26/10/2021 09:39
Việt Nam vẫn là một điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư
Môi trường đầu tư liên tục của Việt Nam được cải thiện thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển và trong năm 2019 tổng vốn FDI đạt hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm lại đây.
Ngày 25/10 tại thủ đô Algiers, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh tế ứng dụng vì sự phát triển Algeria (CREAD) tổ chức buổi Tọa đàm Kinh tế và Ngoại thương Việt Nam theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tọa đàm có sự tham dự của khoảng 50 đại biểu là các nhà nghiên cứu kinh tế thuộc CREAD, đại diện các Bộ Thương mại, Công nghiệp, Tài chính, cũng như một số Phòng Thương mại và Công nghiệp địa phương Algeria và trường Đại học Algiers 2.
Đồng chủ trì buổi tọa đàm cùng Giám đốc CREAD Moundir Lasasssi, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria Hoàng Đức Nhuận đã giới thiệu đến các đại biểu tham dự tổng quan về tình hình phát triển kinh tế-xã hội cũng như những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được kể từ giai đoạn đất nước bắt đầu thời kỳ Đổi mới từ năm 1986 đến nay.
Nhân dịp này, ông Hoàng Đức Nhuận cũng chia sẻ những thông tin về quá trình mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, tình hình ngoại thương, đầu tư, du lịch cũng như những cơ hội và thách thức của nền kinh tế Việt Nam.
Theo Tham tán Hoàng Đức Nhuận, trong suốt 35 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Nếu như trong giai đoạn đầu Đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4% thì đến giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016-2019 đạt mức bình quân 6,8%.
Mặc dù năm 2020, kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới (gần 3%). Quy mô nền kinh tế được nâng lên, từ hơn 6 tỷ USD năm 1989 lên trên 268 tỷ USD năm 2020. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Nếu như năm 1985, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 159 USD/năm thì đến năm 2020 đã đạt khoảng 2.786 USD/năm.
Những nỗ lực đổi mới trong 35 năm qua đã giúp cho môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, nhờ đó đã thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Tính riêng năm 2019, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm lại đây.
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn là một điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư với tổng vốn FDI đạt trên 28 tỷ USD. Năm 2019, Việt Nam đã đón 18 triệu lượt khách quốc tế.
Qua 35 năm không ngừng đổi mới, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản, như càphê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ... luôn duy trì ở mức cao. Các mặt hàng xuất khẩu khác cũng có bước tiến lớn.
Đặc biệt, trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 khiến hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020 vẫn đạt gần 544 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019; xuất siêu hơn 19 tỷ USD - cao nhất trong năm năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.
Với kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng đã đưa Việt Nam xếp thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu, đứng thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế.
Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn dưới 3% năm 2020. 35 năm đổi mới cũng là một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức.
Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế; tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 và hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn theo cam kết WTO. Đến nay, 71 quốc gia đã công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Từ khi gia nhập WTO đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương và đang đàm phán 2 FTA với các đối tác khác.
Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế-thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc ba trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á. Do đó, việc tham gia và thực thi các FTA sẽ mang lại những cơ hội lớn cho Việt Nam, tác động tích cực tới phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm...
Các đại biểu Algeria tham dự cuộc tọa đàm đã hết sức sự ấn tượng về những thành tựu kinh tế-xã hội mà Việt Nam đạt được sau 35 năm thực hiện chính sách Đổi mới.
Nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến các chính sách cải cách, mở cửa, phát triển kinh tế của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, quản lý xuất nhập khẩu…
Phát biểu kết thúc buổi Tọa đàm, ông Moundir Lasasssi đã đánh giá cao và cám ơn những thông tin hữu ích mà đại diện Đại sứ quán Việt Nam đã chia sẻ. Ông cho biết những thành tựu và bài học rút ra từ thực tiễn phát triển kinh tế của Việt Nam là những kinh nghiệm quý cho Algeria trong quá trình mở cửa, hội nhập.
Ông hy vọng trong thời gian tới CREAD sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan của Việt Nam tổ chức một số cuộc hội thảo, chương trình hợp tác nhằm nghiên cứu sâu hơn kinh nghiệm phát triển kinh tế của Việt Nam.
Advertisement