đồng, nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, cổ phiếu VietABank rớt giá thảm trên thị trường OTC với mức giá “rẻ không đối thủ” - 3.500 đồng/CP. Với mức giá này, chỉ đủ mua một mớ rau ngoài chợ.
Không chỉ thế, VietABank còn bị nhà đầu tư “ghẻ lạnh” khi giá rẻ như cho, nhưng trên thị trường OTC “đỏ mắt” mới tìm thấy giao dịch.
Nhìn vào kết quả kinh doanh bết bát của ngân hàng này, không khó để lý giải vì sao nhà đầu tư quay lưng với họ. Là đơn vị có vốn điều lệ lớn tới 3.500 tỷ đồng, nhưng VietABank chỉ lãi 99,4 tỷ đồng trong năm 2016. Đó là chưa kể lợi nhuận sau thuế năm 2016 của VietABank đã tăng 17,43 tỷ đồng, tương ứng 21,3% so với năm 2015.
Xét về tốc độ tăng trưởng, đây là con số đáng mừng. Nhưng nếu so sánh với vốn điều lệ và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (362,7 tỷ đồng) thì đây quả là nỗi xấu hổ của ngân hàng này.
Bết bát chẳng kém VietABank là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Có vốn điều lệ khá cao, lên tới 14.295 tỷ đồng nhưng SCB lại có kết quả kinh doanh thua cả VietABank. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng chỉ đạt 78,9 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 79,9 tỷ đồng năm 2015.
Điểm chung giữa SCB và VietABank là họ phải dành rất nhiều ngân sách cho dự phòng rủi ro tín dụng. Chỉ tiêu này năm 2016 của SCB là 1.464,8 tỷ đồng trong khi ở VietABank là 362,7 tỷ đồng. Điều đó cho thấy hai nhà băng này đang gánh khoản nợ xấu không hề nhỏ dù họ “giấu nhẹm” thông tin.
Có giá nhỉnh hơn một chút nhưng cũng siêu rẻ là cổ phiếu ABBank (ngân hàng thương mại cổ phần An Bình). Trong quý 2 này, cổ phiếu ABBank biến động khá mạnh, tăng từ 6.500 đồng/CP lên 7.500 đồng/CP. Dù vậy, ABBank vẫn chưa thể “lên mặt đất” khi chưa tìm lại mệnh giá 10.000 đồng/CP.
Năm 2017, VietABank đặt kế hoạch tổng tài sản đạt 71.299 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với năm 2016, tổng dư nợ cấp tín dụng tăng 14%, đạt 35.130 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận năm nay tăng trưởng 139% so với năm trước, đạt 253 tỷ đồng.
VietABank sẽ cán đích thế nào khi lãi suất cho vay đang khá cao so với mặt bằng hiện nay và khoản nợ ngắn hạn lên tới 5.966 tỷ đồng?
Bất chấp các thông tin trên, trao đổi với Báo Công lý, đại diện VietABank cho biết, “rất bất ngờ và các thông tin không có cơ sở”. Lợi nhuận năm 2016 ngân hàng thu được 61.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng. Ngân hàng nhà nước đã giám sát chặt chẽ và Việt Á Bank hoạt động bình thường.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp