18/04/2021 17:05
Việt Nam có thể sản xuất xe điện vì chúng ta không còn gì để mất
Chạy tốc độ cao, trèo đèo lội suối như ô tô xăng dầu
Lợi thế không thể chối cãi với ô tô chạy bằng động cơ đốt trong là việc nó có thể tự hình thành thị trường ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nhờ khả năng di chuyển mà không cần trạm sạc tiêu chuẩn như ô tô điện. Nhưng giờ đây ô tô điện có khả năng vận hành ưu việt như ô tô xăng dầu.
Trao đổi với báo VietNamNet, PGS. TS Đàm Hoàng Phúc, Bộ môn Ô tô và xe chuyên dùng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nói rằng với công nghệ ô tô điện hiện nay đã có thể đáp ứng hết các tính năng như trên xe động cơ đốt trong.
“Ô tô điện đã có thể đi được những quãng đường dài tương đương xe thông thường chạy xăng hoặc dầu, trên xe đủ điều hòa, giải trí. Thậm chí nó còn là công nghệ mở, cho phép các quốc gia như Việt Nam có thể phát triển dựa trên năng lực tri thức con người, viết phần mềm áp dụng cho xe.
Bên cạnh đó, với những người chơi xe, đam mê tốc độ cao hoặc leo đèo, lội suối thì ô tô điện hoàn toàn đáp ứng được, thậm chí còn hoạt động ưu việt hơn”, PGS. TS Đàm Hoàng Phúc cho biết.
Thực tế trên thế giới hiện nay, những mẫu xe điện như Tesla Roadster thế hệ mới đã có khả năng tăng tốc nhanh nhất thế giới từ 0-100km/h chỉ trong 1,9 giây, hay hãng xe GMC đã hồi sinh thương hiệu địa hình Hummer vốn nổi tiếng “uống xăng” bằng 2 mẫu Hummer EV và EV SUV, tầm hoạt động lên tới 450 km khi tính cả yếu tố off-road.
Trả lời cho câu hỏi nhiều người vẫn thắc mắc là liệu khi gần hết năng lượng thì công suất vận hành của ô tô điện có giảm đi hay không, PGS. TS Đàm Hoàng Phúc cho rằng ở đây có sự hiểu nhầm ô tô điện giống như xe đạp điện, hay các thiết bị hoạt động bằng pin tích điện, yếu dần theo lượng điện áp còn lại.
Ông phúc nói: “Trên thực tế, công nghệ trên ô tô điện khác hoàn toàn, nhà sản xuất thiết lập cho xe vận hành đúng công suất thiết kế và đến một mức nào sẽ dừng mọi hoạt động, buộc chủ xe phải sạc điện. Cũng giống xe xăng dầu có đồng hồ báo mức nhiên liệu còn lại thì ô tô điện có con số quãng đường sẽ đi được do máy tính dự báo”.
Bên cạnh đó, PGS. TS Phúc cũng nói thêm về hiệu quả sử dụng năng lượng của ô tô điện mang tính hòa đồng với hạ tầng về sản xuất điện: “Ô tô điện về lý thuyết chính là một trạm lưu điện di động. Hãy thử tưởng tượng quy mô sử dụng lên đến hàng triệu chiếc như xe động cơ đốt trong hiện nay, chúng ta sẽ có hàng triệu trạm lưu điện với khả năng bù tải cực lớn”.
Việt Nam có nên nhập cuộc sản xuất ô tô điện
Tính đến thời điểm này, trong khi Việt Nam mới manh nha hình thành thị trường ô tô điện thông qua một số thương hiệu chính hãng như Vinfast, Audi, Porsche thì ở các nước láng giềng trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia đã được đầu tư và đặt ra lộ trình để hình thành ngành công nghiệp sản xuất xe điện quy mô.
Đứng trước xu thế dịch chuyển, tái cơ cấu lại sản xuất, chuyển dần sang ô tô chạy hoàn toàn bằng động cơ điện trên thế giới, câu hỏi trên đang xuất hiện trong đầu của nhiều người dân Việt Nam, nhất là khi hãng xe nội địa Vinfast liên tục thời gian qua công bố và cho khách hàng đặt trước ô tô điện e34.
