19/11/2019 17:13
Việt Nam tiếp cận thị trường Myanmar
Myanmar thị trường nhiều tiềm năng trong giai đoạn hội nhập và Việt Nam đang đi tiên phong tại thị trường này với những con số tăng trưởng ấn tượng.
Thị trường đầy tiềm năng
Việt Nam hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn của Myanmar, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar phát triển là điểm sáng trong quan hệ hai nước.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2018, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 860 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar 702,1 triệu USD, nhập khẩu từ Myanmar 157,8 triệu USD. 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Myanmar đạt 708 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar 533,1 triệu USD, nhập khẩu từ Myanmar 174,9 triệu USD.
Việt Nam đi tiên phong tại thị trường Myanmar. |
Thị trường Myanmar tiềm năng đối với các nhóm, mặt hàng và dịch vụ từ Việt Nam như: sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, sản phẩm và thiết bị điện, xe máy và xe đạp, thực phẩm và nguyên liệu chế biến thực phẩm, hàng điện tử và điện gia dụng, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông…
Theo số liệu từ Tổng Vụ Đầu tư và Quản lý doanh nghiệp Myanmar, Việt Nam đứng thứ 7 trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Myanmar với tổng vốn đăng ký trên 2,16 tỷ USD cho 25 dự án; trong đó 16 dự án sản xuất, 01 dự án dầu khí, 01 dự án khách sạn và du lịch; 01 dự án khai khoáng, 01 dự án chăn nuôi và thủy sản, 03 dự án giao thông và truyền thông, 02 dự án khác. Đến nay đã có hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh và đầu tư tại Myanmar dưới nhiều hình thức.
Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí minh (ITPC) đã hỗ trợ doanh nghiệp từng bước thâm nhập thị trường và phát triển hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Myanmar. ITPC đã liên tục cập nhật thông tin về thị trường, kinh tế, thương mại, thủ tục hành chính, thuế... cho doanh nghiệp thông qua việc phát hành Thông tin thị trường và Cẩm nang thương mại tại Myanmar; tổ chức hơn 20 hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, hội thảo, hội nghị; tổ chức các đoàn khảo sát thị trường tại Yangon, Mandalay, Naypidaw, Bago...
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC khẳng định các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư vào Myanmar sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa hai nước. Myanmar vẫn là một thị trường đầy tiềm năng, rất hấp dẫn và phù hợp với năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh nói riêng.
Bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán thương mại Việt Nam tại Myanmar nhận định đầu tư, kinh doanh tại Myanmar đang có những thuận lợi vì sản xuất của Myanmar còn yếu và thiếu, nhiều lĩnh vực hàng hóa còn nhiều dư địa phát triển; chưa có rào rản kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu; Myanmar cùng là thành viên của ASEAN, sản phẩm nhập khẩu ưu đãi về thuế trong nội khối và với các đối tác ASEAN; có những nét tương đồng về văn hóa và quá trình, điều kiện để phát triển đất nước.
Đặc biệt, những thương hiệu Việt Nam đi tiên phong tại thị trường Myanmar đều có những sản phẩm chất lượng tốt, chiếm trọn niềm tin người tiêu dùng Myanmar như Lioa, Hanvico, Hoàng Anh Gia Lai, BIDV, Vietnam Airlines…, góp phần tạo nên tâm lý ưa chuộng, có thiện cảm với sản phẩm Việt Nam.
Tuy nhiên, thị trường Myanmar không phải không có khó khăn do Myanmar duy trì chế độ cấp phép xuất nhập khẩu; thông quan hàng hóa còn chậm nên những mặt hàng có thời hạn sử dụng ngắn, gặp rất nhiều bất lợi, giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ; đại đa số người dân Myanmar có mức thu nhập thấp, khó để tiếp cận với các sản phẩm chất lượng vừa và cao; thói quen, hành vi mua sắm của người dân chỉ quan tâm đến giá rẻ.
Mặt khác, hệ thống luật pháp Myanmar chưa được hoàn thiện, nhiều vấn đề phải giải quyết và cập nhật theo tình hình thực tế phát sinh; nhiều bộ luật, luật đã lỗi thời, không cập nhật với tình hình phát triển và diễn biến hiện tại của đất nước; các kênh tiếp cận thông tin pháp luật còn hạn chế; chính quyền địa phương đôi khi chưa nắm rõ quy định của chính quyền trung ương nhằm hướng dẫn doanh nghiệp thực thi, triển khai.
Cơ sở hạ tầng ở Myanmar còn kém phát triển, Chính phủ vẫn chưa đảm bảo được nhu cầu điện, nước cho các hoạt động sản xuất, xây dựng và vận hành dự án, làm tăng chi phí đầu tư, kinh doanh tại Myanmar.
Mặc dù Luật Đầu tư mới đã ban hành với chủ trương tạo ra môi trường đầu tư công bằng cho cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, nhưng các nội luật khác không bổ trợ cho chủ trương chung đó, vẫn có sự phân biệt và không cân bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các lĩnh vực như bất động sản, ngân hàng, du lịch, quảng cáo…
Ngoài rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, trình độ lao động của Myanmar chưa cao, phải mất thời gian đào tạo hoặc phải sử dụng lao động nước ngoài thay thế.
Tìm hiểu kỹ thông tin
Bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán thương mại Việt Nam tại Myanmar nhấn mạnh doanh nghiệp muốn đầu tư, kinh doanh tại Myanmar cần am hiểu chính sách và chủ động thích ứng.
Luật Doanh nghiệp 2017 của Myanmar có một số thay đổi so với trước đó, như: doanh nghiệp có hơn 35% vốn nước ngoài (doanh nghiệp hoặc cá nhân) trở lên thì được coi là doanh nghiệp nước ngoài (trước đây chỉ có 1 USD vốn nước ngoài thì được coi là doanh nghiệp nước ngoài và chịu những hạn chế riêng trong quá trình hoạt động); cho phép doanh nghiệp chỉ có 1 cổ đông (luật cũ quy định phải có 2 thành viên góp vốn trở lên); doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài phải có ít nhất 1 thành viên hội đồng quản trị thường trú tại Myanmar ít nhất 183 ngày; miễn trừ kiểm toán đối với các công ty nhỏ (có tối đa 30 nhân sự và doanh thu không quá 50 triệu Kyat/năm – khoảng 800 triệu VND/năm).
Luật đầu tư 2016 của Myanmar có một số ưu đãi về thuế, như: miễn thuế thu nhập từ 3, 5 hay 7 năm tùy thuộc vào khu vực/vùng đầu tư (kém phát triển, phát triển tầm trung và phát triển); miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế nội địa đối với nhập khẩu máy móc, thiết bị và vật liệu xây dựng không thể mua được tại thị trường nội địa trong giai đoạn xây dựng; miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế nội địa đối với nguyên phụ liệu dùng để sản xuất xuất khẩu; hoàn thuế nhập khẩu và các loại thuế nội địa đối với nguyên phụ liệu và bán thành phẩm nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.
Trong chính sách thương mại mới của Myanmar, hiện có 4.613 dòng HS đối với các mặt hàng nhập khẩu (giảm từ 4.818 dòng) và 3.345 dòng HS đối với các mặt hàng xuất khẩu yêu cầu có giấy phép xuất nhập khẩu từ Bộ Thương mại Myanmar; một số sản phẩm nông nghiệp từ một số quốc gia bao gồm Việt Nam được nhập khẩu vào Myanmar không cần trải qua quy trình phân tích rủi ro dịch hại (PRA) (danh sách được công bố tại trang web www.ppdmyanmar.org);
Công ty liên doanh được phép xuất khẩu 22 nhóm hàng hoá có thành phẩm được sản xuất tại Myanmar; công ty nước ngoài và công ty liên doanh được phép hoạt động kinh doanh bán lẻ và bán buôn trong nước dựa theo danh sách ban hành của 24 nhóm hàng hóa theo Thông báo số 3/2018 và các thủ tục ban hành về đăng ký bán buôn và bán lẻ theo Thông báo số 2/2018.
