14/12/2021 07:05
Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư EU
Với những lợi thế của Hiệp định EVFTA và EVIPA, Phó chủ tịch EuroCham lạc quan về cơ hội của Việt Nam trong việc thu hút làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu.
Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 do Bộ Ngoại giao tổ chức, chiều ngày 13/12/2021, Tọa đàm “Gặp gỡ Đoàn Ngoại giao, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam” đã diễn ra trực tiếp kết hợp trực tuyến với gần 300 điểm cầu ở Việt Nam và quốc tế.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết, với mong muốn tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, cởi mở, thuận lợi cho các nhà đầu tư, Việt Nam đã thúc đẩy đồng bộ các nỗ lực cải cách thể chế trong nước và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Theo ông Dũng, Việt Nam đã tham gia và ký kết 17 hiệp định thương mại tự do kết nối hơn 60 quốc gia, thiết lập quan hệ kinh tế với hơn 230 nền kinh tế, và đang trên đà trở thành một trong những tâm điểm của mạng lưới các liên kết kinh tế, khẳng định sức hút của một nền kinh tế với độ mở cao và một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Uy tín, vị thế ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế cũng là một điểm cộng cho môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam. Với việc đảm nhiệm nhiều trọng trách như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Hội đồng liên Nghị viện ASEAN, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ và nhất quán đối với mục tiêu duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển, Thứ trưởng nói.
Mặc dù gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trong năm 2020 nhưng Việt Nam đã đạt dấu mốc thành công lớn của về đầu tư FDI. Với tổng số vốn 16 tỷ USD, lần đầu tiên Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút đầu tư FDI.
“Một đất nước Việt Nam năng động, đổi mới, trách nhiệm và uy tín đã, đang và sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Torben Minko, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp định thương mại tự do châu Âu-Việt Nam (EVFTA) mở ra một kỷ nguyên mới trong hợp tác thương mại Việt Nam-EU, thông qua việc loại bỏ dần thuế quan và mở cửa thị trường.
Một năm sau khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 39,75 tỷ USD (tính đến ngày 1/8/2021), tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Về phía EU, con số này là 16,51 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể tại thị trường EU.
Về đầu tư, với cam kết đảm bảo minh bạch và thuận lợi trong môi trường đầu tư, kinh doanh, Việt Nam đã từng bước nhận được các nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU, với các dự án có công nghệ tiên tiến, tạo ra giá trị và lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Sức hấp dẫn đầu tư này sẽ còn được đẩy mạnh hơn nữa khi Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) có hiệu lực.
Bày tỏ lạc quan về cơ hội của Việt Nam trong việc thu hút làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một địa điểm thịnh vượng, an toàn và cạnh tranh để đầu tư và kinh doanh, ông Torben Minko khẳng định, những thuận lợi do EVFTA mang lại khiến Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư EU, tạo cơ hội mới trong giao thương và đầu tư cho các đối tác EU.
Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng của EVFTA, ông Minko đề xuất Việt Nam cân nhắc những thách thức như: cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam-EU, tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính, nâng cấp cơ sở hạ tầng hậu cần và cải thiện kết nối vận tải của Việt Nam, và tìm hiểu toàn diện về sở thích và nhu cầu của người tiêu dùng châu Âu.
Đưa ra một số đề xuất để các địa phương đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, bà Virginia Foote, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ (AmCham) cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy nhanh quá trình xây dựng chính phủ điện tử, ngân hàng điện tử…
Bên cạnh đó, đầu tư vào các chương trình đào tạo để tăng quy mô, trình độ, kỹ năng của lao động Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lực lượng lao động có tay nghề và tài năng.
“Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu tại Hội nghị khí hậu COP26 ở Glasgow, Việt Nam hướng tới sử dụng năng lượng sạch. Các công ty Mỹ cần thấy được rằng, họ có khả năng tiếp cận với năng lượng sạch ở những địa bàn họ đầu tư”, bà Virginia Foote nói.
Chủ tịch AmCham khẳng định, cơ quan này sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam về các vấn đề như tạo thuận lợi thương mại, năng lượng và chuyển đổi kỹ thuật số trên toàn quốc, đẩy mạnh quan hệ với các địa phương ở Việt Nam.
Advertisement
Advertisement