Thậm chí, sự quan tâm tới ô tô điện tăng dần khi mẫu xe tự hành thông minh cấp độ 4 “Made in Vietnam” mang tên Phenikaa xuất hiện tại Hà Nội hồi cuối tháng 3, xe buýt điện do VinFast sản xuất có khả năng chạy 220-260 km mỗi lần sạc bắt đầu chạy thử tại các khu đô thị của Vingroup từ đầu tháng 4.
Một viễn cảnh thị trường ô tô điện dần cởi mở trước mắt đất nước gần 100 triệu dân, với quy mô tiêu thụ đang ở ngưỡng trên 400.000 xe/năm. Vậy đã đến lúc Việt Nam có thể bắt đầu nghĩ đến việc định hình chiến lược công nghiệp ô tô bẻ hướng sang xe điện hay chưa?
Trả lời báo VietNamNet, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho rằng mặc dù xu hướng xe điện hóa là tất yếu vì đã có dự báo từ quốc tế (đến 2030 thị phần sẽ khoảng 65% cho xe động cơ đốt trong, còn lại gồm xe hybrid khoảng 15%, xe động cơ điện 15%; phần còn lại là các dạng khác), nhưng để thay thế hết xe động cơ xăng dầu không thể nhanh được.
“Bản thân xe điện nếu được sản xuất quy mô lớn sẽ phát sinh nhiều vấn đề như quá trình làm pin và loại thải pin, xe lấy điện từ nguồn năng lượng hóa thạch hay tái sinh, ảnh hưởng thế nào đến an ninh năng lượng dành cho phát triển công nghiệp và sinh hoạt. Nếu như thế giới vẫn đang loay hoay giải bài toán này thì Việt Nam 10 hoặc 15 năm tới cũng chưa thể đi nhanh hơn được”, ông Hiếu nhận định.
Mặc dù vậy ông Hiếu cũng thừa nhận Việt Nam cũng nằm trong xu hướng chung, thị trường sẽ có một tỷ lệ ô tô điện nhất định trong tiêu dùng. Nhưng tỷ lệ này sẽ phụ thuộc vào chính sách nhà nước thúc đẩy đến đâu.
Cũng đồng quan điểm về khó khăn lớn nhất của xe điện là chính sách, chuyên gia ô tô Vĩnh Nam nói: “Ở một số nước ở Đông Nam Á có chính sách xe điện, các hãng xe Châu Âu đã ngay lập tức bán loại xe này. Việt Nam chưa có chính sách thuế hỗ trợ phát triển các dòng xe chạy điện, nhưng thị trường sẽ thay đổi khi mọi thứ cụ thể hơn”.
Cuối cùng, ông Vĩnh Nam cho rằng chi phí vận hành không phải là vấn đề quá quan trọng khi so sánh xe điện với xe động cơ đốt trong, mà là nó có thuận tiện sử dụng hàng ngày hay không, sạc điện như thế nào, ở đâu và các trạm sạc do hãng xe tự phát triển có dùng chung chuẩn không hay loại cổng cắm riêng?
Mặc dù khó khăn còn nhiều, nhưng theo PGS. TS Đàm Hoàng Phúc, Việt Nam thực tế đã thất bại trong xây dựng công nghiệp ô tô suốt hơn 20 năm qua, nhưng đây lại là lợi thế nếu lựa chọn làm xe điện.
“Ô tô điện là lĩnh vực hoàn toàn mới, trong khi ở các nước sản xuất ô tô chạy xăng dầu nhiều như Thái Lan, Malaysia sẽ phải đắn đo lựa chọn đập bỏ ngành công nghiệp ô tô đã hình thành bén rễ cho lợi nhuận lớn, thì Việt Nam có thể bắt tay ngay làm xe điện vì chúng ta không có cái phải hy sinh”, ông Phúc nhận định.
Nếu chung định hướng, tầm nhìn thì bây giờ là thời điểm tốt nhất để các nhà khoa học, doanh nghiệp và Chính phủ ngồi lại với nhau để “xắn tay” vào tạo nên một chính sách cụ thể cho việc phát triển ô tô điện.
Advertisement