28/12/2022 15:27
Việt Nam trở thành nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới
Ngành thủy sản có một năm phục hồi sau đại dịch COVID-19 và phát triển ấn tượng về đích với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11 tỷ USD trong năm nay, tăng gần 34% so với năm ngoái và hoàn thành sớm mục tiêu đề ra trong năm 2022.
Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết, ước năm 2022, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản tăng 3% so với năm 2021, tổng sản lượng đạt 9,06 triệu tấn, tăng 3,1% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,86 triệu tấn; nuôi trồng đạt 5,19 triệu tấn.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 ước đạt kỷ lục với khoảng 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 (8,89 tỷ USD), tăng 22,2% so với kế hoạch (9 tỷ USD). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt 4,1- 4,2 tỷ USD (tăng khoảng 13% so với năm 2021); cá tra đạt 2,35 tỷ USD (tăng khoảng 70% so với năm 2021).
Tuy nhiên, trong năm 2023, ngành thủy sản sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là vấn đề tháo gỡ thẻ vàng IUU. Mặt khác, theo đánh giá gần nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng toàn cầu sẽ chững lại trong năm 2023, do đó, sẽ ảnh hưởng đến tất cả các thị trường nhập khẩu. Cùng với đó là thách thức về việc chuẩn hóa quá trình sản xuất trong nước, nhất là về phần dữ liệu để phục vụ cho sản xuất của ngành hàng.
Nhận định về thị trường thủy sản năm 2023, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, với 11 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022, bước sang năm 2023 vẫn có thể duy trì được kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD. Tuy nhiên, những lợi thế về thị trường trong quý IV/2022 và quý I/2023 sẽ không còn, vì lạm phát đã "ngấm sâu" vào các lĩnh vực tiêu thụ trên thị trường thế giới, xuất khẩu trong quý I/ 2023 sẽ bị sụt giảm, theo VOV.
"Hiện nay các đơn hàng gần như bị sụt giảm rất mạnh, nhiều DN không nhận được đơn hàng cho cho quý I năm tới, nên hy vọng từ quý II hoặc ít nhất là nửa cuối năm 2023 nhu cầu thị trường sẽ hồi phục. Kinh tế của các nước hồi phục lại dần là cơ hội để Việt Nam để thúc đẩy lại xuất khẩu trở lại nếu đã chuẩn bị sẵn nguồn nguyên liệu, các nguồn lực kể cả về vốn, tạo điều kiện cho DN sẵn sàng trở lại sản xuất khi thị trường hồi phục", bà Hằng lưu ý.
Khẳng định thành tựu của ngành thủy sản trong năm 2022 với kim ngạch cao nhất trong những năm qua, đạt 11 tỷ USD đưa ngành thủy sản của Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho hay đây là nỗ lực của các bên liên quan trong chuỗi giá trị cung ứng ngành thủy sản, trong đó có các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản.
"Giá trị xuất khẩu ước đạt 11 tỷ USD, mức kỷ lục trong lịch sử. Đây sẽ là nền tảng để Bộ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản trong công tác điều hành đầu năm 2023, thời điểm được dự báo kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn", ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Năm 2023, ngành thủy sản đạt mục tiêu tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1,3 triệu ha; tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,74 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 10 tỷ USD. Ông Phùng Đức Tiến cho hay, nền kinh tế nói chung và thủy sản nói riêng đã xuất hiện những khó khăn từ tháng 8/2022. Trên cơ sở phân tích các kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức mà ngành sẽ phải đối mặt, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản thực hiện các giải pháp sát với tình hình thực tiễn để đảm bảo duy trì được đà tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu của 2023, theo Vnbusiness.
Đồng thời Thứ trưởng Tiến yêu cầu, ngành thủy sản cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông đến với cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp và các thành phần liên quan để cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời về tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Bên cạnh đó, ngành cần coi "thẻ vàng" IUU là một cơ hội để thay đổi tư duy, và phát triển bền vững hơn.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement