01/12/2020 07:34
Việt Nam có 8.500 doanh nghiệp giải thể mỗi tháng
11 tháng năm 2020, trung bình mỗi tháng Việt Nam có thêm 15.000 doanh nghiệp nhưng lại mất đi 8.500 doanh nghiệp. Dịch vụ vẫn là lĩnh vực chịu nhiều tổn thương.
Tổng cục Thống kê đánh giá: “Thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, nên số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực”.
Mỗi tháng có thêm 15.000 doanh nghiệp
Theo số liệu mới nhất, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11/2020 là gần 13.100 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2019. Số vốn đăng ký của các doanh nghiệp trong tháng là 284.800 tỷ đồng, tăng 72% so với tháng trước. Số lao động đăng ký là 119.700, tăng 65,3% về số lao động so với tháng trước.
Đáng chú ý, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11/2020 đạt 21,8 tỷ đồng, tăng 60,3% so với tháng trước và tăng 90,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng, cả nước còn có 5.315 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng cục Thống kê đánh giá, tình hình doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: VGP |
Tính chung 11 tháng đầu năm 2020, cả nước có gần 124.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.878.900 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 970.000 lao động. So với cùng kỳ năm trước, kết quả này giảm 1,9% về số doanh nghiệp, tăng 19,3% về vốn đăng ký và giảm 14,7% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đạt 15,1 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 3.086.900 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 36.200 doanh nghiệp thay đổi tăng vốn, thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm nay là 4.965.800 tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, cả nước còn có 40.800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 10,7% so với 11 tháng năm 2019. Con số nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên gần 165.100 doanh nghiệp, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng có 15.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
2/3 doanh nghiệp mới chọn kinh doanh dịch vụ
Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và lĩnh vực dịch vụ nói riêng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, dịch vụ vẫn là lĩnh vực sôi nổi để người Việt khởi nghiệp. 11 tháng qua, lĩnh vực này ghi nhận hơn 84.500 doanh nghiệp thành lập, tuy giảm 7% so với cùng kỳ nhưng lại chiếm tới hơn 2/3 tổng số doanh nghiệp thành lập mới của cả nền kinh tế.
Trong lĩnh vực dịch vụ, nhóm ngành bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy hấp dẫn hơn hẳn khi chiếm tới 48% tổng số doanh nghiệp thành lập mới của lĩnh vực này. Tiếp đến là nhóm ngành khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế và quảng cáo; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ; kinh doanh bất động sản,…
Xét về số vốn đăng ký, nhóm ngành kinh doanh bất động sản lại đứng đầu với hơn 776.500 tỷ đồng, chiếm hơn 56% của cả lĩnh vực dịch vụ. Các nhóm ngành có số vốn đăng ký lớn khác bao gồm bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế và quảng cáo,…
Lĩnh vực dịch vụ cũng chiếm thế thượng phong trong việc phục hồi kinh doanh. 11 tháng qua có gần 28.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, chiếm gần 70% tổng số của cả nền kinh tế.
Nhóm ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có tốc độ phục hồi nhanh nhất khi tăng 46% so với cùng kỳ của năm 2019. Các nhóm ngành có tốc độ tăng về doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lớn gồm kinh doanh bất động sản; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác; giáo dục và đào tạo,…
Mỗi tháng có 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Tuy có nhiều mảng màu khởi sắc nhưng tháng 11/2020 vẫn còn ghi nhận tình trạng tạm dừng hoạt động, giải thể của doanh nghiệp neo ở mức cao. Trong tháng, cả nước có 2.771 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 15,9% so với tháng trước, nhưng lại tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Nền kinh tế phải chứng kiến 4.471 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng lần lượt 24,9% và 5,7%. Về doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, có 1.941 doanh nghiệp, tăng 37,4% và tăng 30,6%.
Luỹ kế 11 tháng năm 2020, Việt Nam có tổng cộng gần 93.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Các nhóm này tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, 44.400 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, vẫn tăng mạnh tới 59,7%. Cả nước có 33.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm đáng kể được 11,7%. Ngoài ra, hơn 15.400 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,1% so với 11 tháng của năm 2019. Như vậy, trung bình mỗi tháng có 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác, kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác, vận tải, kho bãi,…
Kinh doanh bất động sản lộ rõ vết thương
Đáng nói, cơ cấu doanh nghiệp giải thể đã có chuyển biến rõ nét hơn trong lần báo cáo này. Lĩnh vực dịch vụ vẫn có số lượng doanh nghiệp giải thể và tốc độ tăng cao nhất trong nền kinh tế, với hơn 11.800 doanh nghiệp và tăng 3,9% so với cùng kỳ. Tuy vậy, khoảng cách so với lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đang dần thu hẹp về tốc độ. Lĩnh vực này tổng cộng có hơn 3.300 doanh nghiệp giải thể, tăng 2,4% so với cùng kỳ.
Nội tại lĩnh vực dịch vụ cũng bắt đầu có những biến chuyển giữa các nhóm ngành. COVID-19 về lâu dài lại càng gây sức ép lớn cho một số ngành nghề nhất định.
Ngành du lịch sau nhiều đợt kích cầu đã không còn là ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất trong nền kinh tế vì COVID-19 khi số doanh nghiệp giải thể 11 tháng là 853 doanh nghiệp. Con số này là tính chung với các ngành như dịch vụ việc làm, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác. Nhóm này chỉ đứng thứ 7 về số lượng trong các ngành nghề và có tốc độ tăng chỉ 17,3%, xếp thứ 6.
Ngành du lịch bắt đầu khởi sắc sau nhiều nỗ lực kích cầu. Ảnh: TravelMag |
Trong ngành dịch vụ, kinh doanh bất động sản càng về cuối năm càng lộ rõ vết thương. 11 tháng qua, chỉ tính riêng nhóm này có đến 885 doanh nghiệp giải thể, tăng tới 46,8% so với cùng kỳ của năm 2019. Đây là nhóm ngành có tốc độ giải thể doanh nghiệp cao nhất trong lĩnh vực dịch vụ và đứng thứ 2 nếu xét chung cả nền kinh tế.
Các ngành dịch vụ có tốc độ giải thể doanh nghiệp cao còn có giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; khoa học, công nghệ và dịch vụ tư vấn, thiết kế quảng cáo,… 3 nhóm này có tốc độ giải thể doanh nghiệp lần lượt tăng 34%, 27% và 18%.
Kinh doanh bất động sản đang lộ nhiều điểm tổn thương vì COVID-19. Ảnh: Pháp Luật |
Nhưng xét về số lượng thực, nhóm bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy lại có tổng số doanh nghiệp giải thể lớn nhất với 5.829 doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu so với 11 tháng năm 2019, số doanh nghiệp giải thể của ngành này lại giảm 4,1%.
Advertisement
Advertisement