02/07/2020 14:17
Việt Nam sẵn sàng đón nhận dòng vốn đầu tư dịch chuyển trong 6 tháng cuối năm
Trong 6 tháng, Việt Nam cơ bản thực hiện thành công nhiệm vụ kép vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phục hồi nền kinh tế ở mức hợp lý; mọi hoạt động được thiết lập trong trạng thái bình thường mới.
Sáng 2/7, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề đầu tư công; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài; khuyến khích nông nghiệp phát triển theo hướng hữu cơ…; đồng thời chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng đón nhận dòng vốn đầu tư dịch chuyển nhằm đẩy mạnh kinh tế-xã hội đất nước trong 6 tháng cuối năm 2020.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam cơ bản thực hiện thành công nhiệm vụ “kép” vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phục hồi nền kinh tế ở mức hợp lý; mọi hoạt động kinh tế-xã hội được thiết lập trong trạng thái “bình thường mới.”
Về đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 850.300 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương 33% GDP.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: TTXVN |
Tính đến ngày 20/6/2019, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) ước đạt 15,67 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Giải ngân vốn FDI 6 tháng đầu năm ước đạt 8,65 tỷ USD, tương đương 95% so với cùng kỳ năm 2019; giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,71%.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm tăng 1,81%, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định: "Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua nhưng là con số đáng ghi nhận trong tình hình hiện nay khi Việt Nam nằm trong nhóm số ít các quốc gia có mức tăng trưởng dương."
Nhấn mạnh bối cảnh hiện nay đặt ra nhiều thách thức ngắn hạn và dài hạn đối với Việt Nam nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho phát triển của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị cần chú trọng phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” như tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã được Thủ tướng Chính phủ khởi xướng trong ngày đầu chống dịch COVID-19.
Các bộ, ngành, địa phương sớm chủ động tiếp cận các xu hướng đang thay đổi trong trung và dài hạn; tận dụng tối đa thời cơ, cơ hội khi vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao do kiểm soát thành công dịch COVID-19…
Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành địa phương phát huy tối đa lợi thế để đón nhận sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế, phục vụ cho phát triển đất nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tham gia các quy chuẩn, quy định mới trong quản trị kinh tế toàn cầu và khu vực; mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm động lực mới cho phát triển kinh tế; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, tổ chức, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và phát triển bền vững hơn.
Trên cơ sở đề xuất Chính phủ ban hành, trình Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về Chống suy thoái kinh tế sau đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, nhằm phát huy dư địa tăng trưởng trong từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm.
Đặc biệt, đối với khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, các bộ, ngành, địa phương tập trung kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, không để tái diễn dịch tả lợn châu Phi; đẩy nhanh quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn, ổn định đàn lợn trong nước và hỗ trợ người dân chăn nuôi, vay vốn đầu tư khôi phục.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh phát triển sản xuất, khuyến khích chuyển sang nền nông nghiệp hữu cơ; tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.
Liên quan đến việc chuẩn bị các điều kiện và tăng cường thu hút đầu tư có chọn lọc cũng như giám sát đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất cần rà soát điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... để sẵn sàng đón nhận dòng vốn đầu tư dịch chuyển; tập trung hướng vào các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn công nghệ cao, có nền tảng thân thiện với môi trường.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương tranh thủ thời cơ, nắm bắt tình hình, có kế hoạch hành động của một số quốc gia trong việc khuyến khích hỗ trợ tài chính đối với các doanh nghiệp dịch chuyển cơ sở sản xuất nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Về nhiệm vụ đẩy mạnh thu hút và giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ đây là giải pháp trọng yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm; trong đó chú trọng thực hiện các giải pháp đã đề ra: xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020.
Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi để xảy ra chậm trễ, không đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải pháp, lộ trình triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị đảm bảo triển khai dự án ngay sau khi Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư.
Bên cạnh đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, địa phương rà soát tiến độ giải ngân của các dự án ngay từ tháng 7/2020.
Kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định.
(Nguồn: TTXVN)
Advertisement
Advertisement