Các chuyên gia chia sẻ doanh nghiệp Việt nên tìm hiểu kỹ trước khi tiếp cận thị trường Myanmar. |
Công ty nước ngoài và công ty liên doanh đang nhập khẩu phân bón, hạt giống, thuốc trừ sâu, thiết bị y tế, vật liệu xây dựng và thiết bị nông nghiệp sẽ đăng ký kinh doanh bán buôn/bán lẻ theo quy định của Thông báo số 25/2018 trong vòng 90 ngày kể từ ngày 21/5/2019 và tuân thủ các quy định về số tiền đầu tư ban đầu cũng như diện tích sàn tối thiểu của cửa hàng trong vòng 5 năm kể từ ngày đăng ký. Công ty nước ngoài và công ty liên doanh được phép xuất khẩu cây trồng, bột giấy và giấy, hạt giống, kim loại, bán thành phẩm hoặc thành phẩm từ rau và đồ gỗ nội thất.
Yêu cầu về dán nhãn hàng hóa, theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2019 của Myanmar, doanh nghiệp cần cung cấp các mô tả ghi nhãn cho hàng hóa bao gồm tên của hàng hóa, kích cỡ, số lượng và số lượng thực tế, hướng dẫn liên quan đến sử dụng và lưu trữ, thông tin về tác dụng phụ hoặc dị ứng, biện pháp phòng ngừa bằng tiếng Myanmar hoặc kết hợp giữa tiếng Myanmar và ngôn ngữ khác hoặc nhiều ngôn ngữ, áp dụng kể từ 15/3/2020.
Ông Đặng Hải Nhã, Tổng Giám đốc Chi nhánh BIDV Yangon, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar (VBCM) lưu ý Myanmar hạn chế hoạt động thương mại đối với doanh nghiệp nước ngoài; ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ như nhà thầu dự án và doanh nghiệp kinh doanh phân phối bán buôn, bán lẻ. Vì vậy, doanh nghiệp cần lưu ý phải tiếp cận thị trường thông qua đối tác nhập khẩu bản địa; kiểm soát giá bán, chính sách marketing, quảng bá sản phẩm tại Myanmar; chia sẻ với đối tác khi tỷ giá MMK/USD biến động bất lợi; kiểm soát tiến độ thanh toán của đối tác nhập khẩu bản địa.
Các loại hình doanh nghiệp nước ngoài được thành lập tại Myanmar là công ty con, công ty liên doanh (bên nước ngoài sở hữu 35% vốn), chi nhánh, văn phòng đại diện. Ngoài ra, còn hình thức nhà thầu quốc tế khi tham gia các dự án tại Myanmar. Doanh nghiệp cần lưu ý các ưu điểm, nhược điểm về thuế theo quy định của pháp luật Myanmar và Việt Nam đối với từng loại hình nêu trên.
Ông Đặng Hải Nhã cho rằng nguyên tắc tiếp cận thị trường Myanmar là tìm hiểu kỹ thông tin và lường trước các vấn đề phát sinh; kiên trì, bền bỉ và xác định dài hạn; chuyên nghiệp; trực tiếp (gặp mặt trực tiếp, giới thiệu hàng mẫu); hiểu và tôn trọng văn hóa, tập quán của Myanmar; lựa chọn đối tác bản địa phù hợp và có năng lực, thiện chí hợp tác; kiểm soát được điều kiện thanh toán và quản lý tiền hàng.
Đây là những chia sẻ của các chuyên gia tại Hội thảo “Triển vọng của thị trường Myanmar trong giai đoạn hội nhập” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM tổ chức.
Advertisement