13/08/2019 10:20
Việt Nam có 24 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2019
7 tháng đầu năm 2019, Việt Nam có 24 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD và kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại do giá của một số mặt hàng giảm sau khi đã đạt ở mức cao trong các năm 2017-2018, cụ thể như nhóm nông sản.
Đi kèm theo đó là sự gia tăng các yếu tố rủi ro, thách thức do bất đồng giữa các nước lớn về định hình thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, vấn đề Anh rời khỏi EU vẫn chưa được giải quyết.
Căng thẳng thương mại mới đây giữa Nhật Bản và Hàn Quốc hay rủi ro đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá trong thời gian tới sau tuyên bố áp thuế nhập khẩu bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ ngày 01 tháng 9 của Tổng thống Hoa Kỳ, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 đạt được một số thành tựu:
Quy mô xuất khẩu tăng trưởng cao. Tính đến hết tháng 7 năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. 7 tháng đầu năm 2019, đã có 24 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Có tới 33/45 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018.
Việt Nam có 24 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, trong 7 tháng đầu năm 2019. |
Kết quả xuất khẩu của Việt Nam cũng là tích cực nếu so sánh với kết quả xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của các nước hầu hết đều giảm hoặc chỉ đạt mức tương đương so với cùng kỳ. Theo số liệu từ WTO, xuất khẩu của Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1.171,2 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ; của Brazil đạt 109,8 tỷ USD, giảm 3,5%.
Các nước trong khu vực mới chỉ cập nhật số liệu 4-5 tháng của năm 2019, nhưng nhìn chung đều chịu sự giảm sút của xuất khẩu: Thái Lan 5 tháng đạt 101,6 tỷ USD, giảm 3,1%; Singapore 5 tháng đạt 162 tỷ USD, giảm 3,3%; Malaysia 4 tháng đạt 78,4 tỷ USD, giảm 4,7%; Indonesia 4 tháng đạt 53,7 tỷ USD, giảm 8,7%.
Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng mạnh. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước trong 7 tháng năm 2019 ước đạt 44 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2018; cao hơn tốc độ tăng của khối doanh nghiệp FDI (tăng 5,6% so với cùng kỳ).
Khác với thời gian trước, động lực tăng trưởng của khối trong nước trong 7 tháng đầu năm 2019 không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Xuất khẩu nhiều mặt hàng như gỗ và sản phẩm gỗ, các sản phẩm dệt may, sản phẩm chất dẻo,... của khối doanh nghiệp trong nước tăng trưởng tốt.
Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Kết quả xuất siêu được tiếp tục duy trì. Từ đầu năm 2019, mặc dù có thâm hụt thương mại trong một vài tháng nhưng tính chung 7 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn giữ được xuất siêu. Mức thặng dư cán cân thương mại 7 tháng đầu năm là 1,79 tỷ USD.
Xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA và sang Hoa Kỳ đạt mức tăng trưởng cao. Trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam đa số đều đạt mức tăng trưởng tốt như xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 9,66 tỷ USD, tăng 8,9%; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 9,12 tỷ USD, tăng 4,7%; xuất khẩu sang ASEAN đạt 12,92 tỷ USD, tăng 5,6%.
Một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt. Canada tăng 32,9% (đạt 1,83 tỷ USD), trong đó, dệt may tăng 22,6%, giày dép tăng 21,9%, túi xách, vali mũ ô dù tăng 16,5%. Mexico tăng 23,43% (đạt 1,31 tỷ USD), trong đó, thủy sản tăng 21,28%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,8%, dệt may tăng 24,63%, giày dép tăng 11,17%.
Xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 27,51 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2018. Những mặt hàng chủ lực đều tăng cao như: gỗ và sản phẩm gỗ tăng 32,2% (đạt 2,25 tỷ USD); dệt may tăng 10,1% (đạt 7,03 tỷ USD); giày dép tăng 15,3% (đạt 3,18 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 77,1% (đạt 2,3 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện tăng 81,9% (đạt 4,18 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 52% (đạt 2,07 tỷ USD).
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp